Tìm hướng phát triển du lịch Quảng Ngãi

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Dù đã có nhiều cải thiện nhưng du lịch Quảng Ngãi vẫn chưa có sự đột phá về sản phẩm, khả năng thu hút du khách vẫn còn hạn chế so với các tỉnh lân cận.

Chiều 5/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị  triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch; du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới năm 2024.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Hội nghị được tổ chức nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch. Đồng thời, phân tích những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế; khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân chủ quan, khách quan; xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và đề ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.

Sau đại dịch Covid-19, du lịch Quảng Ngãi dần hồi phục và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Riêng trong năm 2023, Quảng Ngãi đón hơn 1 triệu lượt khách, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước và đạt 149% kế hoạch năm. Doanh thu đạt 1.018 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước và đạt 113% kế hoạch năm.

Du khách tham quan Bàu Cá Cái (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).
Du khách tham quan Bàu Cá Cái (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Dù vậy, theo các đại biểu tham dự hội nghị, du lịch Quảng Ngãi vẫn chưa có sự đột phá mới về sản phẩm cũng như cải thiện chất dịch vụ, khả năng thu hút khách du lịch của tỉnh vẫn còn hạn chế so với các tỉnh lân cận.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như: thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa triển khai các dự án du lịch động lực góp phần thúc đẩy du lịch phát triển và thu hút các dự án khác; hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất du lịch như khách sạn, nhà hàng vẫn còn hạn chế tại một số điểm đến, làm giảm trải nghiệm du lịch của khách hàng.

Thời gian qua, du lịch Quảng Ngãi chú trọng 3 dòng sản phẩm chủ đạo gồm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ du lịch còn yếu chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa có sản phẩm đặc trưng, các sản phẩm thế mạnh vẫn ở dạng tiềm năng, chưa phát huy hết nguồn lực vốn có. 

Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là một quá trình cần nhiều thời gian để thực hiện, đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần thay đổi nhận thức về làm du lịch.

“Phát triển du lịch là để làm kinh tế và cần thay đổi nhận thức về làm du lịch, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chứ không riêng gì của ngành văn hóa- thể thao, du lịch”, ông Dũng nói.

Năm 2024, Sở VH-TT&DL sẽ tổ chức nhiều sự kiện đặc sắc. Đặc biệt, trong tháng 4 - 5/2024 có Tuần lễ VH-TT&DL; hội thảo phát triển du lịch các vịnh, đảo đẹp nhất châu Á tại huyện Lý Sơn; giải đua thuyền buồm quốc tế và ván chèo đứng tại biển Mỹ Khê (TP Quảng Ngãi); giải vô địch dù lượn quốc tế và lễ hội khinh khí cầu “Bay lên Lý Sơn” tại Lý Sơn...

Đây là cơ hội để Quảng Ngãi quảng bá sâu rộng lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ngãi cũng như tiềm năng du lịch, nhằm đưa hình ảnh Quảng Ngãi đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước, để thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Sở VH-TT&DL tiến hành bàn giao 2 mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
Sở VH-TT&DL tiến hành bàn giao 2 mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.

Tại hội nghị, Sở VH-TT&DL tiến hành bàn giao 2 mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn (An Khê, Sơn Mỹ) và ký kết kế hoạch phối hợp triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch trong năm 2024 giữa Sở VH-TT&DL và một số địa phương.