Tiếp tục điều chỉnh dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo

Ngọc Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản xin điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Đây là tờ trình thứ hai liên quan đến dự án, được UBND thành phố Hà Nội trình Chính phủ trong 6 tháng gần đây.

Tiếp tục điều chỉnh

Dự án ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 11/2008. Tuyến đường sắt được dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2015, nhưng đến nay, thời gian hoàn thành tuyến vẫn liên tục có sự thay đổi.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 05/TTr-UBND trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án (ĐSĐT) số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo với 3 nội dung quan trọng.

Dự án ĐSĐT số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tiếp tục có điều chỉnh. Ảnh minh hoạ.
Dự án ĐSĐT số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tiếp tục có điều chỉnh. Ảnh minh hoạ.

Đây là tờ trình thứ hai liên quan đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trên được UBND thành phố Hà Nội trình lên Chính phủ trong 6 tháng gần đây.

Theo đó, về quy mô xây dựng, tổng chiều dài của tuyến vẫn được giữ nguyên so với phê duyệt trước đó (11,5km). Nhưng chiều dài đoạn đi trên cao và đoạn ngầm có sự thay đổi. Cụ thể, đoạn đi trên cao tăng từ 8,5km lên 8,9km và đoạn đi ngầm giảm từ 3km xuống 2,6km.

Liên quan chi phí thực hiện dự án, UBND thành phố Hà Nội đề xuất tổng mức đầu tư mới của dự án là 35.588 tỷ đồng, tương đương 200.744 triệu Yên, hay 1.504,97 triệu USD. 

Như vậy, tổng mức đầu tư tăng thêm 16.033 tỷ đồng so với phê duyệt ban đầu. Trong đó, 2 hạng mục bị tăng vốn lớn nhất là chi phí xây dựng (tăng 6.676 tỷ đồng) và chi phí thiết bị (tăng 2.754 tỷ đồng).

Đồng thời, tại tờ trình này, UBND thành phố Hà Nội đề xuất hoàn thành dự án, đưa vào khai thác, vận hành vào năm 2029 và 2 năm tiếp theo đào tạo vận hành bảo dưỡng.

Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội cho biết, phương án xây dựng ga ngầm C9 bên dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và trụ sở HĐND - UBND thành phố Hà Nội chỉ vi chỉnh vị trí thân ga và điều chỉnh kết cấu sao cho bảo đảm an toàn kỹ thuật trong phạm vi hành lang tuyến. Điều này đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2297/QĐ-UBND ngày 28/3/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch mặt bằng tuyến cho phần đi ngầm (đoạn tuyến từ Km2+450 đến Km11+133,77) tỷ lệ 1/500 của dự án.

Cùng với đó, phương án xây dựng ga C9 bảo đảm không vi phạm vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm, không ảnh hưởng đến an toàn các công trình văn hóa, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc...

Kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ

Theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, trong 12 năm tới, Hà Nội phải hoàn thành được gần 405km còn lại, với kinh phí cần bố trí thực hiện là khoảng 37 tỷ đô la Mỹ, tương đương khoảng 850 nghìn tỷ đồng.

Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho hay, tiếp thu ý kiến đóng góp, nhà ga C9 đã được tính toán lại với 3 phương án vị trí. Trong đó phương án 1, sau điều chỉnh, đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ga ngầm C9 sẽ nằm ở vị trí bên ngoài Vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm; được xây dựng thành ga xếp chồng 4 tầng. Kết cấu thân ga trùng với ranh giới Vùng bảo vệ II, dài 202,4m, rộng 15m, sâu khoảng 31m.

Ga nằm trên đường cong có bán kính 800m, bên dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội.

Ga sẽ được bố trí 2 lối lên xuống ở vị trí như phương án đề xuất ban đầu. Để có đủ không gian bố trí tháp làm mát, hệ thống thông gió cao 13m và phòng máy phát điện... cần phải mở rộng diện tích công trình phụ trợ tại đất của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội lên 705m2 (tăng 260m2 so với phương án đề xuất ban đầu); đồng thời lấy thêm khoảng 25m2 đất của UBND TP Hà Nội để đảm bảo thi công.

Dự án tuyến ĐSĐT số 2: Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng là kết nối Sân bay Nội Bài với trung tâm TP và là tuyến hướng tâm kết hợp vành đai. 

Dự án có chiều dài 11,5km trong đó có 2,6km đi trên cao và 8,9km đi ngầm, có 3 ga trên cao từ C1 đến C3 và 7 ga ngầm từ C4 đến C10. Dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, được UBND TP Hà Nội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 2054/QĐ - UBND ngày 13/11/2008; được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép tiếp tục triển khai và điều chỉnh dự án tại Công văn số 108/TTg-KTN ngày 12/12/2016.

Tuyến ĐSĐT số 2 được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông công cộng, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng khu vực trung tâm thủ đô.

Tuy nhiên, tính đến nay, dự án đã kéo dài gần 15 năm. Hy vọng tuyến Metro số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sẽ nhanh chóng được triển khai để phục vụ người dân Thủ đô.