[Tiếng dân] Đằng sau “Thay lời tri ân”

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021), tối 14/11, Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Thay lời tri ân năm 2021”, với chủ đề “Gieo mầm”.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Thầy được tôn quý là vì người có đạo đức và kiến thức, đem chúng truyền dạy cho học trò. Muốn dạy cho học trò thành người, giỏi nghiệp, người thầy phải hoàn thiện bản thân, phải mẫu mực, vì mẫu mực mà trở nên cao quý. Sự thành công của nhà giáo đem lại những giá trị đặc biệt tốt đẹp, vì nó tạo ra sự thành công cho tất cả mọi người, tạo ra sự thành công của quốc gia”.

Điều mà nhiều giáo viên Hà Nội nói riêng và giáo viên cả nước boăn khoăn, lo lắng là gần đây có một số văn bản của Bộ GD&ĐT gây ra những tranh luận căng thẳng vì ảnh hưởng lớn đến quyền lợi nghề giáo. Điển hình chùm Thông tư 01, 02 03, 04/2021/TT-BGDĐT được ban hành ngày 2/2/2021 đã trở thành tâm điểm tranh luận trong suốt nhiều tháng qua. Các thông tư này liên quan chặt chẽ đến ngành Nội vụ khi xếp hạng, xếp lương cho nhà giáo ở các địa phương.

Ngày 11/11 vừa qua, trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã đăng đàn đề xuất: “Tôi rất mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ sớm căn cứ vào Nghị định này (Nghị định 89 - người viết) để rà soát và sửa đổi một cách hết sức khẩn trương đối với chùm Thông tư 01, 02, 03, 04, vì hiện nay, trong quá trình tổ chức thực hiện chúng tôi đã tiếp nhận được rất nhiều những đơn thư đề nghị từ giáo viên ở cơ sở trong việc còn những vướng mắc, bất cập, bởi vì chúng ta chưa tính đến sự chuyển tiếp đối với rất nhiều thế hệ giáo viên đào tạo qua nhiều hệ đào tạo khác nhau”.

Theo đó, sau khi Luật Giáo dục 2019 mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 thì sẽ có hàng chục nghìn giáo viên ở mầm non, tiểu học, trung học cơ sở từ trên chuẩn, đạt chuẩn trở thành chưa đạt chuẩn. Như vậy, khi xếp lương theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm xếp lương mới thì họ lại không được xếp hạng mới, chỉ hưởng lương chưa đạt chuẩn. Vô hình trung nhiều giáo viên cống hiến rất nhiều năm, mang lại nhiều thành tích cho cá nhân, tập thể, địa phương và có nhiều người sắp về hưu,… lại mang danh, xếp lương giáo viên “chưa đạt chuẩn”.

Quá trình triển khai Luật Giáo dục 2019, đội ngũ thầy cô giáo phải nỗ lực nâng cao trình độ để đáp ứng với chuẩn nghề nghiệp mới theo đúng Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Điều mà hàng triệu nhà giáo mong muốn, sau những lời tri ân của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT các thầy, cô giáo mong được các cấp ghi nhận công sức, cống hiến trong “sự nghiệp trồng người” đầy trọng trách.

Trong tâm thế dạy học hiện nay, khi dịch bệnh vẫn có lúc có nơi diễn biến phức tạp, đội ngũ giáo viên đã nỗ lực và hết sức sáng tạo để đảm bảo chất lượng dạy - học. Ngành giáo dục cũng đã hết sức cố gắng để đồng hành với đội ngũ nhà giáo. Việc tri ân các nhà giáo vừa là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Bên cạnh đó, Nhà nước nói chung, ngành giáo dục nói riêng cần chú ý nâng cao đời sống cả vật chất lẫn tinh thần cho nhà giáo. Đó chính là sự tri ân thiết thực nhất.