Thuốc nào giảm đau đầu vì vốn?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Ngân hàng thừa tiền, DN đói vốn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhiều tháng qua.

Vì sao và làm thế nào để DN thở phào khi được tiếp vốn và ngân hàng thì không nơm nớp với nỗi lo nợ xấu vẫn là bài toán khó đang loay hoay tìm câu trả lời.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh chính sách tín dụng không có gì thay đổi, dư địa cho vay của các tổ chức tín dụng tương đối rộng rãi và thanh khoản hệ thống được Ngân hàng Nhà nước duy trì dồi dào. Điều này cho thấy, nguyên nhân tín dụng tắc không nằm ở thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng giảm, các DN cũng nín th ở để xem xét thị trường. Thậm chí, dù lãi suất giảm mạnh nhưng nhiều DN vẫn không dám vay, không dám mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh. Số liệu cho thấy, DN rời khỏi thị trường có xu hướng tăng, trong đó số DN giải thể tăng 15%.

Các ngân hàng cho rằng vốn không thiếu nhưng để bơm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, khi thị trường nước ngoài giảm sút, tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, DN không có đơn hàng, co cụm lại, không những không vay vốn mà khi bán được hàng tồn kho, DN còn trả lại tiền cho ngân hàng. N

hững người có khả năng vay và trả thì không có nhu cầu, bởi nếu vay vốn sản xuất mà để tồn kho thì rất nguy hiểm. Chính vì vậy, đối với những khách hàng tốt, các ngân hàng thương mại "tranh nhau" để cho vay, nhưng cũng có những nhóm khách hàng cần phải thận trọng để phòng ngừa rủi ro.

Vì vậy, cần có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành với DN để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Ngoài tín dụng, DN cần được tiếp sức thêm bởi những chính sách hỗ trợ nhìn thấy ngay để vượt qua khó khăn. Trong khi chờ nghị quyết hỗ trợ DN, việc các địa phương tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, giới thiệu những sản phẩm để tăng sức cầu cho DN là rất cần thiết.

Một số ngân hàng cũng đã chủ động làm việc với các ngành nghề và các hiệp hội trong nước và nước ngoài để hiểu được khả năng tiêu thụ sản phẩm của DN, từ đó dự phòng, hoạch định sẵn hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với kế hoạch của khách hàng.

Việc kết nối giữa DN lớn với DN nhỏ để đầu ra của DN lớn là đầu vào của DN nhỏ, hoặc kết nối giữa DN với người dân để chuỗi cho vay của ngân hàng liên tục cũng là một giải pháp.

Một giải pháp khác nữa là các ngân hàng đang xây dựng các giải pháp để đầu tư và tăng trưởng tín dụng cho các phân khúc khách hàng khác nhau, từ phân khúc khách hàng tiêu dùng thấp như nhóm khách hàng tài chính tiêu dùng đến khách hàng bán lẻ; phân khúc khách hàng sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tín dụng xanh.

Tín dụng ngân hàng thực chất là tiền của hàng triệu người gửi tiền, hàng trăm nghìn DN đã gửi gắm cho ngân hàng trên cơ sở niềm tin với hệ thống. Ngân hàng có trách nhiệm sử dụng nguồn vốn đó một cách thận trọng, an toàn và hiệu quả.

Cho vay những dự án dưới chuẩn, pháp lý không rõ ràng, phương án thu hồi vốn không khả thi hay có mức độ rủi ro cao không chỉ mang lại rủi ro cho chính ngân hàng, mà còn cho người gửi tiền và toàn hệ thống.