Tiêu điểm tuần qua: Phát hiện hàng loạt sai phạm tại ACV

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát hiện hàng loạt vi phạm tại ACV; 50 cán bộ ở Bình Định bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn; Đề nghị tuyên ông Đinh La Thăng 14-15 năm tù, Trịnh Xuân Thanh án chung thân... là nội dung chú ý tuần qua.

Phát hiện hàng loạt sai phạm tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)
Tiêu điểm tuần qua: Phát hiện hàng loạt sai phạm tại ACV - Ảnh 1
Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt sai phạm tại ACV. Ảnh minh họa.
Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu ACV trong giai đoạn 2012 - 2015.
Một trong những điểm đáng chú ý trong kết luận thanh tra được công bố chính là việc cơ quan thanh tra đã phát hiện khá nhiều tồn tại, vi phạm của ACV trong hầu hết các hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản; sử dụng đất và cổ phần hóa, thoái vốn…
Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn từ năm 2012 - 2015, ACV đã sử dụng nguồn vốn trích trước sửa chữa lớn để đầu tư xây mới dự án đường lăn E6 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với giá trị là 297.253 triệu đồng, do ACV sử dụng sai nguồn vốn để đầu tư nên phần chi phí sửa chữa lớn trích trước nêu trên không được tính là chi phí hợp lý để tính thuế thu nhập DN. Vì vậy, ACV phải nộp bổ sung thuế thu nhập DN với số tiền 62.674 triệu đồng.
Đến 31/3/2016, ACV mới ghi tăng tài sản dự án đường lăn E6 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với giá trị là 297.253 triệu đồng. Vì vậy, giá trị các tài sản của Nhà nước được loại ra khi xác định giá trị DN để cổ phần hóa không đúng.
Trong công tác quản lý, sử dụng đất, Thanh tra Chính phủ cho biết, đến thời điểm ACV chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, Cảng vụ hàng không chưa hoàn thành thủ tục giao đất với diện tích 2.888,27ha/2.888,27ha đất (100%).
ACV cũng chưa ký hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm với diện tích 197,30ha/197,30ha đất (100%), dẫn đến ACV thiếu cơ sở để nộp tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước với số tiền 330.806 triệu đồng.
Nguyên nhân chính, theo Thanh tra Chính phủ, là do Cảng vụ hàng không thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để xác định ranh giới, tổ chức cắm và bảo vệ mốc giới; còn 11 Cảng hàng không chưa được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 7.225,1ha.
Cơ quan thanh tra cũng phát hiện ACV và một số chi nhánh cảng hàng không cho thuê lại đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sai mục đích, không đúng quy định của Nhà nước cho thuê đất với tổng diện tích 2,931ha đất.
Bên cạnh đó, ACV chưa làm thủ tục thuê 1,924ha đất đối với Nhà nước theo quy định khi chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, dẫn đến chưa có cơ sở để nộp tiền thuê đất, chưa hoàn thành quyết toán cổ phần hóa.
Từ năm 2007 - 2015, ACV chưa thực hiện nộp tiền thuê đất theo quyết định vào ngân sách nhà nước 326 tỷ đồng. Cảng hàng không quốc tế Nội Bài kê khai không đúng 64.224m2 từ đất phải thu tiền sử dụng sang loại đất giao không thu tiền sử dụng làm giảm thu ngân sách nhà nước 17,9 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến 31/12/2015, tổng số tiền thuê đất ACV chưa thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước là 334 tỷ đồng....
Kết luận cũng chỉ ra từ 1/7/2014 đến 31/12/2015, ACV đã vi phạm một số quy định với giá trị lên tới 903 tỷ đồng. Do đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị truy thu 692 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp tại đây.
Trong quá trình lập phương án giá thuê tài sản khu bay trình Bộ GTVT, ACV còn đưa thiếu giá trị tài sản cố định đã đầu tư mới từ 30/6/2014 đến 31/3/2016, trong đó có Dự án đường lăn E6 trị giá 297 tỷ đồng. Điều này dẫn đến chi phí thuê hàng năm được đề xuất là 31 tỷ đồng chỉ bằng 1/10 chi phí khấu hao tài sản. Đến nay, ACV mới khắc phục một phần bằng việc ghi tăng tài sản cố định thêm 297 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra công tác quyết toán cổ phần hóa tại ACV vẫn còn chậm, chưa xử lý kịp thời những tồn tại về tài chính, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược…
Trong một số dự án, ACV và các đơn vị liên quan còn một số vi phạm làm tăng chi phí dự án, tổng mức đầu tư dự án vượt nguồn vốn theo kế hoạch được phê duyệt hơn 73,6 tỷ đồng.
Đặc biệt, tại gói thầu số 10A và 10B thuộc Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản). Chủ đầu tư là ACV miền Bắc đã đấu thầu nhưng không có tính cạnh tranh về kỹ thuật, năng lực và giá gói thầu làm tăng giá gói thầu cao hơn giá dự toán 2 gói thầu là 5,7 tỷ JPY, tương đương hơn 1.450 tỷ đồng.
Trên cơ sở phát hiện các sai phạm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý số tiền là 3.652 tỷ đồng và 7.225,1ha đất. Đến nay, ACV đã thực hiện xử lý vi phạm về tài chính tổng cộng 1.158 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng loạt vi phạm tại công ty SASCO cũng được chỉ ra với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Văn phòng Chính phủ ngày 10/1 đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Kết luận thanh tra chỉ ra giai đoạn 2012 - 2015, 19/21 cảng hàng không trên cả nước thu phí ôtô vào đường dẫn nhà ga không đúng quy định pháp luật với số tiền gần 551 tỷ đồng. Phó thủ tướng Thường trực giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương án xử lý. Hai bộ trên cần báo cáo kết quả trong tháng 3 tới.
Về việc quản lý, sử dụng đất tại các cảng hàng không, Phó thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, UBND các địa phương rà soát các thủ tục liên quan. Các tỉnh, thành phố hoàn tất thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất cho cảng vụ hàng không theo quy định. Bộ GTVT cần báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý nội dung này ngay trong trong quý I.
13 tuyến phố Hà Nội cấm Grab, Uber
13 tuyến phố Hà Nội cấm Grab, Uber.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã cắm các biển cấm tích hợp taxi, các xe hợp đồng dưới 9 chỗ - trong đó có Grab, Uber - hoạt động trong các khung giờ từ 6-9h và 16h30 - 19h30.
13 tuyến phố được cắm biển cấm gồm: Hoàng Hoa Thám, Mai Xuân Thưởng, Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh, Khâm Thiên, cầu Chương Dương (chiều Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật), Hàng Bài, Phủ Doãn, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Giải Phóng.
Đây cũng là tuyến phố mà taxi truyền thống và taxi công nghệ không được lưu thông. Như vậy, sau taxi, đến lượt Grab, Uber đãbị cấm hoạt động tại 13 tuyến phố Hà Nội vào các khung giờ cao điểm. Lệnh cấm được áp dụng chính thức từ ngày 11/1/2018.
Liên quan đến vấn đề nhận diện xe hợp đồng, trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng thừa nhận khó phân biệt. Nhưng ông Viện cho rằng, xe hợp đồng đã có quy định phải dán logo, CSGT và Thanh tra giao thông sẽ căn cứ vào đó mà xử phạt nếu vi phạm, còn những xe nào không dán logo mà vi phạm sẽ bị xử lý 2 lỗi cùng một lúc.
Giám đốc Sở GTVT khẳng định trước đó Sở đã có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng dưới 9 chỗ về việc cấm xe ở các tuyến đường.
Việc cấm các loại xe hợp đồng sẽ giảm phương tiện cá nhân vào nội đô, giảm ùn tắc giao thông giờ cao điểm. Hơn nữa, Uber, Grab hoạt động phá vỡ phương án tổ chức, quy hoạch giao thông tại Hà Nội.
Trước đó, Hiệp Hội Taxi Hà Nội và các hãng xe taxi truyền thống liên tục có những văn bản kiến nghị Sở GTVT Hà Nội, UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT về việc những xe ô tô hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi có sử dụng phần mềm điện tử để kết nối với khách hàng kiểu như Uber, Grab là cạnh tranh không lành mạnh.
Hiệp Hội Taxi Hà Nội cho rằng, những xe ô tô hợp đồng hoạt động kiểu như Uber, Grab về bản chất không khác với taxi truyền thống, nhưng vì được coi là là xe "Hợp đồng" nên đã không chịu quản lý bởi 13 điều kiện kinh doanh giống với xe taxi, trong đó có việc những xe này được hoạt động trên các tuyến phố cấm xe taxi.
Có lẽ, chính sự phản ứng gay gắt nói trên của Hiệp Hội Taxi Hà Nội và các hãng xe taxi nên Sở GTVT Hà Nội đã triển khai cắm hàng loạt các biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ như nói ở trên để tạo sự công bằng với xe taxi truyền thống.
50 cán bộ ở Bình Định bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn
Tiêu điểm tuần qua: Phát hiện hàng loạt sai phạm tại ACV - Ảnh 3
Việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Cảnh ở Bình Định từng gây xôn xao dư luận 
Ngày 9/1, Thanh tra Bộ Nội vụ đã ban hành thông báo Kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế, tuyển dụng, nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, bổ nhiệm, số lượng cấp phó, quản lý hồ sơ công chức và việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn trong cơ quan hành chính của UBND tỉnh Bình Định, giai đoạn từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2017.
Theo đó, về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với công chức lãnh đạo, quản lý, trên cơ sở kết quả kiểm tra trực tiếp 321 hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cơ quan thanh tra đã phát hiện có 50 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn thiếu một hoặc một số điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học.
Ngoài ra, có một số công chức được bổ nhiệm ngạch chuyên viên chưa qua thi nâng ngạch. Một số trình tự bổ nhiệm thuộc thẩm quyền của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chưa thể hiện bằng văn bản lưu trong hồ sơ bổ nhiệm. Thời điểm làm quy trình, ban hành quyết định bổ nhiệm lại và kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với nhiều trường hợp không đảm bảo theo quy định.
Thanh tra Bộ Nội vụ chỉ rõ, việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức ở Bình Định còn có tồn tại, hạn chế như: không giao chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP cho UBND cấp huyện; chưa ban hành quyết định phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị…
Việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức còn có nhiều tồn tại, hạn chế: quyết định thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch không nêu tên các thành viên; một số hồ sơ không đảm bảo thành phần theo quy định; một số công chức được tuyển dụng khi chưa có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ; hoặc chưa đủ các điều kiện, tiêu chuẩn.
Việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đến thời điểm thanh tra, các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh Bình Định còn sử dụng 300 hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính nhà nước…
Với những khuyết điểm nêu trên, Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo tiến hành rà soát đối với các trường hợp đã được tiếp nhận không qua thi tuyển trong thời gian trước giai đoạn thanh tra, thu hồi quyết định tuyển dụng nếu không đáp ứng yêu cầu; thực hiện đúng quy định về bổ nhiệm ngạch đối với trường hợp chưa qua kỳ thi nâng ngạch.
Đồng thời, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra những hạn chế, tồn tại như đã trên trên để có hình thức xử lý phù hợp.

Xét xử giai đoạn 2 “đại án” VNCB

 Phạm Công Danh được dẫn giải đến tòa. (Ảnh: Congan.com.vn)

Sáng 8/1, TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB), Trầm Bê (SN 1959, nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, nguyên Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Sacombank) cùng 44 đồng phạm.

Đây là giai đoạn hai của vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho VNCB. Ở vụ án này, Phạm Công Danh và đồng phạm bị cáo buộc làm thiệt hại cho VNCB hơn 6.100 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh cần có tiền để sử dụng nhưng không thể vay trực tiếp tại VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 công ty do ông Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân để lập 29 hồ sơ khống đứng tên vay vốn tại ba Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV.

Số tiền vay được này, ông Danh đem sử dụng mục đích cá nhân, không có khả năng chi trả. Ngoài ra, ông Danh cùng đồng phạm dùng tiền của VNCB gửi sang ba ngân hàng trên để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay nhưng sau đó bị ba ngân hàng trên thu hồi nợ từ chính số tiền gửi này. Những sai phạm này của Phạm Công Danh và các đồng phạm khiến VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.

Cũng bị truy tố trong vụ án này, ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sacombank) bị cáo buộc là người đã bàn bạc và thống nhất với Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) cho Phạm Công Danh vay tiền qua các công ty của Danh số tiền 1.800 tỷ đồng. Từ đó, Phan Huy Khang đã chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục hợp pháp hóa để giải ngân cho vay. Hành vi của Trầm Bê và Phan Huy Khang đã giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh phạm tội, gây thiệt hại cho VNCB.

Tại phiên tòa này, ngoài 46 bị cáo, Hội đồng xét xử đã triệu tập 127 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trong đó đáng chú ý có ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh), bà Hứa Thị Phấn (nguyên Cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín, tiền thân của VNCB), ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng BIDV)...

Phiên tòa dự kiến xét xử đến ngày 7/2/2018. Tại tòa, hơn 70 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị cáo và những người liên quan.

Đề nghị tuyên ông Đinh La Thăng 14-15 năm tù, Trịnh Xuân Thanh án chung thân
Tiêu điểm tuần qua: Phát hiện hàng loạt sai phạm tại ACV - Ảnh 5

 Đề nghị tuyên ông Đinh La Thăng 14-15 năm tù,Trịnh Xuân Thanh án chung thân

Theo ông Đào Thịnh Cường - đại diện VKSND TP Hà Nội, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’’ và ‘‘Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm.
Các bị can trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia trong đó có Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án nêu trên, vì những động cơ khác nhau, các bị can đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế cho Nhà nước.
Thậm chí, một số bị can còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lập chứng từ khống rút tiền của Dự án để ăn chia, chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Hành vi này của các bị can đã gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân, cần được xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Ngày 11/1, căn cứ kết quả điều tra vụ án, lời khai các bị cáo, phần bào chữa của các luật sư tại phiên tòa, đại diện VKS đã đề nghị mức án cụ thể cho từng bị cáo.
Cụ thể: bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN, bị đề nghị 14-15 năm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, bị đề nghị 13-14 năm tù về tội “Cố ý làm trái…” và chung thân về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hình phạt là Chung thân.
Bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) bị đề nghị 8-9 năm tù về tội “Cố ý làm trái...”, 18-19 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hình phạt: 26-28 năm tù.
Các bị cáo bị đề nghị tuyên phạt về tội danh “Cố ý làm trái...” gồm: Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN): 12-13 năm tù; Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó TGĐ PVN): 10-11 năm tù; Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN): 10-11 năm tù; Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng - Trưởng Ban Tài chính Kế toán PVN): 10-11 năm tù;
Lê Đình Mậu (Phó Trưởng Ban tài chính Kế toán Kiểm toán PVN): 7-8 năm tù; Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban QLDA NMNĐ Thái Bình 2): 2-3 năm tù treo; Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Ban QLDA NMNĐ Thái Bình 2): 2-5 năm tù treo; Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVC): 8-9 năm tù;
Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó TGĐ PVC): 7-8 năm tù; Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC): 6-7 năm tù; Trương Quốc Dũng (nguyên Phó TGĐ PVC): 17- 18 tháng tù.
Các bị cáo bị đề nghị tuyên phạt về tội “Tham ô tài sản” gồm: Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó TGĐ PVC): 18-19 năm tù; Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC): 13-14 năm tù; Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC): 13-14 năm tù;
Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, TCT CP Miền Trung): 8-9 năm tù; Lê Thị Anh Hoa (Giám đốc Cty TNHH MTV Quỳnh Hoa): 30-36 tháng tù treo, thử thách 5 năm; Nguyễn Đức Hưng (nguyên Kế toán trưởng Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch): 30-36 tháng tù treo;
Lê Xuân Khánh (nguyên Trưởng phòng kinh tế Kế hoạch của Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC): 30-36 tháng tù treo; Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng Phòng Kỹ thuật Ban ĐHDA Vũng Áng - Quảng Trạch): 30-36 tháng tù treo.