Thương mại điện tử hứa hẹn bùng nổ

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo Nền tảng số liệu E-commerce (Metric), dự báo năm 2024 doanh số thương mại điện tử (TMĐT) thế giới đạt 6.300 tỷ USD, tăng 9,4%; còn tại Việt Nam, doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng mạnh có thể đạt hơn 310.000 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 35%.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xu thế thương mại xuyên biên giới

Các chuyên gia kinh tế đều khẳng định TMĐT xuyên biên giới sẽ là xu hướng tất yếu của thị trường. Với sự phát triển không ngừng của internet, các rào cản về địa lý khi mua bán, giao thương giữa các quốc gia trên toàn thế giới đang dần được xóa bỏ. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT Việt Nam tăng trưởng 25% và nằm trong top đầu của thế giới. Với tốc độ tăng trưởng nhanh như thế, TMĐT xuyên biên giới hứa hẹn sẽ bùng nổ trong những năm tới.

Theo Metric các gian hàng chính hãng từ Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng được quan tâm trên các sàn bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam. Vấn đề lớn nhất để TMĐT Việt Nam phát triển chính là việc có được các giải pháp mạnh nhằm hạn chế được nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Thực tế việc các sàn giao dịch TMĐT tổ chức ra chợ để mua bán nhưng lại từ chối trách nhiệm đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ nên tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của các thương hiệu kinh doanh chân chính nói riêng và toàn bộ nền kinh tế TMĐT nói chung. Nếu các sàn TMĐT vẫn không yêu cầu người bán công khai thông tin, công ty chuyển phát không phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa... thì việc phát triển TMĐT vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, tâm lý lên sàn TMĐT chỉ để mua những sản phẩm giá rẻ vẫn còn hằn sâu trong người tiêu dùng Việt Nam. Tập đoàn công nghệ KTS, DN vừa được Bộ Công Thương cấp phép website TMĐT đã tích hợp ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR đầu tiên tại Việt Nam. Đây là một giải pháp tốt để người mua trực giác phân biệt hàng hóa thật - giả nhưng sẽ khó nhân rộng cho các sàn TMĐT vì chi phí khá lớn, lên đến 20 triệu USD.

Phân tích của Metric cho thấy, các sản TMĐT đang phát triển nhanh ở các ngành hàng giá trị sản phẩm thấp, phần lớn dưới 500.000 đồng. Trên 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam hiện nay là Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và Sendo các mặt hàng có giá trị nằm trong khoảng từ 200.000 - 350.000 đồng chiếm tỷ lệ 14% tổng doanh thu, chiếm thị phần cao nhất. Đứng ngay phía sau là các mặt hàng có bán nằm trong khoảng từ 50.000 - 100.000 đồng, chiếm tỷ lệ 12% tổng doanh thu.

Cơ hội để phát triển

Năm 2024, thương mại xã hội dự kiến sẽ tăng vọt và mang đến cho DN cơ hội mới để tiếp cận, thu hút khách hàng. Các nền tảng như Facebook, Instagram và TikTok hiện đã cung cấp trải nghiệm mua sắm liền mạch, cho phép người dùng mua hàng mà không cần rời khỏi ứng dụng.

Mới đây, tại Hội chợ Tết phố 2024 do UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức, TikTok Việt Nam đã hào phóng tặng gói quảng cáo trị giá 500 triệu đồng cho các DN lớn của địa phương nhưng để “nổ đơn” vẫn khó khăn. Phó Chánh Văn phòng UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Tất Thắng, Phó Trưởng ban Tổ chức Hội chợ Tết phố 2024 chia sẻ, riêng ngày đầu tiên, 9 tài khoản TikTok livestream bán hàng đã sử dụng hơn 12.000 USD cho chi phí quảng cáo nhưng doanh số vẫn còn khiêm tốn. Có tài khoản đã đạt 20.000 lượt người xem nhưng để chuyển đổi sang mua hàng là điều không đơn giản dù đã có TikToker bán hàng chuyên nghiệp hỗ trợ.

Theo dự báo kinh doanh TMĐT tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới và Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn là những địa bàn có sự cạnh tranh quyết liệt. Theo địa điểm đặt kho, thống kê 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok và Sendo, TMĐT Hà Nội đứng đầu với doanh thu 76.600 tỷ đồng, chiếm 48% thị phần, TP Hồ Chí Minh thứ 2 với 32% thị phần; thị phần theo sản lượng bán Hà Nội vẫn đứng đầu chiếm 44% thị phần, TP Hồ Chí Minh thứ 2 với 30% thị phần

Với việc mới đây Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số TP do Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh làm Trưởng ban Chỉ đạo cho thấy, Thủ đô đang quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số nói chung và kinh tế số nói riêng. Điều này là cơ sở quan trọng để TMĐT của Hà Nội tiếp tục có sự tăng trưởng cao.