Tiêu dùng giảm, dịch tả lợn châu Phi kéo CPI tháng 3/2019 giảm nhẹ

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/3, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 3/2019 giảm nhiều nhất với 1,42%
Theo đó, CPI tháng 3/2019 giảm 0,21% so với tháng trước, trong đó 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm nhiều nhất với 1,42% (lương thực giảm 0,55%; thực phẩm giảm 1,97%), làm CPI chung giảm 0,51%, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm và ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,17%; văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,09%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,08%; bưu chính viễn thông giảm 0,07%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,04%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng gồm: Giao thông tăng 2,22% do tác động của điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm ngày 2/3/2019 (tác động làm CPI tăng 0,23%); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,78% chủ yếu do giá gas trong tháng tăng 4,88%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; giáo dục tăng 0,01%.
Nhìn chung, CPI bình quân quý I/2019 tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm trở lại đây; CPI tháng 3/2019 tăng 0,69% so với tháng 12/2018 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Lạm phát cơ bản tháng 3/2019 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2019 tăng 1,83% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Về chỉ số giá vàng và đô la Mỹ: Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 3/2019 giảm 0,49% so với tháng trước; tăng 3,3% so với tháng 12/2018 và giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2019 tăng 0,05% so với tháng trước; giảm 0,44% so với tháng 12/2018 và tăng 2,02% so với cùng kỳ năm 2018.
Lạm phát cơ bản tháng 3/2019 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2019 tăng 1,83% so với bình quân cùng kỳ năm trước.