Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 - 21/5/2023)

Tính đường dài phát triển bền vững rừng Hà Nội

Ánh Ngọc Thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp, tiến tới cắm mốc giới, quy hoạch phát triển các loại rừng theo đúng chức năng, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng là giải pháp quan trọng để Hà Nội phát triển rừng bền vững.

Đó là chia sẻ của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên với báo Kinh tế & Đô thị nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 - 21/5/2023).

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên

Cán bộ công chức kiểm lâm vững chuyên môn, giàu bản lĩnh

Trong 50 năm xây dựng và phát triển, ngành Kiểm lâm Hà Nội đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ông có thể cho biết, yếu tố cốt lõi nào tạo nên thành tựu của chặng đường này?

- Đó là yếu tố con người. Trong 50 năm qua, đội ngũ cán bộ công chức Kiểm lâm Hà Nội không ngừng được kiện toàn và phát triển. Lực lượng Kiểm lâm luôn được Chính phủ, Bộ NN&PTNT, UBND TP và Sở NN&PTNT Hà Nội quan tâm kiện toàn. Phần lớn cán bộ công chức Kiểm lâm Hà Nội có trình độ Đại học và trên Đại học (chiếm 90%), độ đồng đều về trình độ khá cao. Hàng năm, Chi cục đều triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kiến thức pháp luật cho cán bộ công chức đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về quản lý bảo vệ rừng, quản lý kinh doanh chế biến lâm sản và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trong tình hình mới.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm Hà Nội kiểm tra hiện trạng rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm Hà Nội
kiểm tra hiện trạng rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn

Ngành Kiểm lâm mang tính chất đặc thù, đòi hỏi người cán bộ công chức kiểm lâm hội tụ nhiếu yếu tố. Đó là không chỉ am hiểu chuyên môn về lâm nghiệp cần phải có trình độ luật học, có sức khỏe, kỹ năng giao tiếp, dân vận, tuyên truyền, điều tra… nhất là bản lĩnh vững vàng. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Kiểm lâm cần mang tính chiến lược để có được những kiểm lâm viên có kỹ năng quốc tế, kỹ thuật cao về nhiệm vụ đặc thù của ngành, đáp ứng yêu cầu hội nhập, chuyển đổi số của đất nước.

 

Tổng số cán bộ công chức, người lao động của Kiểm lâm Hà Nội hiện nay là 191 người. Chi cục đã sắp xếp bộ máy theo Quyết định số 1936/QĐ-UBND về việc quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội thuộc Sở NN& PTNT Hà Nội. Bộ máy tổ chức gồm 5 phòng chuyên môn, 14 đơn vị hành chính trực thuộc (10 Hạt Kiểm lâm; 3 Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR; 1 Trạm Kỹ thuật dự báo PCCCR). 

Nhờ đảm bảo yếu tố con người mà ngành Kiểm lâm Hà Nội luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó. Điều đáng ghi nhận là Chi cục đã bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên (gần 10.000ha) của TP không bị xâm hại, chặt phá; hoạt động của các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, làng nghề chế biến gỗ từng bước đi vào quy củ, nề nếp.

Sớm tháo gỡ những bất cập trong quản lý rừng và đất lâm nghiệp

Theo ông những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp của Hà Nội hiện nay là gì?

- Đối với quản lý rừng thì khó khăn nhất là thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng, hanh khô thường kéo dài dễ xảy ra cháy rừng. Đáng nói, diện tích rừng trên địa bàn TP với gần 20.000ha là rừng trồng, có thảm thực bì khá dày, nhiều khu vực có thảm thực bì cao đến hơn 1m. Trong khi đó, lượng người vào rừng hiện nay với số lượng khá đông chủ yếu là khách du lịch, song ý thức bảo vệ, phòng cháy rừng rất kém.

Đối với quản lý đất lâm nghiệp, bất cập nhất của Hà Nội là tình trạng giao đất không gắn với giao rừng. Đặc biệt là rừng sản xuất theo phân cấp do các huyện quản lý đang thực hiện manh mún và không rõ ràng. Nhiều hộ gia đình được giao đất không rõ ràng, chỉ là thực hiện giao khoán đất theo các Nghị định 01, 02 của Chính phủ từ những năm 1990, 1991. Việc giao đất, giao rừng không tuân thủ theo Luật Lâm nghiệp hiện hành là nguồn cơn dẫn tới các hộ được giao đất, giao rừng sử dụng không đúng mục đích và phát sinh những sai phạm. Đáng nói, một số huyện lại chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang một mục đích khác trái quy định dẫn đến hệ quả xảy ra sai phạm trong công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp.

Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu, đề xuất giải pháp nào đối với Sở NN&PTNT, UBND TP khắc phục, giải quyết bất cập nói trên, thưa ông?

- Chi cục đã tham mưu cho Sở NN&PTNT đề xuất UBND TP ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 18/2/2022 về thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch là giao cho 7 huyện, thị xã có rừng tiến hành rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp (dự kiến trong quý II/2023 sẽ rà soát xong). Sau khi có kết quả rà soát, căn cứ vào quy hoạch chung của TP, các thẩm quyền phê duyệt sẽ điều chỉnh tích hợp cho phù hợp với quy hoạch chung về rừng và đất lâm nghiệp. Tiếp đến sẽ tiến hành cắm mốc để phân biệt giữa đất lâm nghiệp với các loại đất khác và phân biệt mốc giới 3 loại rừng (sản xuất, đặc dụng, phòng hộ) để từ đó làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

Phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ, phát triển rừng

Quan điểm của ông như thế nào khi du lịch sinh thái gắn với bảo vệ phát triển rừng bền vững đang là xu thế phát triển? Nếu đi theo con đường này, các địa phương có rừng của Hà Nội nên bắt tay vào thực hiện ra sao, thưa ông?

- Theo tôi, phát triển du lịch sinh thái là phù hợp nhất để Hà Nội phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng. Đây là mô hình đảm bảo các yếu tố phát triển lâu dài và bền vững nhất. Vì chính những tổ chức, DN đầu tư phát triển du lịch sinh thái sẽ có trách nhiệm và tự giác trồng thêm rừng. Chỉ có điều trong công tác quản lý cần lưu ý tổ chức, DN hạn chế việc trồng cây ngoại lai, tránh tác động đến đa dạng sinh học hiện có.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm Hà Nội kiểm tra hoạt động chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Thường Tín
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm Hà Nội kiểm tra hoạt động chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Thường Tín

Mặt khác Luật Lâm nghiệp cho phép quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp được xây dựng các phân khu về du lịch sinh thái kết hợp với bảo vệ, phát triển rừng bền vững, phát triển kinh tế dưới tán rừng. Các huyện, thị xã, khi nắm bắt được nhu cầu của các tổ chức, DN muốn tham gia đầu tư du lịch sinh thái thì địa phương phải nhanh nhạy, kịp thời về công tác quản lý; lập ngay dự án về khu sinh thái là cơ sở để địa phương cho các tổ chức, DN thuê dịch vụ môi trường rừng. Khi đã xác định rõ rừng và đất lâm nghiệp, các địa phương có rừng theo phân cấp cần lập đề án phù hợp với hiện trạng thực tế.

Đâu là giải pháp để thu hút các tổ chức, DN đầu tư phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ, phát triển rừng bền vững, thưa ông?

- Phát triển du lịch sinh thái đem lại nhiều lợi ích về nhiều mặt: Vừa phát triển, bảo vệ rừng bền vững, vừa tạo thêm việc làm cho người lao động, vừa đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Thực tế, trên địa bàn TP có một số tổ chức, cá nhân phát triển mô hình du lịch sinh thái nhưng đa phần vẫn là tự phát, Nhà nước chỉ thu được thuế, phí từ bán vé, kinh doanh dịch vụ còn thuế thuê môi trường rừng thì hầu như chưa thu được. Do đó, thời gian tới, TP cũng như ngành du lịch Hà Nội cần quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

Điều quan trọng nhất là phải có quy hoạch tổng thể các diện tích lâm nghiệp để phân định rõ những khu nào là khu có thể phát triển khu sinh thái được? Sau khi các địa phương xây dựng đề án phát triển khu sinh thái, TP sẽ phê duyệt đề án chung, tiếp đó mới thu hút được tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để phát triển du lịch, làm như vậy Nhà nước mới quản lý bài bản, chặt chẽ được.

Xin trân trọng cảm ơn ông!