Tiếp sức cho doanh nghiệp bất động sản

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đã được các luật mới như Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tháo gỡ nhưng chưa có hiệu lực thi hành.

Điều này dẫn đến chưa giải quyết ngay khó khăn của thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay.

Một buổi đấu giá đất trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Một buổi đấu giá đất trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Vẫn vướng thủ tục pháp lý

Thời gian qua, thị trường BĐS nói chung và việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án BĐS đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tiêu biểu, trên địa bàn Hà Nội hiện có 404 dự án. Qua rà soát phân loại khó khăn, vướng mắc, đã giải quyết, đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai 81 dự án; 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động; 67 dự án tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Hà Nội đang tiếp tục triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 246 dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành.

Tương tự, TP Hồ Chí Minh đã triển khai giải quyết theo thẩm quyền 33/72 dự án do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu; 44/148 dự án do Hiệp hội BĐS TP tổng hợp kiến nghị; đang tiếp tục triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 143 dự án…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, một số địa phương vẫn chưa thành lập Tổ công tác, chưa giải quyết khó khăn; còn nhiều vướng mắc trong tổ chức triển khai thực thi pháp luật; chưa tập trung lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở.

Bên cạnh đó, các DN cũng gặp nhiều vướng mắc liên quan đến các vấn đề pháp lý. Cụ thể như có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định; nhiều địa phương chưa chú trọng cải cách thủ tục hành chính dẫn đến kéo dài hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục triển khai dự án BĐS trên địa bàn... Mặc dù nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đã được các luật mới tháo gỡ, tuy nhiên các luật này vẫn chưa có hiệu lực thi hành dẫn đến chưa giải quyết ngay được vướng mắc tại thời điểm hiện nay.

Tháo gỡ ngay trước khi luật có hiệu lực

Tại cuộc họp của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, DN sau khi các luật mới được ban hành (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS) ngày 11/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng khẳng định, những vướng mắc được đưa ra là rất đúng và sát với thực tế.

"Riêng vấn đề liên quan đến công tác định giá đất để tính tiền sử dụng, mặc dù Luật Đất đai 2024 phải chờ đến 1/1/2025 mới chính thức có hiệu lực thi hành nhưng tôi cho rằng trong thời gian chờ đợi này Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2024/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất và Nghị định 10/2023/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai), thống nhất 4 phương pháp xác định giá đất theo Luật Đất đai 2024 là rất kịp thời, là căn cứ để Tổ Công tác tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giúp cho công tác định giá đúng với thực tế để khơi thông nguồn lực về đất đai” – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp đánh giá.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc phát triển thị trường BĐS lành mạnh góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, bảo đảm quyền được tiếp cận nhà ở của người dân. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng tổng kết thành những nhóm vấn đề vướng mắc chủ yếu có thể được giải quyết trong các luật sửa đổi, bổ sung về đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS… vừa được thông qua, từ đó nghiên cứu phương án tham mưu, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành văn bản theo thẩm quyền cho phép áp dụng trước thời điểm luật có hiệu lực.

Phó Thủ tướng đề nghị Tổ Công tác của Chính phủ thống kê số dự án BĐS đã được giao đất nhưng đang vướng mắc về thủ tục pháp lý; xây dựng tiêu chí nhà đầu tư BĐS có năng lực; tổng kết, pháp điển hóa việc thí điểm cho phép địa phương điều chỉnh cục bộ quy hoạch đối với các dự án BĐS nhưng không giảm các chỉ tiêu chung.

Cùng với đó, mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội cho người có thu nhập trung bình và thấp, DN trong khu công nghiệp; hướng dẫn đầy đủ cho địa phương thực hiện theo đúng cơ chế, chính sách đã có về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xác định giá đất… "Việc giải quyết các kiến nghị của DN, địa phương phải có địa chỉ, thời hạn cụ thể. Bộ, ngành nào chịu trách nhiệm, bao giờ hoàn thành?" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.