Tiêu thụ thủy sản: Gỡ rào cản trên... sân nhà

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với dân số khoảng 92 triệu người, cùng lượng du khách quốc tế hàng năm lên tới gần 10 triệu người, Việt Nam là thị trường tiêu thụ giàu tiềm năng đối với các mặt hàng thủy sản. Tuy nhiên, thực tế sản lượng tiêu thụ thủy sản trong nước chưa đạt kỳ vọng.

Không ít rào cản
Là DN đi đầu trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu (XK) thủy sản, trung bình mỗi năm, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agrifish) sản xuất gần 30.000 tấn thủy sản. Sản phẩm của Agrifish được XK sang nhiều nước châu Âu, châu Á, Mỹ… Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2.300 tấn thủy sản dành cho thị trường nội địa, phân phối qua các kênh siêu thị. Phó Tổng Giám đốc Võ Văn Phong cho biết, rào cản lớn nhất hiện nay đối với phát triển thị trường nội địa của Công ty nằm ở thị hiếu tiêu dùng. Người dân hiện chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn, đa số vẫn lựa chọn các mặt hàng tươi sống.

Người dân tham quan, mua sắm tại Hội chợ Cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam năm 2017. Ảnh: Lâm Nguyễn

Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), thị hiếu tiêu dùng là một trong những rào cản đối với phát triển thị trường tiêu thụ nội địa. Thu nhập của người dân còn thấp cũng ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận các sản phẩm chế biến sẵn (thường có giá thành cao hơn). Đồng thời, một số nguyên nhân chủ quan cũng đang khiến các cơ sở sản xuất chế biến thủy sản gặp khó trên đường tiếp cận với người tiêu dùng (NTD). Nổi cộm là công tác quản lý, giám sát vấn đề ATVSTP chồng chéo. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sản xuất hạn chế. Sản lượng khai thác thủy sản giảm khiến cạnh tranh nguyên liệu đầu vào tăng. Chất lượng sản phẩm còn thấp, thiếu ổn định. Năng lực quảng bá, tiếp thị yếu… Những khó khăn này khiến nhiều DN không thực sự mặn mà với thị trường nội địa. Điều đó thể hiện qua con số thống kê: Trong khi số DN chế biến thủy sản quy mô công nghiệp để XK lên tới 567 cơ sở, thì số DN chế biến thủy sản tiêu thụ trong nước chỉ là 140. Tổng giá trị ngành hàng thủy sản cũng có sự chênh lệch lớn giữa XK (trên 7 tỷ USD), so với khoảng 660 triệu USD tiêu thụ nội địa (số liệu năm 2016).

Đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ

Dù tiêu thụ thủy sản nội địa đang đối diện những khó khăn nhất định, tuy nhiên, số liệu thống kê của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho thấy, dư địa của thị trường này là rất lớn. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của người dân những năm qua tăng trung bình khoảng 5,7%/năm; sản lượng tiêu thụ hiện đang ở mức khá cao: 27kg/người/năm.

Theo TS Đào Trọng Hiếu - Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, để phát triển được thị trường tiêu thụ nội địa, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng thủy sản. Củng cố và phát triển tốt mạng lưới chợ, siêu thị, làng nghề thủy sản… Đồng thời, phát triển các hệ thống cung ứng cho từng mặt hàng theo nhu cầu, cả về địa lý và thu nhập.

Bên cạnh kiến nghị tăng cường các giải pháp hỗ trợ về vốn, thuế, đào tạo lao động…, một số DN trong lĩnh vực chế biến thủy sản cũng mong muốn, Nhà nước cần có chương trình truyền thông rộng rãi nhằm thay đổi tư duy, thị hiếu của NTD trong nước đối với các sản phẩm chế biến sẵn. Đồng thời, quan tâm, đầu tư phát triển hạ tầng chế biến thủy sản, tập trung vào phân khúc bình dân, trung lưu. Đẩy mạnh liên kết phân phối nội địa, đưa các sản phẩm thủy sản đến gần hơn với NTD trong nước.

Các DN cần chú trọng tạo dựng niềm tin đối với NTD thông qua quản lý tốt chất lượng hàng hóa. Cùng với cải tiến công nghệ, đa dạng hóa mẫu mã và chủng loại sản phẩm thủy sản, cần quan tâm tới bảo đảm ATVSTP...

Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Công Khôi