Tiêu điểm kinh tế tuần: Hải quan rà soát ô tô giá rẻ 84 triệu đồng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo hải quan các địa phương kiểm tra, rà soát giá khai báo của xe nhập khẩu, trong đó có ô tô xuất xứ Ấn Độ đang có mức giá rất rẻ.rn

Ô tô Ấn Độ giá chỉ 84 triệu đồng/chiếc
Liên quan đến việc ô tô Ấn Độ nhập về Việt Nam có giá rẻ bất ngờ 84 triệu đồng/chiếc (chưa tính thuế), đại diện Tổng cục Hải quan cho hay ngành đã có chỉ đạo, đôn đốc các Cục Hải quan địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát mức giá khai báo của mặt hàng ô tô nhập khẩu nói chung, trong đó có mặt hàng ô tô xuất xứ Ấn Độ.
 
Sắp tới, cơ quan này sẽ tiếp tục kiểm tra, xác định trị giá đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu, bao gồm cả ô tô Ấn Độ nhập khẩu có giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu giá, nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2017, Việt Nam nhập khẩu hơn 7.000 xe ô tô các loại, trong số đó có 1.000 xe nhập từ Ấn Độ về, giá bình quân rất rẻ. Năm 2016, ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ về Việt Nam khoảng hơn 20.000 chiếc, giá nhập khẩu bình quân là 5.300 USD/chiếc (tương đương với hơn 100 triệu đồng).
Như vậy, xe Ấn Độ tiếp tục là dòng xe rẻ nhất khi nhập về Việt Nam, rẻ hơn 5 lần so với giá xe trung bình của Indonesia - nước có xe nhập vào Việt Nam thuộc hàng rẻ nhất trong các nước ASEAN.
Bán cổ phiếu Vietnam Airlines, Techcombank thu 700 tỷ đồng
Tuần qua, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã thực hiện bán xong hơn 21 triệu cổ phiếu (mã HVN) của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines). Sau giao dịch này, Techcombank vẫn còn nắm giữ 18.705 cổ phiếu HVN.
 
Được biết, giao dịch bán ra cổ phiếu HVN của Techcombank thực hiện trong quãng thời gian từ 23/2 đến 1/3. Với mức giá dao động trong khoảng 33.000 đồng đến 37.600 đồng, ước tính số tiền Techcombank thu về là hơn 700 tỷ đồng.
Hiện tại, 2 cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines vẫn là Bộ Giao thông Vận tải với 86,16% cổ phần và ANA Holdings Inc (Nhật Bản) sở hữu 8,77% cổ phần. Ngoài Techcombank, một ngân hàng nữa là Vietcombank cũng đang nắm giữ 1,83% cổ phần của hãng hàng không này.
PVCLand mở thủ tục phá sản
Mới đây, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 52/2017/QĐ-MTTPS mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cổ phần Bất động sản Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVCLand), chủ đầu tư dự án PetroVietnam Landmark (khu đô thị An Phú, Q.2, TPHCM).
 
Như vậy, sau hơn 1 tuần, khách hàng của dự án tai tiếng PetroVietnam Landmark liên tiếp nhận 2 cú "sốc", trước đó là vụ việc Chi cục THADS quận 2 "phong toả" hơn 15.000m2 đất. Tính đến nay, dự án này đã được bán 412/418 căn hộ và thu về số tiền khoảng 740 tỷ đồng.
Được biết, tại dự án PetroVietnam Landmark, chủ đầu tư đã chậm bàn giao căn hộ cho khách hàng gần 6 năm, vì mất khả năng tài chính. Đến cuối năm 2016, khách hàng mua dự án là bà Trần Thị Châu Giang đã yêu cầu Toà án mở thủ tục phá sản đối với PVCLand do dự án chậm trễ quá lâu trong khi người mua đã đóng tiền đầy đủ.
Tuy nhiên, khi trả lời báo chí, đại diện PVCLand vẫn cho rằng, mặc dù nhiều khách hàng hoang mang trước thông tin công ty mở thủ tục phá sản nhưng chúng tôi khẳng định dự án vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện. Dự kiến sẽ giao nhà cho khách hàng vào tháng 6/2017.
Việt Nam có tỷ lệ người siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới
Đây là thông tin được đưa ra trong bản Báo cáo thịnh vượng 2017 - Wealth Report của công ty tư vấn Knight Frank (Anh). Theo hãng này, khái niệm "siêu giàu" dùng được chỉ những người có tài sản từ 30 triệu USD trở lên.
 
Cụ thể, Knight Frank cho biết, tính đến hết 2016, Việt Nam có 200 người siêu giàu, tăng 30 người so với năm trước. Ngoài ra, trong giai đoạn 2006 - 2016, tốc độ tăng trưởng số lượng người siêu giàu của Việt Nam đã là cao nhất thế giới khi đạt mức 320%, vượt qua những quốc gia như Ấn Độ (290%) hay Trung Quốc (281%).
Cũng theo dự đoán của hãng tư vấn có trụ sở tại Anh, trong vòng 10 năm sắp tới, Việt Nam vẫn sẽ là quốc gia có tốc độ tăng trưởng số lượng người siêu giàu cao nhất thế giới. Theo đó Việt Nam được ước tính ở mức 170%, trong khi đó các quốc gia đứng tiếp theo là Ấn Độ với 150% và Trung Quốc với 140%.
Về số lượng tỷ phú USD của Việt Nam, Knight Frank chỉ công nhận duy nhất 1 người. Mặc dù không công bố cụ thể danh tính nhưng rất có thể người này là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, bởi vào cuối năm 2016, Forbes cũng chỉ công nhận ông này là tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam.