Bịt lỗ hổng, chặn sản xuất, phân phối sữa giả
Kinhtedothi - Gần đây, hai vụ án lớn liên quan đến sữa giả, kẹo rau củ Kera được quảng cáo “thổi phồng” công dụng liên tiếp bị triệt phá và khởi tố gây chấn động dư luận. Sau mỗi vụ án với những khoản lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng từ hàng giả được phanh phui, dư luận lại đặt ra hàng loạt nghi vấn về việc tự công bố chất lượng sản phẩm, trách nhiệm quản lý, có hay không lỗ hổng pháp lý?...
Vậy đâu là “lá chắn” để bịt lỗ hổng này, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người tiêu dùng trước ma trận thực phẩm chức năng?
Lỗ hổng quản lý
Mới đây, Bộ Công an công bố đã triệt phá đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn với 573 nhãn hiệu sữa, doanh thu gần 500 tỷ đồng. Nhóm này hướng đến đối tượng tiêu dùng là người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng, phụ nữ mang thai… Cơ quan công an xác định, các loại sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, hàm lượng dinh dưỡng để sản xuất sữa bột đều không được kiểm tra. Mặt khác, DN gần như không kiểm nghiệm thực tế toàn bộ dưỡng chất trong sữa.

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng trong đường dây sản xuất 573 loại sữa bột giả. Ảnh: VTV
Sau khi đường dây làm sữa giả bị triệt phá, Bộ Công Thương khẳng định các nhóm danh mục sữa bột giả của 2 công ty không thuộc đối tượng quản lý của Bộ. Trong khi đó, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế thông tin, hiện nay đa phần việc quản lý đã phân cấp về địa phương và giao địa phương quản lý.
Liên quan thông tin đường dây sản xuất 573 loại sữa giả trên, nhiều người dân nghi vấn tại sao có thể xảy ra việc "công bố một đằng, sản xuất một nẻo" với số lượng lớn, doanh thu lên tới 500 tỷ đồng? Trách nhiệm quản lý của các cơ quan ra sao khi để các sản phẩm bị làm giả được đưa ra thị trường trong 4 năm qua mà không được kiểm soát chất lượng?
Đề cập đến vấn đề này, Cục ATTP cho biết, việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm được quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Đa số các thực phẩm được tự công bố và có 4 nhóm cần kiểm soát chặt hơn thì phải được đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, các sản phẩm sữa bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý chính nhưng lại không có đủ nhân lực, hành lang pháp lý để kiểm tra sản phẩm lưu thông trên thị trường. Trong khi đó, Bộ Công Thương quản lý các sản phẩm sữa thông thường, không chịu trách nhiệm chính với các sản phẩm sữa dinh dưỡng bổ sung vi chất, thậm chí là cả thực phẩm chức năng. Chính sự chồng chéo này tạo ra lỗ hổng trong quản lý.
Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, từ năm 2021 đến nay, Chi cục đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố và tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm thực phẩm của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma 67 hồ sơ; Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group 4 hồ sơ. Như vậy, trong 573 sản phẩm sữa giả thuộc Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thực hiện cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm cho 71 sản phẩm (12%), chủ yếu là thực phẩm dinh dưỡng. “Tuy nhiên, không có hồ sơ nào có đối tượng là những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non thiếu tháng, phụ nữ có thai… Gần 90% các sản phẩm còn lại được công bố tại các tỉnh, thành khác” – đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khẳng định.
Tìm “lá chắn” bịt kẽ hở
Một số chuyên gia cho rằng, cơ chế tự công bố được thiết kế nhằm giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng ngược lại sẽ dễ bị lợi dụng như “tấm vé thông hành” để tuồn sản phẩm giả, kém chất lượng ra thị trường. Do đó, các quy định cần được sửa đổi để bịt kẽ hở này.
Lo ngại trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra ngày càng phức tạp, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng “liệu có sự buông lỏng, thậm chí là ngó lơ, tiếp tay hay không?”. Đại biểu cũng đề nghị cơ quan chức năng phải truy đến cùng, tùy theo mức độ vi phạm để xử lý.
Đồng quan điểm, đưa ra hàng loạt câu hỏi về lỗ hổng trong công tác quản lý, các văn bản pháp lý liên quan đến vụ sữa giả, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng đặt ra vấn đề hậu kiểm hiện nay chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm minh. Đồng thời đề nghị trong báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật cần phân tích, bổ sung thêm về những lỗ hổng pháp luật, từ đó kiến nghị các cơ quan phải có hướng hoàn thiện, từ đó thông tin với cử tri và Nhân dân cả nước.
Một số chuyên gia cho rằng, cơ quan xây dựng, thẩm định luật cần xem xét, bổ sung yếu tố “sản xuất, buôn bán thực phẩm mục đích dành riêng cho nhóm yếu thế như trẻ em, phụ nữ có thai, người bệnh, người già" một cách thấu đáo để tạo ra cơ chế bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương, ngay từ trong luật, như đã quy định đối với tội cố ý gây thương tích.
Theo Giám đốc Sở ATTP TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan, thực phẩm nói chung, sữa nói riêng là các sản phẩm người tiêu dùng trực tiếp đưa vào cơ thể, nếu chất lượng kém hoặc bị làm giả, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe khôn lường. Trong vụ án sữa bột giả, các sản phẩm đều hướng đến đối tượng yếu thế về sức khỏe, vì thế tính chất càng nghiêm trọng hơn. Song song với truy cứu trách nhiệm hình sự các bị can, bà Phạm Khánh Phong Lan đề nghị phải xem xét đến việc đền bù tổn thất cho những khách hàng đã mua sản phẩm sữa bột của nhóm này trong suốt 4 năm qua.
Liên quan đến việc công bố, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, vấn đề không hoàn toàn nằm ở thủ tục tự công bố hay phải đăng ký công bố, mà mấu chốt là công tác hậu kiểm có thực chất, hiệu quả hay không? Khâu hậu kiểm giữ vai trò then chốt trong việc giám sát, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm của DN. Do đó, giải pháp tốt nhất là hậu kiểm, thông qua cơ chế thanh, kiểm tra. Cơ quan chức năng phải làm tốt việc này, không thể trông chờ vào ý thức tự giác của DN khi có thể vì lợi ích mà họ nhắm mắt làm liều.
Theo các chuyên gia, để bịt lỗ hổng này, Bộ Y tế và Bộ Công Thương cần thiết phải xây dựng cơ chế giám sát chung, hoặc chuyển toàn bộ thẩm quyền quản lý các thực phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng cho Bộ Công Thương thống nhất quản lý, còn Bộ Y tế chỉ chịu trách nhiệm chuyên môn.
Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả giám sát thực phẩm lưu thông trên thị trường, Luật ATTP sửa đổi cần khuyến khích, cho phép người dân được chủ động kiểm nghiệm thực phẩm. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xem xét bổ sung tình tiết sử dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử bên cạnh tình tiết có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp làm yếu tố định khung tăng nặng đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm quy định tại Điều 193 và tội lừa dối khách hàng quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự.
Trích dẫn
Ngày 17/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 40/CĐ-TTg về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả. Trong công điện Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả nêu trên để thông tin cho người tiêu dùng và đưa các đối tượng vi phạm ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, trong đó có sữa giả. Bộ VHTT&DL chỉ đạo tổ chức rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm trên báo chí, trên môi trường mạng, trên các xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa và có biện pháp xử lý phù hợp, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết…

Sửa đối tượng, mức đóng bảo hiểm y tế đối với quân đội, công an, cơ yếu
Kinhtedothi - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 74/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 70/2015/NĐ-CP ngày 1/9/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đối với quân đội Nhân dân, công an Nhân dân và người làm công tác cơ yếu.

Trung Quốc thúc đẩy chiến lược y tế mới nhằm ngăn chặn khủng hoảng béo phì
Kinhtedothi - Đây được xem là bước đi mới nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát một số bệnh mãn tính như tiểu đường và rối loạn tim mạch – hệ lụy nghiêm trọng do béo phì gây ra cho sức khỏe người dân nước này.

Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh sởi với nhóm có nguy cơ cao, diễn biến nặng
Kinhtedothi - Chiều 13/4, Bộ Y tế cho biết, hiện nay bệnh sởi đã ghi nhận nhiều trường hợp là người trưởng thành, có diễn biến nặng và đã có trường hợp tử vong.