[Thuốc&Dinh dưỡng] Các vị thuốc ngâm rượu cho ngày Tết

Bác sĩ Nguyễn Phú Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày Xuân, thay vì dùng bia, rượu tây hay rượu ta, thật thú vị khi dùng vài ly rượu thuốc cho mình hoặc đãi bạn. Đương nhiên, đã là rượu thuốc thì uống có chừng mực, đều đặn mỗi bữa chỉ vài ba ly nhỏ. Uống để bồi bổ sức khỏe là chính, không vì vui mà say sưa.

Rượu ngâm câu kỷ tử: Vị thuốc bồi bổ sức khỏe, tăng cường chức năng thận, làm sáng mắt. Vị thuốc được dùng nhiều trong những bài thuốc bổ thận, cường dương, sinh tinh, điều trị hiếm muộn.

Câu kỷ tử hay còn gọi kỷ tử là quả chín phơi hay sấy khô của cây khởi tử có tên khoa học Lycium barbarumL. (Lycium chinense mill). Đây là vị thuốc quý nên còn có tên: thiên tinh, địa tiên, khước lão (từ chối tuổi già, trẻ mãi)... Đối với sức khỏe tình dục, có câu: “Đi xa ngàn dặm không nên dùng câu kỷ tử vì nó bổ thận quá cho nên kích thích đến tình dục” (Danh y Biệt lục).

Câu kỷ tử vị ngọt, tính bình, vào ba kinh Can, Thận và Phế; có công dụng tư bổ Can, Thận, dưỡng huyết minh mục và nhuận phế; thường dùng để chữa can thận âm suy, lưng gối yếu mỏi, đầu choáng mắt hoa, mắt nhìn không rõ, di tinh, vô sinh...

Câu kỷ tử có thể dùng độc vị để ngâm rượu, làm trà, thậm chí nhai sống. Ngày xuân có bình rượu ngâm câu kỷ tử để nhâm nhi thật thú vị.

Rượu ngâm dâm dương hoắc: Dâm dương hoắc (tên khoa học là epimedium, thuộc họ hoàng liên gai - Berberidaceae) là một trong những vị thuốc bổ dương của y học cổ truyền. Đây là lá phơi hay sấy khô của nhiều loại cây thuộc chi Epimedium như dâm dương hoắc lá to, dâm dương hoắc lá mác, dâm dương hoắc lá hình tim, dâm dương hoắc có lông mềm...

Theo y học cổ truyền, dâm dương hoắc vị cay ngọt, tính ấm; có công dụng ôn thận, tráng dương (làm ấm tạng thận và khỏe dương khí), cường cân tráng cốt (làm mạnh gân xương) và khứ phong, trừ thấp. Nó thường được dùng để chữa các chứng bệnh liệt dương, di tinh, tinh lạnh, muộn con, lưng đau gối mỏi, gân cốt co rút, bán thân bất toại, tay chân yếu lạnh, phong thấp... Dâm dương hoắc có ở Trung Quốc và một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.
Y học hiện đại ghi nhận, trong dâm dương hoắc có chứa hàm lượng L-Arginine rất cao (L-Arginine là chất kích thích sản xuất hoóc-môn tăng trưởng, tăng cường sinh dục, thiếu chất này sẽ làm ảnh hưởng đến sự ham muốn). Chiết xuất được trong lá dâm dương hoắc những nhóm chất có tác dụng làm tăng lưu lượng máu và cải thiện chức năng tình dục bao gồm: alcaloid, flavonoid và saponosid, phytosterol, tinh dầu, axít béo, vitamin E.

Dâm dương hoắc thường được dùng là thuốc ngâm rượu, có thể dùng độc vị, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Dương hoắc với mỡ dê để vừa tăng dược tính vừa tạo mùi thơm.

Rượu dâm dương hoắc ngâm độc vị có màu xanh đẹp. Thường ngâm 500g dâm dương hoắc với 5 lít rượu gạo ngon. Mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần 15 - 20ml.

Rượu thục địa: Thục địa có công dụng tư âm, dưỡng huyết, bổ Can, ích Thận, ích tinh, bổ tủy, tuấn bổ chân âm, kèm bổ huyết. Do vậy, thục địa là vị thuốc chủ lực của nhiều bài thuốc bổ thận cho những trường hợp vô sinh, cả nam lẫn nữ, tăng cường sức khỏe nói chung, sức khỏe tình dục nói riêng.

Địa hoàng có tên khoa học: Rehmannia glutinosa (Gaertn). Họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae). Sinh địa là thân rễ phơi hay sấy khô của cây địa hoàng; còn thục địa được chế biến từ sinh địa theo dạng đồ, nấu chín. Thục địa được xem là thuốc chủ yếu để bổ thận.

Theo tài liệu cổ, thục địa vị ngọt, tính hơi ôn vào 3 kinh: Tâm, Can, Thận. Có tác dụng nuôi thận, dưỡng âm, bổ thận, làm đen râu tóc, kinh nguyệt không đều, tiêu khát, âm hư, ho suyễn.

Y học hiện đại nhận thấy, địa hoàng (sinh địa, thục địa) có tác dụng: hạ đường huyết, làm mạnh tim, hạ huyết áp, bảo vệ gan, lợi tiểu, cầm máu và tác dụng lên một số vi trùng nên có tác dụng kháng viêm...

Thục địa qua chế biến như vậy mới trở nên bổ thận, không còn tính nê trệ của sinh địa nữa. Rượu ngâm thục địa thơm ngon, bổ thận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần