Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp bài đua nhau “xẻ thịt” gầm cầu đường sắt: Hà Thái đang thách thức chính quyền sở tại

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị ngày 31/3 có bài: “Đua nhau “xẻ thịt” gầm cầu đường sắt”, phản ánh tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt làm nơi kinh doanh.

Tại thời điểm đó, chính quyền địa phương cho biết, đang khẩn trương thúc giục Công ty CP Đường sắt Hà Thái (đơn vị quản lý - phóng viên) phối hợp với chính quyền địa phương xử lý vi phạm trong tháng 4. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.

Lời nói không đi đôi với hành động

Còn nhớ, tại thời điểm cuối tháng 3, trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Hải Bối Nguyễn Hữu Toản cho biết, UBND xã vừa tiếp tục có buổi làm việc với đơn vị quản lý về vấn đề này. Theo đó, Công ty Hà Thái cho biết, trong tháng 3 sẽ phát thông báo đến các hộ kinh doanh yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm. Và đến tháng 4, nếu các hộ kinh doanh vẫn không chịu di dời, đơn vị quản lý sẽ lên phương án cưỡng chế và đề nghị xã, huyện phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, ngày 31/5, có mặt tại khu vực này, theo ghi nhận của phóng viên, những vi phạm trên vẫn tồn tại và chưa có một dấu hiệu nào cho thấy sẽ bị cưỡng chế. Đặc biệt, tại khu vực từ điểm giao cắt với đường 23A (đường 6 cây) chạy dọc theo tuyến đường sắt, hàng loạt nhà hàng, quán game, gara ô tô, điểm tập kết hàng hóa, vật liệu xây dựng... ngang nhiên hoạt động gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Hàng quán vẫn đua nhau “xẻ thịt” gầm cầu đường sắt đoạn qua xã Hải Bối,

huyện Đông Anh.  Ảnh:  Công Trình

Một cán bộ phụ trách trật tự đô thị tại khu vực chia sẻ, sự tồn tại của các cơ sở kinh doanh trên không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý chung trong khu vực. Hiện tại, các lực lượng chức năng từ xã đến quận đang khẩn trương xóa bỏ chợ “cóc” dưới chân gầm cầu đường sắt, đoạn đối diện với chợ đầu mối Bắc Thăng Long. Tuy nhiên, việc tồn tại của các cơ sở kinh doanh này đã khiến những người lao động nghèo có sự so sánh và đặt câu hỏi, phải chăng lực lượng chức năng chỉ nhăm nhăm dẹp chợ “cóc”, vi phạm nhỏ, còn những vi phạm “khủng” lại bỏ qua. “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị đơn vị quản lý phối hợp với các lực lượng chức năng giải tỏa các vi phạm trên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được sự phối hợp tích cực từ đơn vị này” – vị cán bộ phụ trách trật tự đô thị chia sẻ.

Sẽ báo cáo Bộ GTVT

Ông Toản cho biết, xã thực sự bất lực với Công ty Hà Thái. Mặc dù UBND xã đã nhiều lần mời đơn vị quản lý lên làm việc về vấn đề này, và Công ty cũng từng "hứa lên hứa xuống" rằng sẽ giải quyết tình trạng trên. Tuy nhiên, lời nói không đi đôi với hành động, sau những buổi làm việc đó, đến nay, vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại. Và UBND xã đã có văn bản báo cáo UBND huyện có phương án xử lý đối với những trường hợp trên.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, UBND huyện đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo, tổ chức các buổi làm việc với Công ty Hà Thái về vấn đề này, nhưng sự hợp tác của Công ty rất kém. Nếu Công ty tiếp tục không có động thái tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, trong tuần này, UBND huyện sẽ có văn bản chính thức gửi UBND TP, Bộ GTVT, Cục Đường sắt báo cáo vấn đề và xin ý kiến chỉ đạo. “Trong văn bản này, UBND huyện sẽ kiến nghị các đơn vị có chức năng thành lập đoàn kiểm tra công tác sử dụng đất tại khu vực này” – ông Linh nhấn mạnh.

Trong những năm qua, để đảm bảo trật tự đô thị theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội, nhiều khu vực, tuyến đường trên địa bàn huyện Đông Anh nói chung và xã Hải Bối nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cũng từng ấy năm, công tác đảm bảo trật tự đô thị tại khu vực đường dẫn lên xuống tầng 1 cầu Thăng Long, đặc biệt là đoạn dưới chân gầm cầu đường sắt luôn là một vấn đề nóng gây bức xúc trong dư luận. Và một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự thiếu phối hợp của đơn vị quản lý - đơn vị phụ trách khu vực.