Tọa đàm trực tuyến:

"Tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh nguồn nguyên liệu tăng cao"

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ đề “Tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh nguồn nguyên liệu tăng cao”, tại tọa đàm trực tuyến do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp tối ưu cũng như kinh nghiệm trong việc tiết kiệm năng lượng.

Trong điều kiện nguồn nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ và khí đốt), đã được khai thác đến mức giới hạn, trữ lượng ngày càng cạn kiệt. Sự chuyển đổi năng lượng được thúc đẩy bởi phát triển nhanh nguồn năng lượng tái tạo đã mang lại những thay đổi căn bản về phạm vi và tác động của các nguồn nhiên liệu hóa thạch.

"Tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh nguồn nguyên liệu tăng cao" - Ảnh 1

Ngành năng lượng Việt Nam trong những năm gần đây đã chứng kiến  năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió, đã phát triển với tốc độ chưa từng có, vượt cả mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. 

Xu hướng của quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo không chỉ là sự chuyển đổi từ loại nhiên liệu này sang loại năng lượng khác, mà còn liên quan đến việc chuyển đổi sâu sắc hơn nhiều trong hệ thống năng lượng Việt Nam và sẽ có những tác động sâu rộng đến kinh tế, xã hội vượt ra ngoài lĩnh vực năng lượng.

Tuy nhiên, quá trình phát triển năng lượng tái tạo cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Các vướng mắc này cần được tháo gỡ để quá trình phát triển năng lượng tái tạo được đẩy nhanh hơn nữa, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu trung hòa khí nhà kính vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.

Tham dự buổi Tọa đàm có:

Ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Ông Hà Mạnh - Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10

Ông Hoàng Mạnh Tân - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà

Dưới đây là toàn bộ nội dung cuộc tọa đàm:

Trước xu hướng giá nguyên liệu tăng cao, xin ông/bà cho biết doanh nghiệp đã mở rộng cũng như đầu tư thêm vào những lĩnh vực sử dụng năng lượng tái tạo như thế nào?

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà Hoàng Mạnh Tân trả lời:

Bên cạnh những ngành nghề truyền thống, Tập đoàn Sơn Hà tiếp tục mở rộng đầu tư vào lĩnh vực ngành nước, năng lượng tái tạo, và đặc biệt là bất động sản công nghiệp. Đây được coi là những mảng kinh doanh bền vững, dài hạn và được dự báo là mảng kinh doanh mới nhiều tiềm năng trong tương lai.

"Tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh nguồn nguyên liệu tăng cao" - Ảnh 2

Cụ thể, năm 2021, Tập đoàn Sơn Hà đã tổ chức lễ ra mắt sản phẩm mới tại EVGO Center Hà Nội. Mục đích nhằm thay đổi thói quen của người dân Việt Nam về phương tiện giao thông xanh, Tập đoàn Sơn Hà đã bắt tay với Tập đoàn Bosch (CHLB Đức) để cho ra đời các sản phẩm xe máy điện mang thương hiệu EVGO có thiết kế thời thượng, tiện dụng, đẳng cấp và dẫn đầu về công nghệ thông minh, tiết kiệm năng lượng. Với việc ra mắt các dòng xe mới thuộc phân khúc trung và cao cấp, Sơn Hà đang tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành một trong 3 nhà phát triển xe máy điện lớn nhất Việt Nam.

Cùng ra mắt với EVGO còn có hai dòng xe thuộc phân khúc cao cấp là Ecooter ET1 và Ecooter EH1. Được nghiên cứu và phát triển phù hợp với nhu cầu di chuyển trong đô thị của số đông người Việt Nam. Hai dòng xe này được trang bị màn hình LED ứng dụng công nghệ cảm biến ánh sáng tự động, hệ thống lốp cao cấp, sạc USB…

Thưa ông Hoàng Mạnh Tân, hạ tầng có phải là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp tham gia vào phát triển xe điện không?

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà Hoàng Mạnh Tân trả lời:

Với Việt Nam xe điện  hoàn toàn mới, có 2 cách để cấp năng lượng phát triển là các trạm xả. Thứ nhất tại các chỗ để xe, thứ nữa là chỗ thay thế các trạm xăng trên đường lưu thông để có thể vận hành thông suốt. Xe điện khác xe xăng ở chỗ về mặt công nghệ, kết nối thông minh. Như các dòng sản phẩm Sơn Hà nghiên cứu và kết hợp đã đưa ra các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường

Bên cạnh đó, Sơn Hà ứng dụng triệt để xu hướng công nghệ 4.0 vào mô hình quản trị nhằm tiết giảm nguồn lực, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, đưa Sơn Hà trở thành doanh nghiệp quản trị theo mô hình số hóa, lấy con người là trung tâm, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhân tài, gắn kết người lao động, hướng tới xây dựng một môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam.

Sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời là giải pháp tiết kiệm điện hữu hiệu được rất nhiều gia đình lựa chọn. Vậy xin ông giới thiệu qua về sản phẩm của công ty cũng như những lưu ý khi sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời?

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà Hoàng Mạnh Tân trả lời:

Sản phẩm máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời Thái Dương Năng lấy hình ảnh vầng mặt trời làm chủ đạo nhằm khẳng định vị thế, sứ mệnh và những giá trị cốt lõi trong từng sản phẩm mang đến người tiêu dùng của Tập đoàn Sơn Hà.

Với gần 20 năm có mặt trên thị trường, sản phẩm Thái Dương Năng của Tập đoàn Sơn Hà đã ghi dấu ấn trong hàng triệu người tiêu dùng Việt bởi chất lượng, uy tín và giá thành cạnh tranh. Sản phẩm Thái Dương Năng Sơn Hà ghi điểm tuyệt đối khi sử dụng ống chân không công nghệ cao có khả năng hấp thụ tối đa ánh sáng mặt trời, phù hợp với xu thế tận dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng. Lớp phủ bên trong ống giúp đạt hiệu suất cao (trên 99%) khi chuyển hóa bức xạ mặt trời, chuyển đổi thành nhiệt năng làm nóng nước kết hợp với bình bảo ôn chất liệu cao cấp có thể giữ nóng nước đến 72 giờ.

Tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ Nano châu Âu, Tập đoàn Sơn Hà đã sản xuất thành công sản phẩm Thái Dương Năng Nano chịu được nước biển và phèn, chống ăn mòn hiệu quả, cho phép sản phẩm tương thích với mọi nguồn nước, phù hợp mọi vùng miền, cũng như nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng, tạo sự đột phá về khả năng chống ăn mòn và rò rỉ, khẳng định chất riêng trên thị trường.

Trong thời gian tới, Tập đoàn Sơn Hà sẽ bám sát mục tiêu phát triển ngành năng lượng sạch, tiếp tục đầu tư công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm tạo nên những sản phẩm chất lượng cao, đem đến trải nghiệm tối ưu cho khách hàng.

Một số lưu ý khi sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời: Về điều kiện địa lý nhà ở, hướng nắng: Máy nước nóng năng lượng mặt trời thái dương năng thường được lắp đặt trực tiếp trên các mái nhà để thu được lượng ánh sáng mặt trời là nhiều nhất. Bạn có thể sử dụng la bàn để định vị hướng lắp đặt cho thái dương năng. Thường thì nên chọn hướng Nam bởi đó là hướng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tốt nhất.

"Tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh nguồn nguyên liệu tăng cao" - Ảnh 3

Vì vậy, để máy nước nóng năng lượng mặt trời thái dương năng có thể phát huy được hết hiệu quả của nó, bạn nên cân nhắc chọn vị trí lắp đặt sản phẩm luôn luôn có ánh nắng chiếu vào, hạn chế tối đa vì các chung cư cao ốc hay cây cối che khuất.

Về thời tiết: Dựa trên nguyên lý hoạt động phụ thuộc vào ánh nắng mặt trời, máy nước nóng năng lượng mặt trời thái dương năng phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết.

Tuy nhiên, yếu tố này chỉ đáng ngại khi vào mùa đông ở miền Bắc, những ngày nắng không nhiều hoặc những ngày mưa nhiều liên tục. Bình bảo ôn của máy nước nóng năng lượng mặt trời có thể giữ nhiệt lên tới 3 ngày nên vẫn có thể tận dụng được những ngày nắng xen kẽ.

Lắp đặt vị trí phù hợp: Trước khi lắp máy bạn cần khảo sát địa hình sân thượng nhà mình có đủ diện tích không? Mái nhà bạn là tôn, ngói, hay bê tông có chịu được trọng lực của máy, bồn nước không?

Để lắp đặt thuận lợi cần chọn không gian phải thông thoáng, tránh các vật cản che nắng như mái tôn, bóng cây xanh, che khuất do chiều cao nhà hàng xóm để máy tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời.

Điều kiện nguồn nước: Đảm bảo nguồn cấp nước phải ổn định: Đảm bảo nước máy có thể đi lên được trên mái nhà, còn không thì bồn chứa bắt buộc phải cao hơn mái nhà.

Chính vì vậy, bồn nước inox cho máy năng lượng luôn phải lắp đặt ở vị trí cao, trường hợp thấp hơn thì cần lắp thêm bình nước phụ để đảm bảo luôn có nước lạnh cho máy hoạt động.

Chi phí lắp đặt: Chi phí lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời ban đầu sẽ khá đắt bởi những chi phí phát sinh thêm như đường ống dẫn nước, gia cố chân đỡ trong trường hợp lắp máy nghiêng, bơm, bình phụ,...

Ống dẫn nước thường sử dụng chất liệu nhựa PP-R, vì đây là chất liệu có độ bền cao, khả năng dẫn nhiệt thấp. Nếu đường ống không quá dài thì có thể sử dụng chất liệu nhựa PVC đảm bảo để tiết kiệm chi phí.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chủ động đầu tư thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng để thay thế thiết bị, sản phẩm lạc hậu tiêu hao nhiều điện năng, xin ông/bà cho biết Tổng Công ty May 10 đã có những chuyển biến từ hành động đến nhận thức gì về tiết kiệm năng lượng trong sản xuất kinh doanh?

Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 Hà Mạnh trả lời:

Sản xuất xanh đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp hướng tới, nhằm đáp ứng với yêu cầu mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Đồng thời, mô hình này cũng giúp nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Chúng tôi cho rằng, ngoài việc không ngừng đầu tư các thiết bị tiên tiến, hiện đại, bên cạnh đó các hoạt động đều được chú trọng như: Chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình sản xuất để giảm nguyên nhiên liệu, điện và ưu tiên tiêu sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường.

"Tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh nguồn nguyên liệu tăng cao" - Ảnh 4

Tiết kiệm năng lượng sản xuất giúp giảm chi phí điện năng (cửa sổ tiết kiệm năng lượng, sơn phản nhiệt, hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED thay cho đèn huỳnh quang, cảm biến quang điện, hệ thống thông gió thu hồi nhiệt, máy biến tần…).

Đồng thời sử dụng hệ thống điện mặt trời giúp tận dụng nguồn năng lượng sạch, tạo điện năng phục vụ cho hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, May 10 đã xây dựng quy trình xử lý nước thải để tái sử dụng, tiết kiệm nước. Khi áp dụng đồng bộ các giải pháp trên, mỗi năm doanh nghiệp có thể tiết kiệm lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi không ngừng nâng cấp công nghệ hay đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tạo tiền đề cho những bước phát triển đột phá.

Cụ thể ngay từ việc đầu tư thiết bị để tiết kiệm năng lượng: Đầu tư thiết bị công nghệ mới tiêu thụ ít điện năng hơn, thay thế các thiết bị thế hệ cũ bằng thiết bị thế hệ mới, cải tạo nâng cấp để giảm tiêu thụ điện.

Đầu tư xây dựng và lắp đặt hệ thống điện đảm bảo an toàn và giảm tổn thất điện năng với việc nâng cao chất lượng điện năng bằng hệ thống bù công suất phản kháng, sử dụng kết hợp năng lượng mặt trời để làm nước nóng cho sinh hoạt, đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời cho dự án tại Bỉm Sơn trong năm 2022, công suất khoảng 2MW.

Xin ông/bà cho biết cùng với việc đầu tư trang thiết bị thì việc sử dụng năng lượng tái tạo và tuyên truyền tiết kiệm điện trong công ty đã được thực hiện như thế nào?

Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 Hà Mạnh trả lời:

Trong thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại để phục vụ cho sản xuất, Tổng công ty May 10 còn đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tái tạo sau khi nhận thấy tiềm năng và những lợi ích to lớn của điện mặt trời. Do đó, lãnh đạo May 10 đã quyết định hợp tác cùng chủ đầu tư GreenYellow Việt Nam triển khai dự án điện mặt trời, địa điểm đầu tiên triển khai là nhà xưởng Xí nghiệp may Bỉm Sơn - Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, một trong những biện pháp nhằm tiết kiệm điện đó là công tác tuyên truyền, giáo dục. Tại May 10, chúng tôi tuyên truyền hàng ngày, hàng giờ để từng người lao động luôn ý thức được việc tiết kiệm triệt để năng lượng điện, nước không chỉ ở nơi làm việc mà còn tiết kiệm tại gia đình.

Với việc triển khai dự án điện năng lượng mặt trời khởi đầu kết hợp với nhiều hoạt động đã được triển khai, May 10 mong muốn xây dựng chuỗi “nhà máy xanh” chuẩn của May 10, thực hiện những cam kết với Chính phủ Việt Nam về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch như than đá… giảm khí thải cacbon và phát triển bền vững.

May 10 có được nhiều lợi ích từ việc này, chi phí sử dụng điện rẻ hơn, đạt chứng chỉ năng lượng tái tạo quốc tế I-REC, chứng chỉ toàn cầu về sử dụng năng lượng tái tạo. May 10 luôn hướng đến sự phát triển bền vững. Dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà tại nhà máy xí nghiệp may Bỉm Sơn mới đây là minh chứng rõ ràng cho tinh thần tư duy luôn đổi mới, luôn áp dụng công nghệ mới nhất vào hoạt động sản xuất kinh doanh của ban lãnh đạo May 10.

May 10 đạt danh hiệu sử dụng “Năng lượng xanh” 5 sao

Năm 2022, May 10 vinh dự được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu đơn vị 5 sao “Năng lượng xanh 2022” - danh hiệu cao nhất nhờ nhiều hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Danh hiệu “Năng lượng xanh” tôn vinh những cơ sở, doanh nghiệp sử dụng và nhân rộng các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiêu biểu. Hoạt động giúp thúc đẩy công tác quản lý, sử dụng năng lượng hiệu quả, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của TP Hà Nội. Điều này còn góp phần giảm chi phí năng lượng cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Mô hình sử dụng Năng lượng Xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022.

May 10 là một trong số ít các doanh nghiệp được công nhận danh hiệu Năng lượng xanh 5 sao trên địa bàn TP Hà Nội năm nay. May 10 đầu tư trọng điểm vào nhiều giải pháp trong việc tiết kiệm năng lượng, tích hợp điều khiển thông minh cho các hệ thống trong tòa nhà; sử dụng các thiết bị có hiệu suất cao; lắp biến tần cho các động cơ;... Các hệ thống chiếu sáng, hệ thống điều hòa không khí cũng được điều chỉnh cho phù hợp với các khu vực theo mùa và theo thời gian trong ngày để tránh lãng phí năng lượng mà vẫn đảm bảo hoạt động.

Nhận được danh hiệu sử dụng “Năng lượng xanh” 5 sao tạo thêm động lực thúc đẩy, khuyến khích May 10 tiếp tục thực hiện giải pháp quản lý và công nghệ tiên tiến có thể giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị,  góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận; thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội đó là bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp và đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai.

Ông Hà Mạnh - Giám đốc điều hành đại diện cho May 10 nhận danh hiệu đơn vị 5 sao “Năng lượng xanh 2022” của TP Hà Nội.  
Ông Hà Mạnh - Giám đốc điều hành đại diện cho May 10 nhận danh hiệu đơn vị 5 sao “Năng lượng xanh 2022” của TP Hà Nội.  

Ông có thể đánh giá ngắn gọn về về tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng nói chung và sử dụng nguồn điện năng tiết kiệm nói riêng?

Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Viết Nguyên trả lời:

Cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới diễn ra phức tạp, khó lường cùng với diễn tiến của xung đột Nga - Ukraina khiến các nguồn năng lượng/nhiên liệu (như than, dầu, khí) - là đầu vào cho sản xuất điện tăng cao liên tục suốt từ đầu năm 2021 đến nay, và hiện vẫn đang đứng ở mức cao. Việc tiếp cận với các nguồn năng lượng ngày càng trở nên khó khăn và đắt đỏ. Trong khi, để đạt tăng trưởng GDP bình quân từ 6 - 7%/năm thì mỗi năm tăng trưởng điện phải đạt trên 9% mới đáp ứng được các nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và phục vụ đời sống dân sinh.

Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn năng lượng, trong đó có điện năng đang trở thành vấn đề cấp bách, mang tính toàn cầu, là giải pháp quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện, góp phần đảm bảo điện và giảm giá thành sản xuất điện; cũng là giải pháp giảm hóa đơn tiền điện phải chi trả cho mỗi doanh nghiệp và người dân. Do đó, tiết kiệm điện - cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân.

Những khó khăn mà ngành điện gặp phải trong năm qua là gì, cũng như các áp lực trong việc cung cấp điện thời gian tới, thưa ông?

Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Viết Nguyên trả lời: 

Về những khó khăn trong 2022, thứ nhất, tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khủng hoảng năng lượng xuất hiện, giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng nhiên liệu cho phát điện và việc cân đối tài chính của EVN thị trường.

Thứ hai, nhu cầu điện tăng trưởng cao, trong khi các nguồn điện mới được đưa vào vận hành ít nên việc đảm bảo cung ứng tại một số thời điểm còn gặp khó khăn, đặc biệt đảm bảo cấp điện miền Bắc trong các tháng cao điểm nắng nóng (từ tháng 5 - 7).

Thứ ba, công tác đầu tư xây dựng tiếp tục gặp nhiều vướng mắc do các quy định hiện hành còn thiếu đồng bộ, khó khăn trong việc chuyển đổi đất rừng, GPMB, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án điện.

Về áp lực cung cấp điện trong năm 2023, căn cứ theo dự báo phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và định hướng tại dự thảo Quy hoạch điện VIII, EVN đã tính toán cân đối cung cầu điện năm 2023 với mức tiêu thụ điện toàn quốc tăng trưởng từ 7,3% đến 8,96%.

Tính toán sơ bộ cho thấy, hệ thống điện Quốc gia vẫn cơ bản đảm bảo cung cấp điện trong năm 2023. Tuy nhiên, vào một số thời điểm nắng nóng cực đoan làm tiêu thụ điện tăng cao đột biến có thể dẫn tới hệ thống điện không có dự phòng công suất, thậm chí thiếu công suất và nguy cơ cao xảy ra sự cố cục bộ về điện ở một số khu vực, đặc biệt là ở phía Bắc. Do vậy, yêu cầu thực hiện tiết kiệm điện của người dân, cơ quan hành chính sự nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc góp phần giảm bớt khó khăn về cung cấp điện trong năm 2023 và những năm tới đây.

Có thể thấy sử dụng nguồn điện năng tiết kiệm là biện pháp tích cực để bảo vệ môi trường, ngăn chăn sự nóng lên toàn cầu và chống lãng phí khoản chi phí cực lớn. Xin ông cho biết EVN quan tâm như thế nào tới công tác tiết kiệm điện cũng như các giải pháp tiết kiệm điện mà EVN triển khai trong năm qua?

Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Viết Nguyên trả lời:

Công tác tiết kiệm điện luôn được EVN xem là một trong những giải pháp quan trọng trong các giải pháp đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và tiêu dùng của Nhân dân. Công tác tiết kiệm điện, được EVN chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện nhiều năm nay và hàng năm. Một số các giải pháp tiết kiệm điện chính đã và đang triển khai như:

Giảm tổn thất điện năng, tiết kiệm điện trong nội bộ các dơn vị thuộc EVN: EVN và các đơn vị đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp về kỹ thuật và quản lý kinh doanh để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng giảm năm sau tốt hơn năm trước (TTĐN từ 10,4% (năm 2010) xuống 6,2% (năm 2021)). Triển khai các chương trình tiết kiệm điện trong nội bộ EVN và các đơn vị trực thuộc (giao chỉ tiêu tiết kiệm điện, ban hành quy định bắt buộc về thực hành tiết kiệm điện tại công sở, giảm điện tự dùng các NMĐ, lắp đặt ĐMTMN, áp dụng các mô hình quản lý năng lượng tiên tiến, giúp các tòa nhà, công sở tiết kiệm điện,…).

Thiết kế và ban hành hóa đơn điện tử mới theo hướng dễ hiểu, minh bạch thông tin đến khách hàng. Đặc biệt có bổ sung biểu đồ sử dụng điện tháng hiện tại và so sánh với tháng cùng kỳ để khách hàng biết điện năng sử dụng bình quân, đặc điểm sử dụng, thông qua đó chủ động thay đổi hành vi sử dụng điện theo hướng tiết kiệm.

EVN xây dựng các công cụ, ứng dụng, phần mềm theo dõi, đánh giá mức tiêu thụ điện năng. Các ứng dụng https://sudungdien.evn.com.vn > theo dõi điện năng tiêu thụ của Nhóm khách hàng thuộc cơ sở SDNLTĐ và nhóm khách hàng sử dụng ngân sách nhà nước trực tuyến; Công cụ https://uoctinhdiennang.evn.com.vn giúp khách hàng ước tính sản lượng điện tiêu thụ hàng tháng. Tăng cường lắp đặt công tơ điện tử đo xa để thu thập dữ liệu tiêu thụ điện năng trực tuyến và cung cấp cho khách hàng thông qua Website/App CSKH để khách hàng chủ động theo dõi được điện năng sử dụng trong ngày;

Tuyên truyền sâu rộng về tiết kiệm điện tới các khách hàng sử điện trên các kênh thông tin truyền thông từ Trung ương tới địa phương: Sách cẩm nang, bài viết, bí kíp, tư vấn; Đài phát thanh truyền hình, báo giấy/điện tử, web, app, tổng đài CSKH (24/7), mạng xã hội (zalo, facebook, viber, tikok, youtube...).

Thực hiện Chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại: EVN đã chỉ đạo các TCTĐL/CTĐL thường xuyên tổ chức tuyên truyền, quảng bá và thuyết phục khách hàng tham gia DR tự nguyện phi thương mại. Đến này có 10.049 khách hàng ký thỏa thuận tham gia DR tự nguyện phi thương mại, với tiềm năng tiết giảm 2.100 MW.

Đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả: EVN đã chủ động nghiên cứu và đề xuất các cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường tiết kiệm năng lượng nói chung và tiết kiệm điện nói riêng; như: Sửa đổi bổ sung Luật SDNLTK&HQ, Nghị định 21, Nghị định 134, Nghị định 10...

Xin được hỏi ông về tầm quan trọng của việc xác định/ban hành Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cũng như đặt ra các nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành, doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện - đặc biệt trong bối cảnh hiện nay?

Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Viết Nguyên trả lời:

Rất quan trọng vì, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là các đơn vị sử dụng nhiều năng lượng, trong đó có điện năng (cơ sở SXCN, NN, đơn vị vận tải có mức tiêu thụ năng lượng tổng cộng một năm quy đổi, tương ứng 1.000TOE và các công trình xây dựng dùng làm văn phòng, trụ sở làm việc, nhà ở, cơ sở giáo dục, y tế, giải trí, thể thao, khách sạn, nhà hàng có tiêu thụ năng lượng tổng cộng/năm tương đương 500TOE). Chỉ riêng điện năng tiêu thu, thì hàng năm các cơ sở SDNLTKĐ tiêu thụ trên 80 tỷ kWh điện (chiếm 36% điện tiêu thụ toàn quốc). Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng năm (đã được quy định tại Luật SDNLTK&HQ và Nghị định 21).

Để thực có hiệu quả các giải pháp SDNLTK&HQ nói chung, tiết kiệm điện nói riêng cần có giải pháp đồng bộ. Vì vậy, sự tham gia chỉ đạo của các Bộ, ban ngành rất quan trọng, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các khách hàng sử dụng điện, doanh nghiệp.

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong khối công nghiệp là rất lớn. Theo ông đâu là giải pháp để có thể khai thác tối đa tiềm năng này?

Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Viết Nguyên trả lời:

Thực hiện các giải pháp truyền thông tới tất cả các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên. Các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm.

Tham mưu các Sở Công Thương kiến nghị UBND tỉnh, TP các giải pháp tiết kiệm điện đối với các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên để đưa vào kế hoạch SDNLTK&HQ hàng năm của tỉnh, TP.

Phối hợp với các Sở Công Thương, đơn vị tư vấn về SDNLTK&HQ tổ chức các đợt tuyên truyền/tư vấn tới các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả thông qua hình thức trực tiếp hoặc qua các Hội thảo/hội nghị chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức của người đứng đầu và đội ngũ CBNCN và người lao động trong doanh nghiệp.

Giới thiệu, nhận rộng các mô hình tiết kiệm điện đã triển khai thành công của một số doanh nghiệp tiên phong, đi đầu (thường là các doanh nhiệp FDI).

Thưa ông Trần Viết Nguyên, EVN sẽ tập trung những giải pháp gì trong năm 2023?

Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Viết Nguyên trả lời:

Bên cạnh việc tiếp tục duy trì và phát huy các hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện như đã thực hiện nhiều năm qua, với tinh thần triển khai tuyên truyền tiết kiệm điện lan tỏa nhiều hơn, quyết liệt hơn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã và đang phối hợp với Bộ Công Thương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đối tác để triển khai một số chương trình tuyên truyền TKĐ như: Tổ chức Giải báo chí toàn quốc về đề tài tiết kiệm năng lượng; tổ chức cuộc thi toàn quốc tìm hiểu về việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; tổ chức cuộc thi “Ý tưởng, sáng kiến sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong thanh thiếu niên năm 2022” cho thanh thiếu niên toàn quốc;

Phối hợp với các đối tác để thực hiện tuyên truyền tiết kiệm điện trên màn hình quảng cáo ở các chuyến bay, sân bay lớn, màn hình trong thang máy một số tòa nhà chung cư có mật độ dân số cao.

Tham gia, phối hợp với Bộ Công Thương, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân, cộng đồng tham gia sâu rộng bằng các hành động sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường.

Phối hợp với Sở Công Thương, UBND tỉnh, TP toàn quốc thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20/CT-TTg của TTCP về tiết kiệm điện.

Cùng với đó, duy trì, tăng cường tư vấn, hỗ trợ các giải pháp SDNLTK&HQ, điều chỉnh phụ tải điện (DR) và chăm sóc khách hàng miễn phí đối với 10.049 khách hàng có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên (đã bao gồm các khách hàng thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quyết định hàng năm của Thủ tướng Chính phủ).

Thực hiện các sự kiện điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại (DR) theo yêu cầu của các cấp điều độ, dự kiến công suất đỉnh điều chỉnh phụ tải điện các năm trong giai đoạn 2022 - 2025 ≥ 1.500MW.