Thương cho roi, cho vọt

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu trên còn thiếu một vế, đầy đủ là: “Thương cho roi, cho vọt/ Ghét cho ngọt, cho bùi”. Cũng không phải nhiều người hiểu đầy đủ câu răn dạy này của tiền nhân, được dân gian hóa.

Thông thường, người ta nghĩ cách dạy khi xưa có khi dùng bạo lực (roi vọt) mỗi khi con trẻ sai, điều đó mới đích thực là “thương”; còn ngược lại lời ngon ngọt với trẻ chỉ thỏa mãn chúng nhất thời, hại chúng về lâu dài, vậy là “ghét”.

Trong một lần lên làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), vào nhà một thầy giáo nổi tiếng, chúng tôi được sống lại không gian của thầy đồ dạy học nghiêm trang. Đặc biệt, chúng tôi được nhìn cái roi đen bóng được treo trên chỗ ngồi của thầy là cái sập gụ mới thực sự hiểu câu nói có từ “roi vọt” nói trên.

Đó không phải câu chuyện bạo lực, đánh đập. Đó là chuyện nghiêm minh, sẵn sàng trừng phạt những học trò đi chệch khỏi đạo học. Người thầy uy quyền có cái roi đó là người đầy đủ phẩm chất để trò tuân theo, trong đó có phẩm chất không thể thiếu là nghiêm minh. Roi chỉ là vật vô tri làm gì có uy quyền?

Chúng tôi tin rằng, suốt cuộc đời dạy học của mình, thầy giáo nói trên không bao giờ phải dùng đến cái roi đó, dù chỉ là quật xuống cạnh bàn chứ không phải bàn tay học trò.

Nói chuyện xưa để quay về chuyện nay, dù thực lòng không muốn.

Mới đây, qua phản ánh trên báo chí, một cô giáo bị học sinh của mình quây lại và dùng bạo lực với cô. Sự việc khiến nhiều phụ huynh “không thể tin nổi”. Họ không thể tin rằng, dù bạo lực học đường đây đó vẫn xảy ra, dù chuyện va chạm giữa giáo viên và học sinh cũng đã có, nhưng hành xử của các em học sinh tuổi còn rất non dại kia sao lại đến mức độ phũ phàng như vậy. Hầu như ai xem clip bạo lực trên đều đau đớn.

Sự việc đang được các cơ quan chức năng xem xét nghiêm túc. Chỉ mong những tổn thương do từ hai phía (giáo viên, học sinh) gây ra sẽ được xoa dịu. Điều quan trọng hơn là làm sao sự việc tương tự không xảy ra.

Nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng, phân tích sự việc trên và chỉ ra nguyên nhân, cũng như giải pháp cho ngành giáo dục cũng như cho gia đình (liên đới trách nhiệm).

Tuy nhiên, chúng tôi cảm giác, hiện có khá nhiều người nghĩ rằng, nhà giáo là người truyền dạy kiến thức, theo giáo án. Học trò là người thụ hưởng kiến thức. Quan hệ thầy - trò chỉ diễn ra trong lớp học, khuôn viên trường học, sau đó là trở về quan hệ xã hội thông thường.

Nếu chỉ như vậy thì làm sao có người như "Vạn thế sư biểu" Chu Văn An? Ông là người không chỉ giúp học trò có kiến thức rộng lớn (sau này có những người trở thành quan đầu triều) mà còn để lại một phẩm cách cao đẹp trong ứng xử với thời cuộc, công danh, lợi lộc..., khiến mọi người ở mọi thời ngưỡng mộ.

Học trò biết ơn thầy (xin nhớ là bao gồm thầy giáo và cô giáo) là vì nhờ thầy mà mình có kiến thức. Học trò còn nhớ ơn thầy còn vì tấm lòng của “người lái đò” luôn quan tâm đến những thế hệ của tương lai. Thầy còn là người truyền cảm hứng học tập, tấm gương chuẩn mực trong cuộc sống... Và thông thường, người thầy thương yêu học trò là người chuẩn mực, nghiêm minh.

Do vậy, ngành giáo dục - đào tạo nên siết chặt đầu vào, lẫn đầu ra hơn đối với việc tuyển chọn những người tương lai sẽ làm thầy. Việc chọn người học nghề sư phạm không chỉ là điểm số như bấy lâu nay vẫn làm; cần có những xem xét người học nghề có tâm huyết với nghề không, có thực sự thương yêu học trò không, có sẽ là người nghiêm minh trước những sự việc có thể xảy ra không...