Tiền là “oxy” của doanh nghiệp

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng vạn người lao động thất nghiệp, hàng vạn DN phải dừng sản xuất, hơn lúc nào hết, ngân hàng - DN phải chia sẻ với nhau. Sản phẩm ngân hàng là tiền, doanh nghiệp dùng “oxy” đó để thở.

Đó là ý kiến được các đại biểu nêu ra tại đối thoại chuyên đề “Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích” do VNEconomy tổ chức cuối tuần này.
Trở về số 0
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho biết, trong bối cảnh chung của nền kinh tế suy giảm, ngành du lịch cũng giảm sâu. Trải qua 9 tháng nhưng thực chất ngành du lịch mới làm được có 3 tháng (tháng 2 - 4). Do ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4 (từ tháng 5 trở đi) đến hiện tại, tất cả ngành du lịch đều phải đóng cửa toàn quốc. Tốc độ giảm về con số bằng 0. Với 9 tháng mà chỉ kinh doanh được 3 tháng, hoàn toàn là khách nội địa, không có khách quốc tế. Các nhà hàng khách sạn, đơn vị lữ hành, vận chuyển, hệ thống dịch vụ hầu như phải tạm dừng. Đến tháng 5 - 6/2021 tất cả trở về con số 0. Dẫn đến hàng vạn lao động bị thất nghiệp, hàng vạn DN phải dừng sản xuất.
 Ảnh hưởng của làn sóng Covid thứ 4 đã khiến nhiều DN du lịch trở về con số 0. Ảnh mang tính chất minh họa
Vietravel - một đơn vị đứng đầu trong ngành du lịch, với 1.700 nhân viên, có những thời điểm đến cơ quan chỉ 15 - 20 người để duy trì các hoạt động hành chính thông thường, bảo vệ cơ sở vật chất. Doanh thu của Vietravel khi trước dịch khoảng 7.000 - 8.000 tỷ/năm. “Đến giờ này sau 3 tháng hoạt động chúng tôi đang rất lo lắng không biết có đạt được khoảng 10% hay không?”- ông Kỳ nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, quý III/2021, khu vực DN và toàn bộ nền kinh tế chịu tác động nặng nề nhất do tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 bùng phát từ tháng 5/2021 đến nay.
TS Phạm Đình Thuý - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây Dựng, Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT đã đưa ra các con số chứng minh. Ngành công nghiệp 3 tháng liên tiếp suy giảm, tăng trưởng ngành công nghiệp tháng 4 tăng hơn 22%, nhưng giảm nhanh xuống 11% trong tháng 6, và -0,3% trong tháng 7, -7% trong tháng 8. Đây là con số cho thấy ngành công nghiệp là ngành động lực tăng trưởng cao nhất của nền kinh tế hiện nay cũng có mức độ suy giảm lớn như vậy, thì chắc chắn nhiều ngành kinh tế khác chịu tác động nhiều hơn của Covid-19 sẽ có tăng trưởng thấp hoặc suy giảm.
Với các DN du lịch, dự báo, có thể mất hết năm 2021, ngành này mới bắt đầu phục hồi vào tháng 1/2022. Và rất nhiều khó khăn đang chờ khối DN này phía trước để tồn tại “sống cho đến lúc bình minh”. Việc thu hút lại lao động sau khi dịch bệnh được kiểm soát là rất khó.
“Những gói giải ngân hỗ trợ vừa qua tồn tại nhiều vấn đề, chủ trương thì có nhưng thủ tục, chính sách, rào cản nhiều quá. DN chúng tôi có 1.700 người, nhưng chỉ có 141 người đủ tiêu chí được nhận gói hỗ trợ gần đây nhất cho các hướng dẫn viên du lịch. Con số này đối với 1 DN thì không ổn”- đại diện Vietravel cho hay.
100.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất đã đủ để cứu doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Chủ tịch Quốc hội đề xuất đưa ra gói hỗ trợ trên 2.000 tỷ đồng, tương đương 60.000 - 65.000 tỷ đồng dư nợ. Nhưng dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng, lãi suất khoảng 3 - 4%/năm để hỗ trợ người dân, DN.
Để DN tiếp cận được gói ưu đãi vốn thuận lợi, cần biện pháp để các ngân hàng giảm chuẩn cho vay
TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh lại cho rằng, quy mô tăng 3.000 tỷ đồng là quá nhỏ, “không thấm vào đâu” và không đủ để tạo sức bật cho nền kinh tế phục hồi.
Đặc biệt, vị chuyên gia này cũng phân tích một góc nhìn từ gói hỗ trợ lãi suất mà Chính phủ đã thực hiện vào năm 2009 để cứu nền kinh tế vì khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Theo đó, gói hỗ trợ này lên tới 19.000 tỷ đồng, doanh nghiệp được vay với lãi suất 4 - 5%/năm. Nhưng khi thực hiện lại khiến tăng trưởng tín dụng bị nới lỏng quá mức, lên tới 37,7% vào năm 2009, năm 2010 là 27,6%, năm 2011 giảm xuống 12% nhưng lại kéo lạm phát lên tới 18,5%, năm 2012 thì lạm phát là 9,2%... trong khi GDP tăng trưởng không nhiều do đã bị lạm phát xói mòn.
Cũng ủng hộ gói hỗ trợ này, theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, bối cảnh năm 2009 và 2021 khác nhau, 2009 là suy thoái kinh tế toán cầu, 2021 là dịch bệnh; 2009 cơ chế chính sách chưa phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng 2021 thì đã đảm bảo với các nguyên tắc an toàn, hiệu quả.
Tuy nhiên, để tiếp cận vốn thì DN nào cũng khó khăn, do tất cả DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên ông Hùng cho rằng, cần biện pháp để các ngân hàng giảm chuẩn cho vay, hơn nữa là không nên phân biệt đối tượng được hưởng hỗ trợ về cả quy mô và loại hình hoạt động. Ngoài ra phải có chính sách để xác nhận rõ đối tượng được thụ hưởng, để còn đảm bảo công tác thanh kiểm tra sau này.
Từ góc độ doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, việc giảm lãi suất vẫn còn triển khai chậm, nhiều ngân hàng “lình xình” như “mắc dây thun”. Trong khi doanh nghiệp cũng như ngân hàng, lúc này chúng ta nên chia sẻ với nhau. Sản phẩm ngân hàng là tiền, doanh nghiệp dùng “oxy” đó để thở.
Do đó, các chuyên gia nhận định, gói hỗ trợ này cần tính toán kỹ lưỡng cả về thời hạn thực hiện; ngân sách và các ngân hàng thương mại cũng phải thanh toán sòng phẳng, thực hiện nghiêm túc và nhanh chóng…
Mặt khác, nếu gói giảm lãi suất này không có cơ chế riêng, cứ thực hiện theo các quy định, tiêu chuẩn hiện hành thì ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng không thể đáp ứng yêu cầu… Vì thế, NHNN và Bộ Tài chính cần ngồi lại với nhau để bàn bạc, xây dựng gói hỗ trợ lãi suất phù hợp