Tiếp tục kiểm soát chặt giá cả hàng hóa

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá tiêu dùng.

Vì thế, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ giá cả hàng hóa là nhiệm vụ quan trọng cần được đặc biệt quan tâm. Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo Diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2017 do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức ngày 30/6.
Nhiều áp lực
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016; CPI tháng 6 tăng 0,20% so với tháng 12/2016 và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Theo PGS. TS Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, một trong những nguyên nhân khiến CPI trong 6 tháng qua tăng là do giá dịch vụ y tế tại 27 tỉnh, TP điều chỉnh, cùng với việc Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 02/2017/TT-BYT quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán quỹ bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, một số địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP cũng kéo chỉ số giá tiêu dùng tăng.

Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng tại Co.opmart. Ảnh:  Việt Dũng

Theo các chuyên gia kinh tế, 6 tháng cuối năm 2017, nhiều yếu tố vẫn gây áp lực lên mặt bằng giá cuối năm. Cụ thể, việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa dịch vụ quan trọng; giá xăng dầu thế giới biến động khó lường; các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm biến động mang tính thời điểm, thời vụ về cung cầu; diễn biến nhu cầu thế giới đối với hàng hóa xuất khẩu; mức lương cơ sở,... sẽ tác động lớn tới CPI.
Điều chỉnh giá cần tính toán kỹ
Để thực hiện mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% trong năm 2017 do Quốc hội đề ra, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Theo TS. Lê Quốc Phương - Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương, để kiểm soát lạm phát, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chủ động và phối hợp chặt chẽ trong đánh giá tình hình, xây dựng các phương án điều hành giá, lãi suất, tỷ giá để chủ động kiểm soát lạm phát. Trước khi điều chỉnh giá của các loại hàng hóa và dịch vụ kể trên cần tính toán, thống nhất. Ngoài ra việc giảm áp lực giá cả lên tâm lý tiêu dùng của người dân hết sức quan trọng bằng các biện pháp kiểm soát giá cả một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu nói riêng. Đồng thời khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân để khai thác tốt hơn nguồn lực về vốn, lao động bằng những ưu đãi về tài chính, đất đai...
Đồng tình với quan điểm này, TS Ngô Trí Long nhấn mạnh cần kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; giám sát chặt chẽ việc DN kê khai giá các mặt hàng bình ổn, mặt hàng phải kê khai giá…