Tín dụng ưu đãi kích thích đầu tư cho sản xuất

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, Hà Nội đã chủ động tạo lập nguồn vốn tín dụng chính sách đặc thù từ ngân sách địa phương để bổ sung vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội (CSXH).

Hầu hết các quận, huyện đã dành vốn ủy thác cho vay
Cuối năm 2014, Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành Chỉ thị 40-CT/TW, trong đó yêu cầu các tỉnh, thành có chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia dành một phần ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng CSXH. Thực hiện Chỉ thị, Thành ủy, UBND TP, các quận, huyện… đã quan tâm, bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn với tổng số tiền chuyển sang Ngân hàng CSXH Hà Nội tăng 450 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ TP tăng 295 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách quận, huyện và các cấp chính quyền tăng 52,5 tỷ đồng.

Giải ngân vốn chính sách cho hộ nghèo trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Nha Trang

Ông Nguyễn Kim Phung - Giám đốc Ngân hàng CSXH TP Hà Nội cho biết, nhờ sự phối hợp tích cực của các sở, ngành cùng với việc chỉ đạo xuyên suốt liên tục của chính quyền các cấp, sự kiên trì nỗ lực của Ngân hàng CSXH, tính đến hết năm 2016, nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay các chương trình tín dụng chính sách đã đạt trên 1.400 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách TP và các quận, huyện, thị xã chuyển 326,7 tỷ đồng, vốn từ Ủy ban MTTQ TP các cấp chuyển hơn 1 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn, hệ thống Ngân hàng CSXH TP Hà Nội giải ngân cho vay được 88.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Trong đó, có trên 14.000 lượt hộ nghèo, hơn 10.000 lượt hộ cận nghèo, trên 13.000 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn, thu hút và tạo việc làm cho 25.000 lao động và cho trên 3.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn.
Mong có thêm nguồn vốn    
Nguồn vốn cho vay tuy cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn T.Ư. Song nhu cầu vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn địa phương giai đoạn 2016 - 2020 và vay vốn giải quyết việc làm của người khuyết tật, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại các làng nghề, hội viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, HTX khu vực nông nghiệp nông thôn… còn lớn. Như tại Gia Lâm, nguồn ngân sách huyện dành cho chương trình đạt 5.530 tỷ đồng. “Từ khi có Chỉ thị 40, Bí thư Huyện ủy đã đề xuất huyện bổ sung nguồn vốn ủy thác từ 300 triệu lên 500 triệu đồng. Song hàng năm nhu cầu giải quyết cho 8.000 việc làm, do đó nhu cầu vay vốn rất cao. Đơn cử như xã Yên Viên (Gia Lâm) đang triển khai mô hình trồng rau an toàn. Rau an toàn của xã cũng đã được đưa vào các sàn giao dịch nông sản an toàn của TP, nhờ đó thu nhập của người dân đã tăng lên, nhu cầu vay cũng rất lớn” - ông Đặng Văn Lâm - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Gia Lâm chia sẻ.
Tại huyện Mê Linh, đến nay, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách huyện đạt 1,5 tỷ đồng. Trong năm 2016, UBND huyện đã chuyển sang 500 triệu đồng để thực hiện cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn. Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh chất lượng cao. Trong số đó cây hoa hồng đang trở thành loại hoa thương hiệu của Mê Linh. Song “do nguồn vốn chính sách hạn hẹp nên xã chỉ giải quyết cho vay rải đều, ai cũng có nhưng không nhiều, mức vay khoảng 15 - 20 triệu đồng/hộ” - Chủ tịch Hội Phụ nữ thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh Nguyễn Hồng Thúy bày tỏ. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng tiêu dùng, nguyên liệu sản xuất ngày một tăng, chị Thúy kiến nghị cần có thêm khoảng thời gian vay dài hơn hoặc tăng vốn để người vay có thể tiếp tục hưởng ưu đãi, tập trung phát triển các mô hình trồng hoa chất lượng cao kết hợp chú trọng nâng cao năng suất chất lượng bằng áp dụng khoa học kỹ thuật.