70 năm giải phóng Thủ đô

Thuốc, thực phẩm “dởm” hoành hành: Quản lý có vấn đề

Thu Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp các vụ việc sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái liên quan đến lĩnh vực y tế được phát hiện thời gian qua khiến người dân bất an. Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần có động thái quyết liệt hơn, xử lý tận gốc vấn đề.

 Mua bán thuốc tại một cửa hàng trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
"Mờ mắt" vì lợi nhuận
Theo ông Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng diễn biến rất phức tạp. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an ninh - xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của các DN sản xuất, kinh doanh và đến sức khỏe của người tiêu dùng, tác động xấu đến môi trường kinh doanh.

Cũng theo ông Tuấn, các mặt hàng là dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt trong thời gian gần đây, dược phẩm giả, kém chất lượng được các cơ quan chức năng phát hiện có xu hướng tăng mạnh. Thực tế, từ đầu năm 2018 đến nay,
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã liên tiếp có công văn khẩn về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc nhiều loại mỹ phẩm, thuốc kém chất lượng.
Mới đây nhất, vụ Công ty Vinaca sản xuất thực phẩm chức năng và quảng cáo là thuốc chữa ung thư “thần thánh”, nhưng thực chất được làm bằng bột tro than khiến bệnh nhân, người dân lo lắng. Hay vụ cà phê nhuộm pin Con ó khiến người tiêu dùng hoang mang. Khi ngành chức năng phát hiện ra, các loại thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng đã đi vào dạ dày người sử dụng.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thừa nhận, câu chuyện quản lý còn nhiều điều đáng bàn. Dù các ngành chức năng luôn nỗ lực nhưng vẫn chưa thể triệt tận gốc hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc. Thậm chí những mặt hàng này được “mông má”, “phù phép” thành hàng nhập khẩu “xịn”.

Còn theo ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, hiện nay hàng giả, hàng nhái đang trở thành vấn nạn, gây ảnh hưởng tới nền kinh tế, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN, gây mất an toàn chính trị xã hội… Sở dĩ vấn nạn này hoành hành, theo ông Hùng do lợi nhuận quá lớn, khiến nhiều chủ cơ sở vô lương tâm làm hại người tiêu dùng.
Chẳng hạn, một hộp thực phẩm chức năng “made in Trung Quốc” được nhập về Việt Nam chỉ có giá vài chục nghìn đồng. Sau khi “chế biến” nhãn mác, cơ sở bán ra thị trường tới vài trăm nghìn đồng, thậm chí vài triệu đồng. "Lợi nhuận khủng từ kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng là nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều đối tượng, đường dây buôn bán thực phẩm chức năng giả" - ông Trần Hùng nhấn mạnh.

Cần nhìn thẳng sự thật

Để vấn nạn hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực y tế tràn lan, ông Trần Hùng cho rằng, các cơ quan chức năng phải nhìn thẳng vào sự thật, bởi đã có lúc buông lỏng quản lý. Những người chống hàng giả cũng phải tự “nhìn lại mình” đã thực sự chuyên tâm chưa? “Công tác phối hợp liên ngành bị cho là chưa thể hiện sự thống nhất, còn đùn đẩy trách nhiệm. Tại nhiều vụ việc phát hiện buôn lậu, hàng giả, không có cơ quan nào chịu nhận trách nhiệm” - ông Hùng nói.

Theo ý kiến của một số DN, không khó để phát hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhưng để khẳng định đó là hàng giả thì không dễ. Sở dĩ như vậy là do theo quy định, để xử lý được hàng giả, bắt buộc phải có giám định kết luận hàng giả, nhưng chi phí giám định nhiều mặt hàng rất cao, khi đưa đi giám định, lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí mà việc thu hồi các khoản ứng phí đó trên thực tế là rất nhiêu khê.
Mặt khác, muốn giám định hàng giả, hàng nhái thì phải có yêu cầu từ chủ sở hữu thương hiệu bị làm giả, làm nhái, nhưng rất nhiều vụ vi phạm khi bị phát hiện thì hàng hóa bị làm giả có nguồn gốc từ các nước không đăng ký chất lượng tại Việt Nam. Điều đáng nói là nhiều nhà sản xuất, DN e ngại thương hiệu bị ảnh hưởng nên khi được mời đến xác nhận hàng giả đã từ chối.

Do vậy để chống hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực y tế, theo các nhà quản lý, cần sự chung tay của nhiều ban ngành, cơ quan chức năng, DN và người dân. Bên cạnh đó, pháp luật phải được thực thi nghiêm minh và đủ sức răn đe. Đối với người dân hãy luôn nói “không” với hàng giả, mua hàng ở những điểm bán hàng tin cậy, được cấp phép. Khi mua, quan sát kỹ các thông số được ghi trên nhãn mác cũng như xuất xứ sản phẩm. Còn đối với những DN làm ăn chân chính, nếu bị vi phạm bản quyền thì không nên e ngại mà cần phải kiên trì đi tới tận cùng câu chuyện.

Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP có giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược, mỹ phẩm. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan liên quan rà soát các hoạt động cấp phép sản xuất, nhập khẩu, hợp quy, kiểm tra chất lượng các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược, mỹ phẩm.

Đặc biệt, tăng cường thanh, kiểm tra các địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.