Tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua nhà

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Càng về cuối năm, tính chụp giật của đội ngũ nhân viên môi giới có dấu hiệu bùng phát trở lại. Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính cho rằng: “Có thể từ áp lực thưởng Tết, đào thải khắc nghiệt của nghề… song căn bản vẫn do thiếu đạo đức nghề nghiệp của số ít người ở bộ phận này”.

 Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính 
Câu chuyện khách hàng bị cò đất lừa vào mê cung khuyến mãi đang trở thành đề tài bàn luận sôi nổi. Tới khi, các khách hàng này xuống tiền đặt cọc, biết bị “hố” đã quá muộn. Ông nhận định như thế nào về thực tế này?
- Sàn giao dịch và môi giới BĐS ra đời là đáp ứng nhu cầu kết nối cung - cầu của thị trường. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ pháp luật và các nguyên tắc nghiệp vụ về thị trường, về sản phẩm, khách hàng… sẽ làm xuất hiện thị trường ảo, tạo nguy cơ bong bóng BĐS và gây rủi ro cao cho các nhà phân phối BĐS, tác động tiêu cực đến thị trường và rộng hơn là cả nền kinh tế. Hiện tượng các nhà môi giới BĐS gây náo loạn thị trường như dư luận phản ánh gần đây là có thực, nhưng chỉ là một góc thị trường và không phải tất cả. Bởi, thời gian qua, nhà môi giới chân chính chuyên nghiệp đã góp sức rất lớn vào việc giải phóng lượng lớn hàng tồn kho, đưa thị trường đi vào ổn định.

Ngoài ra, sự dễ dãi trong kiểm chứng thông tin của khách hàng là miếng mồi ngon để các nhân viên môi giới trục lợi. Bất cứ ngành nghề nào cũng tồn tại những đối tượng “lệch chuẩn”. Quan trọng nhất là sự tinh tường của người tiêu dùng. Với một căn hộ có giá từ hàng trăm triệu đồng đến tiền tỷ, khách hàng không nên dễ dàng đặt trọn niềm tin vào các mỹ từ của môi giới. Đến khi bút sa gà chết, tiền mất, tật mang.

VARS vừa đứng ra kết nối với các DN BĐS xây dựng chương trình “Tuần lễ vàng, săn nhà online, chiết khấu 30%”. Nhiều người lo ngại sự cấu kết giữa các nhân viên môi giới nhà đầu cơ “om” hàng, ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

- Chúng tôi cũng đã lường trước câu chuyện này nên đã đưa ra quy định, mỗi khách hàng (dù mua ở thật hay đầu tư thứ cấp) chỉ được mua tối đa 2 căn hộ. Cũng có nhiều ý kiến trái chiều về sự kiện này, tuy nhiên tôi cho rằng, phải đi vào thực tiễn mới thấy được điểm nào hạn chế, chỗ nào tích cực để sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, về mặt tích cực nhất, đây là kênh giao dịch, bán hàng, tương tác uy tín giữa người bán và người mua. Bởi, gần 30 sản phẩm được cung cấp trên website bán hàng đều được Hội kiểm chứng gắt gao về vấn đề pháp lý, mức giá, chiết khấu… trước khi đến tay người dùng.

Để hoạt động môi giới BĐS phát huy được tiềm năng vốn có và hạn chế những điều không lành mạnh, cần có chế tài đủ mạnh ra sao, thưa ông?

- Sau gần 3 năm Thông tư 11/2015/TT-BXD quy định hành lang pháp lý cụ thể cho nghề môi giới được ban hành, Hội đã hỗ trợ đào tạo và cấp chứng chỉ môi giới cho hàng chục nghìn hội viên. Bên cạnh đó, cũng mở văn phòng đại diện tại nhiều thị trường mới như Thanh Hóa, Vân Đồn, Phú Quốc, Thái Nguyên… nhằm cập nhật tình hình tại các địa phương, hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc thanh kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới.

Lượng hội viên hành nghề môi giới BĐS được cấp chứng chỉ tăng tương đối nhanh. Tuy nhiên, nếu so sánh với số lượng hàng trăm người đang hoạt động trong ngành này, còn quá ít. Do đó, cùng với việc lãnh đạo các sàn cần khắt khe hơn trong tuyển dụng, đào tạo, các cơ quan truyền thông, cấp quản lý cũng cần tích cực minh bạch hóa hoạt động môi giới, khuyến khích các môi giới chủ động trong việc tự cập nhật kiến thức, tham gia các lớp đào tạo và thi cấp chứng chỉ.

Về phần người mua nhà nên tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị môi giới và chủ đầu tư. Sau đó, nên thẩm định lại thông tin kỹ lưỡng rồi mới đưa ra quyết định giao dịch. Việc tham khảo giá ở những dự án tương đương cũng nên được người mua nhà chú trọng để có thể kiểm chứng và so sánh với những khuyến mãi thổi phồng sai sự thật.

Xin cảm ơn ông!