Thương mại điện tử: Khơi thông đầu ra, tăng giá trị cho sản phẩm miền núi

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm khu vực miền núi, việc tiếp tục nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, tận dụng ưu thế của thương mại điện tử để chủ động phân phối, tiêu thụ sản phẩm là giải pháp bền vững.

Đó là nội dung chính của tọa đàm “Thương mại điện tử: Kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả cho thị trường miền núi” do Báo Công Thương tổ chức ngày 19/9.

Phương thức kinh doanh phổ biến

Những năm gần đây, sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Chính phủ, Bộ, ban, ngành quan tâm, thúc đẩy tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử. Các địa phương có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng kịp thời nắm bắt cơ hội, tận dụng ưu thế của thương mại điện tử để chủ động phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho người dân địa phương.

Tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử là phương thức kinh doanh phổ biến hiện nay. Ảnh minh họa
Tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử là phương thức kinh doanh phổ biến hiện nay. Ảnh minh họa

Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghiệp số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương) Bùi Huy Hoàng thông tin: vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), mận tam hoa Bắc Hà (Lào Cai), bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn... được chào bán ở vị trí ưu tiên trên những sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đưa các sản phẩm hàng hoá của mình lên các sàn thương mại điện tử để phát triển thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp hay các hộ sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực này thì thương mại điện tử vẫn là một kênh phân phối khá mới mẻ.

Đại diện sàn Postmart cho rằng, việc khơi thông đầu ra cho nông sản hiện nay là giải pháp quan trọng hiện nay nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện việc kinh doanh trên sàn Postmart đang mang lại những thành công nhất định cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần thiết phải có một hệ thống thương mại điện tử của riêng doanh để từ đó sẽ giúp doanh nghiệp định hướng được hướng đi mình trong hoạt động thương mại điện tử nói chung, đưa nông sản ra thế giới ở thông qua hoạt động thương mại điện tử nói riêng.

Đề cập về giải pháp, chuyên gia kinh tế Trịnh Thanh Thủy – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương cho rằng, cần thay đổi cách bán hàng mới như ngoài việc bán hàng theo cách truyền thống thì nên tiếp tiếp tục đưa lên sàn thương mại điện tử và Youtube. Tuy nhiên, vấn đề là hàng hoá phải đảm bảo chất lượng, ví dụ như đối với vải thiều thì cách bảo quản, quá trình vận chuyển, quy cách đóng gói cũng rất quan trọng. Đặc biệt, nên mở thêm các kho trung chuyển, kho tập kết hàng tại các khu vực như miền Bắc, Trung, Nam.

Đối với doanh nghiệp, có thể tuyển lao động trẻ có kiến thức hơn về khoa học kỹ thuật về làm việc, đặc biệt là lao động có kỹ năng về công nghệ như từ cách chụp ảnh, đưa hình lên mạng. Thêm nữa, việc nâng cao kỹ năng chăm sóc khách hàng cũng rất cần thiết, bởi sự khéo léo, nhẹ nhàng và tư vấn tốt của nhân viên sẽ tạo được niềm tin cho khách hàng.

Tiêu thụ sản phẩm phải gắn với chuyển đổi số

Mặc dù nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã bắt kịp xu thế, song theo bà Nguyễn Thị Hiệp – Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu (Sở Công Thương Bắc Giang), thực tế cho thấy, hiện doanh nghiệp đang tỏ ra chậm hơn so với người tiêu dùng trong quá trình chuyển đổi số. Bởi hiện người dùng đã quá quen với các ứng dụng di động các website mobile, hoạt động ở trên Internet, trong khi nhiều doanh nghiệp còn chưa kịp triển khai website mobile, chưa kịp triển khai ứng dụng di động.

 

Thời gian qua, các chính sách ưu tiên phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã và đang bước đầu mang lại những kết quả tích cực, nhất là việc số hóa hoạt động thương mại, phân phối. Do đó, thời gian tới, tạo đầu ra cho nông sản thông qua thương mại điện tử sẽ là giải pháp ưu tiên hàng đầu tại các vùng miền.

Chuyên gia kinh tế Trịnh Thanh Thủy – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương

Vì vậy, để thúc đẩy kênh tiêu thụ qua thương mại điện tử, doanh nghiệp cần biết tận dụng việc dân số việt Nam là dân số trẻ và trình độ công nghệ tương đối cao và quá trình chuyển đổi của người tiêu dùng cũng rất nhanh, học công nghệ mới rất dễ. Ví dụ như, ứng dụng công nghệ về chat box hay định danh khách hàng điện tử nhận diện khuôn mặt ở Việt Nam triển khai được những hoạt động sẽ trở nên đơn giản, nhanh và tiện hơn. Như vậy, doanh nghiệp sẽ tận dụng được tiềm năng rất lớn từ thị trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú ý phát triển đầu tư các hoạt động về marketing, quảng bá và làm thương hiệu ở trên Internet. Việc đầu tư làm thương hiệu hay quảng bá hình ảnh, nâng cao các kỹ năng về marketing trên nền tảng số là những điều doanh nghiệp cần đầu tư và sẽ mang tới cho doanh nghiệp một bước nhảy mới trong thời kỳ chuyển đổi số.

Thời gian tới, để có thể phát triển hơn nữa việc tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua các kênh thương mại điện tử, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương cũng như các doanh nghiệp cần có những giải pháp đồng bộ hơn.

Trọng tâm là tổ chức công nghệ, nguồn nhân lực, xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung làm cơ sở cho phát triển sản phẩm hàng hóa tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường cũng như là quy định của các sàn thương mại điện tử.