Điều đáng nói, không chỉ ngang nhiên “xẻ thịt” dự án mà Công ty CP Đa Quốc Gia còn chây ì các nghĩa vụ với Nhà nước, không chịu thanh toán trên 60 tỷ đồng tiền thuê đất từ năm 2010 đến nay.
Phi vụ siêu lợi nhuận
Theo các thông tin chúng tôi có được, đến thời điểm này, Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính đã trở thành một phi vụ siêu lợi nhuận của Công ty CP Đa Quốc Gia. Nói như vậy vì tiền thuê đất đã rất thấp (khoảng 1 tỷ đồng/năm), Công ty Đa Quốc Gia lại không chịu trả mà vẫn ung dung sử dụng mặt bằng, cho nhiều doanh nghiệp (DN) khác thuê lại dưới chiêu bài hợp tác đầu tư, thu lợi hàng chục tỷ đồng.
Tại thời điểm năm 2008, Công ty CP Đa Quốc Gia được TP giao đầu tư thực hiện Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính có diện tích hơn 6.078m2, sau khi hoàn thành DN này được thuê lại toàn bộ đất Dự án với giá chỉ hơn 165.000 đồng/m2.
Sau khi được giao mặt bằng, Công ty Đa Quốc Gia đã ngay lập tức “chia năm xẻ bảy” cho thuê lại với giá cao ngất ngưởng. Tại Báo cáo kết quả kiểm tra số 2586/TTTP - P1 của Thanh tra TP gửi UBND TP Hà Nội ngày 26/11/2015 thì “Công ty Đa Quốc Gia đã ký hợp đồng cho 10 đơn vị, cá nhân thuê địa điểm”.
Trong đó, có những đơn vị như: Siêu thị 5 food - Công ty Thực phẩm Phú Quý, thuê 1.200m2 với giá 1,2 tỷ đồng/năm; Công ty CP phát triển dịch vụ Bắc Việt, sử dụng 287m2 với giá 68.880 đô la/năm; Công ty CP trường mầm non Koala House thuê với giá 1,21 tỷ đồng/năm…
Cũng tại Báo cáo này, Thanh tra TP đã khẳng định: “Như vậy, Công ty CP Đa Quốc Gia ký hợp đồng khai thác mặt bằng tại số 5 Phan Kế Bính, phường Cống Vị, quận Ba Đình với 10 đơn vị, cá nhân thực chất là cho thuê mặt bằng kinh doanh…”.
Thế nhưng, dù kiếm siêu lợi nhuận trên đất dự án bị “xẻ thịt”, Công ty Đa Quốc Gia lại không hề có ý thức về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước. Báo cáo số 04/BC - UBND, ngày 13/1 vừa qua của UBND quận Ba Đình viết rõ, tính đến hiện tại, Công ty CP Đa Quốc Gia còn nợ số tiền 60,3 tỷ đồng, trong đó có gần 42,5 tỷ đồng là tiền thuê đất từ năm 2010 - 2016; 17,9 tỷ đồng còn lại là tiền chậm nộp tính đến ngày 31/7/2016.
Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính được phê duyệt đầu tư vào tháng 6/2008, đến nay mới chưa tròn 9 năm thì đã có 7 năm TP không thu được một xu nào tiền thuê đất của Công ty Đa Quốc Gia. Và hơn thế, chính quyền quận Ba Đình đã tỏ ra bất lực khi phải kiến nghị UBND TP: “Chỉ đạo Cục thuế Hà Nội có biện pháp xử lý nợ đọng thuế của Công ty CP Đa Quốc Gia”.
Thi gan với pháp luật?
Sau khi Thanh tra TP có báo cáo (lần 2) về các sai phạm trong việc sử dụng đất, xây dựng công trình nhà cửa trên đất Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính, ngày 12/1/2016, UBND TP Hà Nội, mà trực tiếp là Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh đã có văn bản số 155/UBND - TNMT, gửi các đơn vị hữu quan và Công ty Đa Quốc Gia.
Trong đó yêu cầu UBND quận Ba Đình chủ trì, cùng Sở Xây dựng, Sở TN&MT có phương án xử lý, giải quyết dứt điểm các hạng mục vi phạm của Công ty CP Đa Quốc Gia, báo cáo kết quả trước ngày 31/3/2016.
Giao Cục thuế TP chủ trì cùng UBND quận Ba Đình, Sở KH&ĐT kiểm tra làm rõ việc cho thuê mặt bằng kinh doanh, kiểm tra việc thu và xuất hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty CP Đa Quốc Gia từ việc cho thuê mặt bằng kinh doanh giai đoạn 2010 - 2015, báo cáo kết quả trước ngày 15/2/2016.
Trước đó, các ngày 14/5 và 21/7/2010, UBND TP Hà Nội cũng đã có 2 văn bản số 3397/UBND-TNMT và 5620/UBND-TNMT yêu cầu Công ty Đa Quốc Gia dỡ bỏ ngay toàn bộ công trình nhà tạm và những phần xây dựng sai phép trên đất Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi những sai phạm cũ còn chưa được khắc phục thì cả khu đất Dự án đã biến thành một quần thể nhà cửa kiên cố, khang trang, phục vụ kinh doanh cho nhiều DN. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng, dù chưa được cơ quan chức năng cho phép vẫn diễn ra giữa các đơn vị, đơn cử như trường hợp Ô số 1, Công ty Đa Quốc Gia ký kết hợp tác đầu tư với Công ty Long Hưng; rồi Long Hưng lại “chuyển nhượng” cho 2 cá nhân là bà Đào Kim Oanh và Đỗ Thị Lan Phương.
Thuê đất công dưới chiêu bài làm đất phục vụ giao thông, phục vụ lợi ích cộng đồng, rồi xẻ nhỏ, cho thuê kiếm siêu lợi nhuận; xây dựng công trình “khủng” sai phép, bất chấp mọi quy định và yêu cầu tuân thủ luật pháp của cơ quan chức năng. Dư luận đang đặt câu hỏi, “phép màu” nào đã giúp cho những sai phạm của Công ty Đa Quốc Gia ngang nhiên tồn tại, thách thức pháp luật và cơ quan chức năng trong suốt những năm qua(?).