Thương mại toàn cầu dưới thời "Nước Mỹ trước tiên"

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần một năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi chủ trương “Nước Mỹ trước tiên”, bức tranh thương mại toàn cầu đã có biến chuyển.

Tổng thống Mỹ tại Trung Quốc, một trong những điểm dừng chân của ông Trump trong khuôn khổ chuyến công du châu Á hồi tháng 11.

Trong năm đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Mỹ thường xuyên lên tiếng về sự cạnh tranh không lành mạnh của các nước khác, tương tự trong chiến dịch bầu cử năm 2016, nhưng thực tế ông Trump vẫn chưa có nhiều động thái cụ thể. Có hai lý do cho sự chần chừ này. Thứ nhất, ông Trump vẫn đang dựa vào Trung Quốc - một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ để gây áp lực đối với Triều Tiên. Thứ hai, ông chủ Nhà Trắng cũng sẵn sàng “để dành” vấn đề thương mại cho đến khi dự luật cải cách thuế của Đảng Cộng hòa được chính thức được thông qua.
Tuy nhiên, sự kiềm chế này không thể kéo dài. Thương mại là trọng tâm của chủ trương "nước Mỹ đầu tiên" mà ông Trump tuyên bố sẽ áp dụng để bảo vệ và thậm chí khôi phục lại vị thế của nước Mỹ.
Thâm hụt thương mại song phương đáng kể của Mỹ với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Mexico minh chứng cho thị trường cạnh tranh mà Washington đang phải đối diện. Tổng thống Trump cùng đội ngũ cố vấn thương mại tin rằng, bằng cách thu hẹp hoặc thậm chí xóa bỏ những khoản thâm hụt đó, có thể cải thiện thị trường lao động Mỹ. Nhưng những hành động cụ thể của Tổng thống Mỹ là gì? Cho đến nay, ông Trump đã tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nối lại các cuộc đàm phán cùng với Mexico và Canada để sửa đổi Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) do Tổng thống Bill Clinton ký vào năm 1994. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng, chưa đi vào bản chất.
Trong năm thứ hai của nhiệm kỳ Tổng thống, ông Trump dự kiến ​​sẽ biến lời nói thành hành động trên hai mặt trận chính. Đầu tiên là Trung Quốc - một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Chính quyền Donald Trump có thể sẽ bắt đầu mạnh tay chống bán phá giá đối với các ngành công nghiệp, đồng thời khởi động một cuộc tấn công rộng rãi đối với vi phạm sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc. Theo các chuyên gia, những biện pháp này của Tổng thống Trump rất có thể nhận lại sự trả đũa từ Bắc Kinh.
Mặt trận chính khác của ông Trump là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà Mỹ là thành viên nền tảng vào đầu những năm 1990. Chính quyền Trump đang ngăn chặn việc bổ nhiệm thẩm phán mới vào các bộ phận trọng tài của WTO. Nếu duy trì chính sách đó, toàn bộ hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO có thể bị tê liệt trong vòng vài tháng. Cùng với WTO, Mỹ sẽ khởi động một sáng kiến ​​mới để thực hiện các thoả thuận song phương về các quy tắc thương mại - một cách tiếp cận mà ông Trump ủng hộ trong bài phát biểu tại APEC.
Trước viễn cảnh này, khu vực châu Á cũng như các quốc gia châu Âu cần chuẩn bị bằng cách đàm phán các hiệp định thương mại của riêng họ. Hiệp định TPP vẫn tồn tại dù thiếu chân Washington, NAFTA vẫn còn hiệu lực và Thỏa thuận thương mại tự do mới đây giữa EU và Nhật Bản cho thấy những dư địa tiềm tàng. Xét cho cùng, chủ động thúc đẩy thương mại và các mối liên hệ thương mại là cách tốt nhất để chống lại một cuộc chiến thương mại.