[Tiếng dân] Không phải chỉ phá dỡ trên tivi

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng chủ nhật, các cụ hưu trí Linh Đàm rủ nhau đi ăn sáng, mừng Hà Nội đã "cắt ngọn" giai đoạn 1 (tầng 19) công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình).

Nhà thơ Phạm Mầu - nguyên Chánh văn phòng Đảng ủy Đường sắt Việt Nam, hóm hỉnh:
- Rốt cuộc, rồi quận Ba Đình cũng đã làm cái cần làm, phải làm chứ không phải chỉ "cắt ngọn" trên tivi như hơn 3 năm qua. Nó thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật, điều mà người dân cả nước trông chờ bấy lâu.
Câu chuyện tòa nhà số 8B Lê Trực không mới. Đã bao phiên họp HĐND cấp quận, TP người dân đã chất vấn, bao văn bản chỉ đạo của Chính phủ, TP thì bấy nhiêu lần cấp chính quyền quận hứa và đưa ra những cột mốc thời gian. Toàn hứa trên tivi.
Thực ra, không phải UBND quận Ba Đình không quyết liệt, thực tế tháng 10/2016, UBND quận đã hoàn tất cưỡng chế giai đoạn 1 (phá dỡ tầng 19). Nhưng khi tiến hành xử lý giai đoạn 2, chủ đầu tư là Công ty CP May Lê Trực không hợp tác, cố tình cản trở, gây khó khăn, không cung cấp hồ sơ thiết kế, thi công. Lúc này câu chuyện không chỉ gói gọn giữa Công ty CP May Lê Trực và UBND quận Ba Đình, bởi nếu không giải quyết dứt điểm sẽ không thể giải quyết được những “May Lê Trực” khác.
Ông đại tá cựu chiến binh Nguyễn Văn Bính ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) lại thẳng thắn:
- Lâu nay, chủ đầu tư cứ rêu rao về sự “thượng tôn pháp luật”, nhưng lại không thực sự tôn trọng pháp luật, nhờn pháp luật, thái độ thách thức pháp luật, đứng ngoài pháp luật, theo cái cách như thể ta đây là "bất khả xâm phạm", không ai làm gì được. Lâu nay, bà con chúng tôi chờ Hà Nội thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến đây?
Bà Thanh Hằng, một cán bộ phụ nữ đã ngoài 60 tuổi tỏ ra rất hiểu biết:
- Cái khó là chủ đầu tư đã dùng người mua nhà làm “con tin” khi cho phép người mua nhà vào sử dụng khi chưa nghiệm thu công trình và chưa nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, tạo sức ép ngược lại với chính quyền.
Nhà thơ Phạm Mầu chia sẻ:
- Cách làm của quận Ba Đình dù muộn, nhưng về cách thức tổ chức vẫn là “bài mẫu” cho các địa phương khác học tập kinh nghiệm. Trước khi cưỡng chế, UBND quận Ba Đình đã gặp gỡ, trả lời các ý kiến của chủ đầu tư.
UBND quận Ba Đình đã xác định rõ các căn hộ này hình thành từ hành vi vi phạm pháp luật của chủ đầu tư nên chủ đầu tư phải có trách nhiệm thỏa thuận, thống nhất, bồi thường cho người mua nhà (nếu có).
Về phần các tài sản, đồ dùng, vật dụng, trang thiết bị (tủ, giường, bàn ghế, máy giặt, tivi, tủ lạnh...) trong các căn hộ nêu trên hiện chưa xác định được chủ sở hữu (của chủ đầu tư hay của người mua nhà), UBND quận Ba Đình sẽ chuyển về kho niêm phong.
Sau này, chủ đầu tư có trách nhiệm nhận bàn giao lại từ UBND quận Ba Đình, nếu là tài sản của người mua nhà thì Công ty CP May Lê Trực sẽ có nhiệm vụ làm thủ tục bàn giao lại cho người dân.
Câu chuyện “8B Lê Trực” đã có hồi kết, cái kết hợp lòng dân.