Thương mại điện tử hút vốn ngoại

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam được đánh giá là mảnh đất màu mỡ để phát triển thương mại điện tử (TMĐT).

Trong thời gian qua, TMĐT Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn từ nhiều quỹ đầu tư ngoại, đặc biệt là các DN TMĐT lớn trên thế giới.

Đại gia nước ngoài thống lĩnh

Theo thông tin của Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), trang lazada.vn (đến từ Đức) đã vượt qua 216 sàn giao dịch TMĐT khác trong nước để đứng đầu về doanh thu, chiếm 36,1% thị phần trong năm 2014. Sau hơn 3 năm hoạt động, lazada đã có 0,5 triệu khách hàng, hơn 200 triệu lượt truy cập. Tiếp đến là các trang sendo.vn với doanh thu chiếm 14,4%; zalora.vn đứng thứ 3 với 7,2% thị phần; tiki.vn nắm giữ 5,4%; ebay.vn là 3,6%... Đáng chú ý, thị trường chứng kiến nhiều đại gia nước ngoài sẵn sàng chi hàng triệu USD mở rộng thị trường hoặc mua lại cổ phần của những trang mua bán này.
 Thương mại điện tử phát triển nhanh chóng tạo thuận lợi cho người tiêu dùng. Ảnh: Thanh Hải 

Đầu năm 2016, Tập đoàn Alibaba đã đầu tư 1 tỷ USD để trở thành cổ đông chi phối của Lazada Group, chính thức thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Một thương vụ đầu tư đáng chú ý khác trong năm qua là việc 3 nhà đầu tư thuộc lĩnh vực internet của Nhật Bản đã chen chân vào TMĐT Việt Nam khi nắm giữ 33% cổ phần tại Công ty CP Sen Đỏ (Sendo), đơn vị trực thuộc Tập đoàn FPT. Trong khi đó, trang TMĐT đứng thứ 4 hiện nay là Tiki cũng đã bán 22% cổ phần cho Quỹ Đầu tư CyberAgent và 30% cổ phần cho Tập đoàn Sumitomo đều đến từ Nhật Bản.

Websosanh.vn ra mắt vào tháng 4/2014 giúp người tiêu dùng tìm kiếm và so sánh giá tất cả các sản phẩm bán tại các website ở Việt Nam. Websosanh.vn có 6 triệu sản phẩm của hơn 20.000 website và hơn 12.000 cửa hàng lớn nhỏ trên toàn Việt Nam, cập nhập theo thời gian thực. Giữa năm 2015, Websosanh.vn nhận vốn đầu tư từ Yello Shopping Media Group (Hàn Quốc). Trước đó, thị trường chứng kiến nhiều thương vụ đầu tư, hợp tác, góp vốn của nhiều DN ngoại vào TMĐT Việt Nam. Như Chợ Điện Tử (chodientu.vn) công bố hợp tác với Saeronnet và CJ Korea Express (thuộc CJ Hàn Quốc).

Thị trường còn nhiều tiềm năng

Với tiềm lực ngày càng mạnh, các nhà đầu tư ngoại đang dần lấn át các DN Việt. Với hơn 90 triệu dân, đa phần là người trẻ, với quy mô 4 tỷ USD (bằng 1/30 Nhật Bản), thị trường TMĐT Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Dự báo trong thời gian tới, xu hướng vốn ngoại tham gia trực tiếp vào thị trường TMĐT Việt Nam ngày càng mạnh. Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), khi DN nước ngoài rót vốn chứng tỏ thị trường đang rất hấp dẫn. Như vậy, người tiêu dùng sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất. Ông Hưng cho rằng, DN ngoại sẽ mang vốn, công nghệ vào Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của ngành TMĐT.

Theo Báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI) 2017 do VECOM công bố ngày 23/2 vừa qua, TMĐT xuyên biên giới và bán hàng đa kênh đang nổi lên nhanh chóng trong năm 2016. Tuy nhiên, theo VECOM, các DN nước ngoài đang khai thác lợi thế của kênh bán hàng trực tuyến hiệu quả hơn DN Việt Nam. “Nguyên nhân có thể do hàng hóa của nước ngoài phong phú, đa dạng, phù hợp với một bộ phận lớn người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là giới trẻ thành thị”. Nghiên cứu cho thấy, nhiều nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu như Amazon, eBay, Rakuten… có uy tín rất cao, trong khi những nhà bán hàng trực tuyến trong nước chưa có đủ uy tín và sự tin cậy của khách hàng.

Một lý do nữa, theo VECOM, là các nhà sản xuất Việt Nam chưa chú trọng đúng mức tới kênh xuất khẩu trực tuyến. Trong khi chất lượng, hình thức, giá cả của nhiều sản phẩm trong nước lại chưa cạnh tranh được với sản phẩm tương tự của nhiều nước khác. Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ, thương nhân của một nước dễ dàng bán trực tuyến sản phẩm ở nước khác tới thị trường toàn cầu.

Báo cáo cũng chỉ ra những trở ngại lớn đối với DN TMĐT trong nước năm 2016 vẫn không thay đổi, bao gồm lòng tin của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến còn thấp, thanh toán trực tuyến chưa phổ biến, dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chưa kịp nhu cầu. Tuy nhiên, theo đơn vị này, cũng cần có các biện pháp giúp đỡ, khuyến khích thương nhân Việt Nam tăng cường các kênh bán lẻ trực tuyến sản phẩm trong nước cho khách hàng ở nước ngoài, coi đây là một kênh quan trọng thúc đẩy xuất khẩu trong giai đoạn tới.

Hiện, khoảng 75% thị phần TMĐT đang tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong khi 61 tỉnh, thành còn lại chỉ chiếm 25%. Các chuyên gia tính toán, trong vòng 3 - 5 năm tới, các thị trường bên ngoài 2 TP lớn này cũng sẽ là mảnh đất màu mỡ để phát triển TMĐT nếu DN trong nước biết cách khai phá. Với những tính toán đó, doanh số từ TMĐT mang lại cho các DN bán lẻ có thể tăng lên khoảng 5 lần. Và trong tương lai dài hạn, thị trường này có thể lên tới mức doanh số hàng trăm tỷ USD. DN trong nước, do đó vẫn còn nhiều cơ hội cạnh tranh với các DN nước ngoài.


Sự phát triển của TMĐT trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua là tổng hòa của những yếu tố khách quan cũng như chủ quan, với những ưu thế đặc thù vượt trội so với các địa phương khác. Các DN TMĐT, công nghệ thông tin - viễn thông đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển ứng dụng TMĐT trên địa bàn. Hy vọng trong thời gian tới, cùng với sự quan tâm của TP, các DN tiếp tục ứng dụng TMĐT trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, thực phẩm an toàn để hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng ngày càng sôi động, đa dạng.

Nhằm phát triển TMĐT, Hà Nội sẽ triển khai nhiều biện pháp để cải thiện các chỉ tiêu trong chỉ số, nâng mức doanh thu bán lẻ trong kinh doanh trực tiếp lên khoảng 80%. Đồng thời các cấp, các ngành liên quan tiếp tục tham mưu cho TP đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, phấn đấu đưa chỉ số B2B và B2B… dẫn đầu cả nước, đó cũng là nhiệm vụ để nâng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

Trần Thị Phương Lan