[Tiếng dân] Chuyện miếng thịt lợn trong mâm cơm gia đình

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải đơn giản mà tuần qua Văn phòng Chính phủ đã có công văn yêu cầu các bộ, ngành đưa giải pháp giảm giá thịt lợn hơi.

Trong thời buổi dịch Covid-19, thịt lợn heo đã nằm trong danh mục mặt hàng cần phải kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020.
Tuần qua, tại Hà Nội và các vùng lân cận thịt lợn hơi đã tăng giá phi mã 10.000 đồng/kg, lên trên 90.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo tính toán của Bộ NN&PTNT thì giá lợn hơi xuất chuồng xuống mức 70.000 đồng/kg thì người nuôi đã có lãi. Những năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam đã chuyển đổi theo chiều hướng tích cực từ hộ gia đình nhỏ lẻ sang tập trung công nghiệp, trang trại lớn theo hướng chuyên nghiệp hóa.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: laodong.vn
Ngày càng xuất hiện nhiều DN lớn tham gia đầu tư công nghệ vào lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng chuỗi chế biến thức ăn chăn nuôi, giết mổ, xúc tiến thương mại. Các thương hiệu Công ty C.P Việt Nam, Tập đoàn Masan, DOFICO, Công ty CP GreenFeed, Tập đoàn DABACO… đã và đang sở hữu các nhà máy công suất lớn để giết mổ và sản xuất thực phẩm từ thịt heo đạt tiêu chuẩn châu Âu.
Sản xuất thịt lợn vẫn luôn là ngành hàng thịt chủ lực và truyền thống lâu đời tại Việt Nam, là thế mạnh của ngành chăn nuôi nước ta. Năm 2016, năm 2017, 2018 và năm 2019, Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về sản lượng thịt lợn và thứ 7 toàn cầu về số lợn giết mổ. Ngành chăn nuôi Việt Nam có thể đạt tổng đàn lợn 30 triệu con/năm với sản lượng thịt hơi đạt 4 triệu tấn/năm.
Thị trường ngành chăn nuôi Việt Nam được dẫn dắt với 17 tập đoàn, DN lớn với số vốn lên đến hàng triệu USD. Nếu như trong thời gian qua họ đang làm tốt việc dẫn dắt cuộc chơi các lĩnh vực con giống, thức ăn chăn nuôi thì lại đang khá ì ạch trong việc định hướng giá thị trường thịt lợn hơi.
Các bà nội trợ Hà Nội và vùng lân cận vẫn phải móc ví mua các loại thịt lợn được bán với giá 150.000 - 180.000 đồng/kg, thậm chí sườn thăn, sườn non giá vẫn 200.000 - 220.000 đồng/kg. Không ít gia đình đã nói không với thịt lợn, chuyển dần hướng sang các quầy bán gia cầm, hải sản,… nếu điều này tiếp tục kéo dài thì tương lai thịt lợn biến mất dần trên mâm cơm gia đình là điều được dự báo. Dù Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về tiêu thụ thịt lợn (sau Trung Quốc, EU, Mỹ, Nga, Brazil, Nhật Bản) nhưng chả ai đảm bảo được điều này vẫn tiếp tục xảy ra nếu giá lợn hơi không giảm sâu.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đã mở cửa việc nhập khẩu thịt lợn. Theo số liệu từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 15/3, Việt Nam đã nhập khẩu gần 25.300 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nguồn nhập khẩu từ Canada 29,35%, Đức 19,43%, Ba Lan 11,83%, Brazil 9,98%, Hoa Kỳ 5,53%.
Mới đây, nắm bắt cơ hội Tập đoàn Miratorg (Nga) - tập đoàn có năng lực sản xuất 500.000 tấn thịt lợn mỗi năm đã có buổi chào hàng với Bộ NN&PTNT. Tuần tới, các bà nội trợ Việt đã có thể mua những lô hàng đầu tiên của Miratorg tại các siêu thị. Các công ty chăn nuôi lớn ở Lào, Campuchia cũng đã sẵn sàng cho việc lấn sân sang thị trường Việt Nam.
Khi bài viết này lên khuôn thì giá thịt lợn hơi đã có hiện tượng quay đầu. Giá thịt lợn hơi tại Hà Nội giảm 3.000 - 5.000 đồng/kg dao động từ 82.000 - 85.000 đồng/kg. Nhưng vẫn chưa xuống mức dưới 70.000 đồng/kg như mong muốn của Bộ NN&PTNT và người tiêu dùng. Câu chuyện sản xuất và tiêu thụ nói chung và thịt lợn hơi nói riêng hệt như “chuyện tình cây và đất” và ai cũng biết điều hiển nhiên “cây thiếu đất cây sống với ai…"!