[Thuốc&Dinh dưỡng] Dinh dưỡng cho trẻ sau mổ teo mật bẩm sinh

Điều dưỡng Vũ Thị Quyên - Khoa Gan Mật, Bệnh viện Nhi T.Ư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Teo mật bẩm sinh là bệnh lý hiếm gặp của gan và đường mật, được đặc trưng bởi sự gián đoạn hoặc thiếu hụt của hệ thống đường mật ngoài gan, dẫn đến cản trở dòng chảy của mật.

Ở trẻ teo mật bẩm sinh do giảm bài tiết dịch mật xuống ruột và chức năng chuyển hóa, hấp thu của gan bị tổn thương dẫn tới giảm khả năng hấp thu các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K và các vi chất sắt, kẽm, canxi. Vì vậy, cần thường xuyên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin trong chế độ ăn cho trẻ.
Có nhiều vấn đề về dinh dưỡng chúng ta sẽ phải đối mặt sau phẫu thuật của trẻ, phổ biến nhất là tình trạng chậm lên cân, sự kém hấp thu và rối loạn tiêu hóa.
Một số nguyên nhân gây ảnh hưởng đến dinh dưỡng và quá trình hấp thu thức ăn ở trẻ sau mổ teo mật: Trẻ trải qua một cuộc phẫu thuật lớn, thời gian nằm viện kéo dài, trẻ hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng phối hợp. Trong thời gian này, trẻ sẽ kém hấp thụ thức ăn do tình trạng ứ mật.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, chỉ nên cho trẻ dùng sữa hoàn toàn, thời điểm này chưa nên sử dụng các thực phẩm ăn dặm bổ sung.
Với trẻ còn vàng da, Bilirubin cao trên ngưỡng bình thường nên lựa chọn các sản phẩm sữa có đạm thủy phân do các sản phẩm này dễ hấp thụ hơn với trẻ.
Với trẻ thoát mật tốt, hết vàng da, Bilirubin trở về giới hạn bình thường, chức năng gan ổn định, tăng cân tốt có thể lựa chọn sữa mẹ, sữa công thức hoặc sữa đạm thủy phân.
Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, cần lựa chọn thực phẩm đa dạng cho bữa ăn để bé có một bữa ăn đầy đủ năng lượng và các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển tinh thần và thể chất.
Khi chọn rau củ, nên chọn các loại rau lá có màu xanh đậm vì sẽ cung cấp thêm cho trẻ nhiều yếu tố vi lượng kẽm, sắt… Bố mẹ nên bổ sung cho trẻ mỗi tuần từ 1 - 2 bữa các thực phẩm chứa vitamin A và Beta caroten như bí đỏ, carot, cà chua…; không nên cho trẻ ăn quá nhiều vì có thể gây chứng vàng da do ứ đọng Beta caroten.
Trẻ có thể ăn đa dạng các loại protid có nguồn gốc động vật, hải sản… đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với trẻ có chức năng gan không tốt nên hạn chế các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt trâu, thịt dê, đà điểu…) vì các loại thịt này chứa nhiều acid amin nhân thơm khiến gan phải làm việc nhiều hơn. Hạn chế dùng mỡ động vật cho bé vì sẽ gây khó tiêu. Cha mẹ đặc biệt lưu ý, không cho bé ăn phủ tạng động vật như lòng lợn, tim, cật, gan lợn. Hạn chế sử dụng các thực phẩm có phẩm màu, các thực phẩm có chất bảo quản và các thức ăn công nghiệp đóng hộp.