Tiến xa nhưng chưa tới tầm

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp xúc và đối thoại trực tiếp giữa Triều Tiên và Hàn Quốc không chỉ bất ngờ được khôi phục mà còn nhanh chóng đưa lại những kết quả ban đầu tích cực và đáng khích lệ.

Thế giới bên ngoài hoan nghênh và hài lòng. Ngay đến cả Mỹ cũng không thể có phản ứng tiêu cực. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngỏ ý sẵn sàng điện đàm với lãnh đạo Triều Tiên. Còn Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố sẵn sàng gặp lãnh đạo Triều Tiên khi điều kiện chín muồi.
 Ông Ri Son Gwon (phải), Trưởng đoàn đại biểu Triều Tiên bắt tay người đồng cấp Hàn Quốc Cho Myoung Gyong tại Bàn Môn Điếm ngày 9/1. Ảnh: Reuters
Những kết quả vừa đạt được này giúp cả Mỹ lẫn Hàn Quốc bớt khó xử trong quan hệ với Triều Tiên. Ông Moon Jae-in vốn luôn chủ trương có kênh đối thoại và tiếp xúc trực tiếp giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Do đó buổi tiếp xúc với Triều Tiên được khôi phục vừa qua là thành công đối với ông Moon Jae-in và ông coi đó là bằng chứng về tính đúng đắn, hợp thời quan điểm đường lối chính sách của mình.

Lợi ích của Mỹ trong chuyện này có phần khác. Điều Mỹ quan tâm hàng đầu là xử lý vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên chứ không phải chuyện bình thường hóa và cải thiện quan hệ giữa hai nước trên bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc và Triều Tiên nối lại tiếp xúc và đối thoại như thế tạo cớ cho Mỹ khỏi phải đâm lao trong căng thẳng và đối đầu với Triều Tiên. Đối thoại và tiếp xúc liên Triều lần này nếu không giúp Mỹ giải quyết được vấn đề hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên thì cũng cho Mỹ có thêm thời gian để hoạch định đối sách thích hợp hơn đối với Triều Tiên.

Mấu chốt vẫn là vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên mà Triều Tiên không có ý định coi đó là nội dung đàm phán với cả Mỹ lẫn Hàn Quốc hoặc nếu có thì cũng chỉ với Mỹ chứ không với Hàn Quốc. Vì thế, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Triều Tiên và Hàn Quốc có thể còn tiến được thêm xa, nhưng chưa tới tầm để vấn đề mấu chốt trên được giải quyết.