Quận Cầu Giấy

Tiên phong ứng dụng AI giải quyết thủ tục hành chính

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính của quận Cầu Giấy luôn nằm trong tốp đầu các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội.

Người dân truy cứu thông tin thủ tục hành chính thông qua AI Chatbot. Ảnh: Công Trình
Người dân truy cứu thông tin thủ tục hành chính thông qua AI Chatbot. Ảnh: Công Trình

Song, không bằng lòng với những kết quả đã đạt được, quận Cầu Giấy đang triển khai hàng loạt biện pháp nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và DN trên địa bàn.

Triển khai ứng dụng AI Chatbot

Là quận trung tâm của TP Hà Nội, quận Cầu Giấy có hơn 30 vạn dân, hơn 22.000 DN, hơn 9.500 hộ kinh doanh. Trung bình hàng năm, quận Cầu Giấy tiếp nhận và giải quyết hơn 9.000 hồ sơ yêu cầu, cấp phường hơn 80.000 hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính.

Từ kinh nghiệm thực tiễn hàng ngày, quận Cầu Giấy nhận thấy nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính cho công dân vướng mắc nhiều nhất là ở khâu hướng dẫn, chuẩn bị hồ sơ... Nhiều hồ sơ thừa, thiếu giấy tờ theo quy định, nộp sai thẩm quyền giải quyết. Khi công dân hiểu đầy đủ các thủ tục yêu cầu đã là hoàn thành 90% thủ tục hành chính...

Nếu giải quyết tốt khâu này, thời gian hoàn thành các thủ tục hành chính theo đúng pháp luật sẽ được đẩy nhanh hơn, giảm công sức cho cả công dân lẫn cán bộ tiếp nhận và thụ lý hồ sơ.

 

Năm 2022, Cầu Giấy là quận tăng thu cao nhất TP, nằm trong nhóm các quận có số thu ngân sách Nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng thu nội địa từ tiền sử dụng đất là 9.832,2 tỷ đồng, chiếm 96,7% tổng thu ngân sách của quận. Về các chỉ tiêu kinh tế khác, giá trị sản xuất trên địa bàn Cầu Giấy ước đạt 190.228 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng ước đạt 74.142 tỷ đồng, tăng 11,5%. Giá trị sản xuất ngành thương mại - du lịch ước đạt 111.086 tỷ đồng, tăng 9,2%. Thu ngân sách quận ước đạt 9.528/9.202 tỷ đồng, đạt 103,5% dự toán TP giao. Chi ngân sách đạt 102,6% so với dự toán TP giao.

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ; Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, quận Cầu Giấy xác định ngay từ cấp cơ sở - đơn vị tiếp xúc với công dân nhiều nhất – càng phải nỗ lực hơn và đi nhanh hơn trong quá trình chuyển đổi số.

Đặc biệt, sự xuất hiện của công nghệ ChatGPT đã đem lại cảm hứng cho quận Cầu Giấy trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ hỏi - đáp thủ tục hành chính.

Từ thực tế trên, UBND quận Cầu Giấy đã đăng ký với TP Hà Nội, Sở Nội vụ, Sở KH&CN, Văn phòng UBND TP về sáng kiến, giải pháp về ý tưởng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào giải quyết thủ tục hành chính. Hiện tại, quận Cầu Giấy là đơn vị đầu tiên của TP Hà Nội triển khai ứng dụng AI Chatbot vào hỗ trợ hỏi - đáp thủ tục hành chính.

Theo đó, AI Chatbot sẽ hỗ trợ người dân với độ tin cậy, tính sẵn sàng cao (người dân có thể hỏi - đáp 24/7), giúp tiếp cận một cách dễ dàng với dịch vụ công, đồng thời tạo tiền đề cho việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nhiều lĩnh vực khác trên địa bàn quận. Ứng dụng hỏi - đáp thủ tục hành chính này sử dụng ngôn ngữ tự nhiên, gần với đời sống hàng ngày, do đó phù hợp với yêu cầu cũng như khả năng sử dụng của người dân.

Mở rộng các đối tượng phục vụ

Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà chia sẻ, trước đây, chính quyền và người dân chủ yếu trao đổi trực tiếp, điện thoại hoặc mạng xã hội, người dân phải chờ đợi, cán bộ phải trả lời nhiều câu hỏi mang tính lặp lại…

Song, giờ đây, thay vì phải tìm tòi các thủ tục hành chính qua nhiều văn bản khác nhau hay sử dụng các kênh truyền thống cần con người cụ thể để giải đáp, công dân hoàn toàn có thể hội thoại với AI Chatbot để truy vấn thông tin cần thiết.

Cùng với đó, ứng dụng AI Chatbot mà quận Cầu Giấy xây dựng cũng có khả năng đa ngôn ngữ phục vụ người nước ngoài hỏi đáp các vấn đề thủ tục hành chính, giảm tải sự hỗ trợ trực tiếp từ cán bộ công chức, giảm thiểu chi phí, giúp cho thông tin trở nên minh bạch, dễ tiếp cận hơn đối với người dân, DN.

Cũng theo ông Trần Việt Hà, hiện nay, chúng ta có thể lên internet tra cứu thông tin về bất cứ lĩnh vực gì nhưng điều quan trọng là những cơ sở dữ liệu thông tin đó phải sạch và đủ. "Sạch và đủ nghĩa là những nguồn dữ liệu mà người dân tìm kiếm được phải có độ tin cậy, phục vụ đầy đủ cho người dân.

Bởi chúng ta có thể lấy thông tin ở rất nhiều nơi, rất nhanh nhưng chưa chắc thông tin đó đã sạch và đầy đủ như do chính cơ quan chuyên môn cung cấp… Và khi những thông tin được cung cấp chưa sạch và đầy đủ, việc giải quyết các vấn đề thủ tục hành chính của người dân sẽ mất rất nhiều thời gian" - ông Trần Việt Hà nói.

Theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, trong giai đoạn đầu ứng dụng AI Chatbot, quận sẽ triển khai trong phạm vi thủ tục hành chính của UBND quận và UBND các phường. Giai đoạn tiếp theo, quận sẽ triển khai rộng thủ tục hành chính của các ngành công an, thuế, bảo hiểm xã hội, giáo dục, du lịch… để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và DN trên địa bàn quận.

 

Mặc dù xây dựng Chatbot dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn mang lại nhiều lợi ích thông minh như việc hiểu câu hỏi và trả lời ngôn ngữ của Chatbot khá tự nhiên, tương đồng với con người, song hỏi - đáp thủ tục hành chính là một bài toán khó vì độ dài của văn bản thủ tục hành chính cũng như câu hỏi cần độ chính xác tuyệt đối, vì nếu sai sẽ gây nhiều phiền toái cho công dân. Đây là 2 trong số những khuyết điểm của việc xây dựng Chatbot dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn thường gặp phải. Tuy nhiên, chúng tôi đã có những công nghệ phát triển riêng để khắc phục vấn đề này, đồng thời cung cấp trích dẫn và nguồn tài liệu từ quận Cầu Giấy cho thông tin liên quan trong câu trả lời của Chatbot, từ đó công dân có thể kiểm tra hoặc tìm hiểu sâu hơn.
TS Trung Huỳnh – chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI)