Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng dầu, trái cây giảm mạnh; lúa gạo tăng cao

Minh Anh/Tieudung.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, xăng dầu, nhãn, thanh long giảm mạnh; trong khi giá chôm chôm, nghêu, lúa gạo tăng cao.

Giá vàng giảm mạnh

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch ở quanh mức trên 1.944 USD/oz, giảm hơn 8 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng dầu, trái cây giảm mạnh; trong khi giá lúa gạo tăng cao

Tuần qua, giá vàng thế giới đã bất ngờ giảm “sốc”, khiến nhiều nhà đầu tư bàng hoàng mất đi cả 100 USD chỉ sau 1 phiên. Trong tuần vàng thế giới có 3 phiên đầu tầu giảm liên tục. Giảm sâu nhất mất trên 106 USD/oz là ngày 12/8, xuống mốc 1.912 USD/oz tại thị trường Mỹ.

Tính chung, tuần qua giá vàng thế giới giảm 91 USD/oz so với chốt phien cuối tuần trước và giảm 86 USD/oz so với giá mở cửa tuần.

Tuần qua, giá vàng trong nước cũng đã giảm mạnh so với mức giá đầu tuần. Trên thị trường tự do vàng SJC đã mất 3,13 triệu đồng/lượng so với mức giá mở cửa đầu tuần.

Vàng SJC tại Doji mất 3,45 triệu đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Tương tự SJC tại Phúc Quý đã giảm 3,5 triệu đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.

Giá vàng trong nước giảm sâu nhất cũng là ngày 12/8, mất đến 6 triệu đồng/lượng, khi thị trường quốc tế giảm trên 100 USD/oz.

Chuyên gia khuyến cáo, giá vàng có thể tăng, giảm mạnh khi thị trường vẫn tồn tại 2 luồng yếu tố hỗ trợ và không hỗ trợ. Do đó, nhà đầu tư nên quan sát kỹ thị trường để lựa chọn thời điểm đầu tư, hoặc chốt lời sớm, tránh tủi ro cho dòng tiền.

Giá xăng dầu giảm nhẹ

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước ngày 12/8, Liên Bộ Tài chính - Công Thương thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít. Trong khi đó, xăng RON 95 trích lập ở mức 200 đồng/lít; dầu diesel ở mức 500 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít; dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.

Đồng thời, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 932 đồng/lít, xăng RON 95 là 479 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít, dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng dầu, trái cây giảm mạnh; trong khi giá lúa gạo tăng cao

Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nêu trên, giá bán mặt hàng xăng RON92 và dầu mazut giữ ổn định so với kỳ trước, giá xăng RON95, dầu diesel và dầu hỏa giảm nhẹ so với giá hiện hành.

Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: Không cao hơn 14.409 đồng/lít; Xăng RON95-III: Không cao hơn 14.922 đồng/lít; dầu diesel 0.05S: Không cao hơn 12.201 đồng/lít; Dầu hỏa: Không cao hơn 10.207 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S: Không cao hơn 11.183 đồng/kg.

Giá nghêu tăng mạnh

Theo ông Nguyễn Văn Quí - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), trong những ngày qua, giá nghêu thương phẩm tại vùng chuyên canh đang tăng mạnh, người nuôi có lãi khá.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng dầu, trái cây giảm mạnh; trong khi giá lúa gạo tăng cao

Cụ thể, giá nghêu thương phẩm tại đây đang có giá từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ thu hoạch, tăng hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân 15 tấn/ha, nông dân thu hoạch nghêu vào thời điểm hiện nay đạt giá trị sản xuất từ 370 - 400 triệu đồng.

Đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, giá nghêu thương phẩm tăng mạnh khả năng do nhu cầu thị trường lớn nhưng nguồn cung hạn chế. Là huyện nằm ven biển tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Đông có vùng nuôi nghêu rộng 2.200ha, tập trung xã Tân Thành án ngữ bờ Bắc vàm Cửa Tiểu trên sông Tiền.

Nghề nuôi nghêu tại đây đã có từ lâu đời, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho lao động miền biển nhiều khó khăn. Nhờ nghề nuôi nghêu phát triển đã giúp đổi mới nông nghiệp, nông thôn xã Tân Thành, giúp địa phương hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới, được công nhận và ra mắt xã nông thôn mới năm 2017.

Giá lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao

Giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao. Một thương lái thu mua lúa tại tỉnh Đồng Tháp cho biết, mặt hàng tăng giá mạnh nhất là lúa IR504 bán tại ruộng. Tuần trước loại lúa này có giá từ 5.500-5.600 đồng/kg thì tuần này đã nhích lên 5.700 đồng/kg. Trong khi đó, lúa khô IR504 vụ Đông Xuân được các chủ vựa bán lại với giá 7.500 đồng/kg.

Các loại lúa thơm như OM5451 có giá 5.800 đồng/kg, Jasmine 85 giá 6.500 đồng/kg (lúa tươi)... so với 10 ngày trước, giá này đã tăng 500 đồng/kg. Một chủ vựa lúa ở Cần Thơ chia sẻ, cách đây 10 ngày, ông bán 250 tấn lúa Jasmine 85 trữ từ vụ Đông Xuân với giá 7.500 đồng/kg, lãi 1.000 đồng/kg so với lúc mua vào. Đến nay, giá lúa này đã lên đến 8.200 đồng/kg.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng dầu, trái cây giảm mạnh; trong khi giá lúa gạo tăng cao

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt mức cao. Loại gạo 5% tấm ở mức 478 - 482 USD/tấn.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho hay, hiện nay cả lúa và gạo đều tăng giá. Nguyên nhân của việc này là do thị trường xuất khẩu đang tốt, cùng với việc Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực từ ngày 1/8 đã có tác động tích cực đến ngành hàng lúa gạo.

Cũng theo ông Bình, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu về lúa gạo của thế giới đã và đang tăng lên: “Khi người dân hạn chế ra ngoài vì lo ngại dịch bệnh thì các bữa ăn ở nhà sẽ nhiều hơn và sẽ tiêu thụ nhiều lương thực hơn”.

Chôm chôm tăng giá mạnh

Ngày 11/8, giá chôm chôm Java được nông dân tại các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre… bán cho tiểu thương và các vựa thu mua trái cây ở mức 15.000 - 17.000 đồng/kg, trong khi những tháng trước đây giá chỉ trên dưới 5.000 đồng/kg. Chôm chôm nhãn (còn gọi là chôm chôm đường) và chôm giống Thái được nông dân bán buôn tại vườn cho thương lái với giá 23.000 - 26.000 đồng/kg.

Tại nhiều chợ ở trên địa bàn TP Cần Thơ, hiện chôm chôm Thái có giá bán lẻ 40.000 - 45.000 đồng/kg; chôm chôm nhãn 35.000 - 40.000 đồng/kg; chôm chôm Java 20.000 - 25.000 đồng/kg.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng dầu, trái cây giảm mạnh; trong khi giá lúa gạo tăng cao

Theo tiểu thương kinh doanh trái cây, dù đầu ra xuất khẩu chôm chôm vẫn còn gặp khó do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng thị trường nội địa tiêu thụ mạnh và nguồn cung giảm nên giá tăng mạnh.

Thời điểm này, lượng chôm chôm cho trái nghịch vụ tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng giảm mạnh do nhiều vườn trồng chôm chôm bị thiệt hại bởi hạn mặn trong những tháng đầu năm 2020, nông dân không dám xử lý cho ra trái, phải tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng để phục hồi vườn cây.

Nông dân và tiểu thương kinh doanh trái cây dự đoán, giá chôm chôm có khả năng còn tăng và giữ giá ở mức cao thời gian tới.

Nhãn, thanh long rớt giá thê thảm

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu nhiều mặt hàng trái cây gặp khó khăn dẫn đến giá nhãn, thanh long tại các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh.

Cụ thể, tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An..., quả nhãn được thương lái đến mua tại vườn với giá chỉ từ 4.000 - 8.000 đồng/kg. Một số giống nhãn chất lượng tốt cũng giảm mạnh như: Nhãn giống Ido đang ở mức 14.000 - 15.000 đồng/kg, nhãn xuồng 29.000 - 30.000 đồng/kg.

Trong khi đó, cách đây hơn một tháng, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát trở lại, giá nhãn thường vẫn đạt mức 14.000 - 20.000 đồng/kg; riêng nhãn xuồng thu mua tại vườn cũng có mức 40.000 - 50.000 đồng/kg. Theo các chủ vườn trồng nhãn, với mức giá như hiện tại, mỗi nhà vườn thất thu hàng trăm triệu đồng.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng dầu, trái cây giảm mạnh; trong khi giá lúa gạo tăng cao

Tương tự, quả thanh long đang vào vụ thu hoạch chính cũng giảm giá đáng kể. Tại Long An, Đồng Nai..., giá thanh long được thương lái thu mua chỉ ở mức 3.000 - 5.000 đồng/kg. Theo các chủ vườn thanh long, cách đây hơn một tháng, khi dịch Covid-19 tạm lắng, giá thanh long cũng đạt 15.000 - 17.000 đồng/kg, người trồng còn có lãi; còn với mức giá như hiện nay chưa đủ chi phí ban đầu nên người trồng thanh long đang thua lỗ nặng.

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, giá nhãn và thanh long giảm mạnh do thị trường Trung Quốc - thị trường nhập khẩu nhãn, thanh long chính của Việt Nam đang tạm dừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu số lượng nhỏ do ảnh hưởng của Covid-19.

Trong khi đó, thanh long và nhãn đang vào vụ thu hoạch, sản lượng 2 loại cây ăn quả này năm nay cao nên cung vượt cầu. Đáng lo ngại, tại các tỉnh miền Bắc như: Sơn La, Hưng Yên đang bước vào thu hoạch nhãn, dự kiến giá tiếp tục giảm.

Đặc biệt mới đây, phía Trung Quốc đã thông báo dừng mua sản phẩm long nhãn của 3 doanh nghiệp tại khu vực thủ phủ nhãn lồng Hưng Yên. 

Để tháo gỡ cho quả nhãn, thanh long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường Trung Quốc, đồng thời đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia...