Tình hình trật tự, ATGT Tết Kỷ Hợi 2019: Hiệu quả từ giải pháp chiến lược

Quý Nguyễn - Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một giải pháp tổng thể với hàng loạt biện pháp mạnh tay, quyết liệt và mang tầm nhìn chiến lược đã được triển khai.

Thành quả mang lại gần như ngay lập tức khi công tác đảm bảo trật tự ATGT trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 có những tín hiệu rất tích cực, cả về mặt kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) cũng như ùn tắc giao thông (UTGT).
Kéo giảm tai nạn, hạn chế ùn tắc

Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019 kéo dài 9 ngày, cả nước xảy ra 276 vụ TNGT làm chết 183 người, bị thương 241 người. Trung bình, số người chết trong 9 ngày nghỉ Tết là 20 người/ngày, giảm 8 người chết/ngày (giảm 28%) so với bình quân số người chết trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Đặc biệt, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi đã được hạn chế tối đa khi trong 9 ngày nghỉ, cả nước chỉ xảy ra duy nhất một vụ ở Thanh Hóa khiến 3 người chết và 5 người bị thương. Rõ ràng đây là những con số thống kê rất đáng khích lệ khi đặt trong bối cảnh TNGT vẫn khá nhức nhối trong những năm gần đây, nhất là thời điểm ngay trước kỳ nghỉ Tết.
Ùn tắc giao thông chỉ diễn ra cục bộ tại các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô. Ảnh: Quý Nguyễn
Cùng với TNGT, tình trạng UTGT trong kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi cũng có những tín hiệu rất lạc quan. Theo kết quả thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 9 ngày nghỉ Tết, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và những TP lớn về cơ bản không xảy ra UTGT kéo dài. Tình trạng ùn ứ cục bộ chỉ xảy ra tại một số tuyến phố qua khu vực bắn pháo hoa, các đền, chùa do người dân đi lễ đầu năm.

Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, lực lượng CSGT và công an các địa phương tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, phát hiện, xử lý 21.343 vụ vi phạm trật tự ATGT đường bộ, phạt tiền trên 12,267 tỷ đồng, giữ 3.935 phương tiện và 2.901 giấy tờ các loại, tước 385 giấy phép lái xe. Kiểm soát trật tự ATGT đường thủy; phát hiện, xử lý 537 trường hợp vi phạm, phạt tiền 476.500.000 đồng.

Tại TP Hà Nội, vào hai ngày đầu và cuối kỳ nghỉ lễ, các tuyến đường trục chính ra vào TP như Nguyễn Trãi, Xuân Thủy - Cầu Giấy, Lê Văn Lương, Giải Phóng, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng, Huỳnh Thúc Kháng, Bưởi… mật độ phương tiện rất đông nên xảy ra hiện tượng ùn tắc kéo dài, đặc biệt tại các tuyến đường xung quanh khu vực các bến xe. Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, các tuyến giao thông kết nối TP với các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Bắc xảy ra ùn tắc cục bộ. Tại một số trạm thu phí trên quốc lộ (QL) và đường cao tốc vào các ngày 2/2, ngày 8/2 xảy ra UTGT cục bộ do lượng phương tiện tăng đột biến. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo xử lý mở barie (không thu phí), tăng cường nhân viên bán, thu vé, chuẩn bị sẵn tiền lẻ để thanh toán nên đã được kịp thời giải tỏa thông suốt. So sánh với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán các năm gần đây, tình trạng UTGT trong kỳ nghỉ Tết năm nay đã được hạn chế đáng kể góp phần giúp người dân du Xuân an toàn, thông thoáng.

Hà Nội phá “dớp” ùn tắc dịp Tết

Khác với nhiều kỳ nghỉ lễ, Tết trước đây, dịp Tết Kỷ Hợi, Hà Nội đã không còn UTGT kéo dài. Tại một số tuyến đường, nút giao trọng yếu, trong thời điểm nhất định vẫn còn ùn ứ giao thông nhưng được giải tỏa khá nhanh. Ghi nhận trên những tuyến đường "có tiếng" UTGT của Hà Nội dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua cho thấy tình hình giao thông đã được cải thiện rõ nét. Thời điểm trước, trong và sau Tết dù mật độ giao thông rất cao nhưng không xảy ra ùn tắc kéo dài. Một số thời điểm Vành đai 3, cả trên cao lẫn dưới thấp; đường Giải Phóng; QL1 cũ; Vành đai 2... phương tiện lưu thông khá khó khăn. Tuy nhiên không xảy ra UTGT kéo dài, gây bức xúc cho người dân như mọi năm. Cả dịp Tết chỉ có tuyến cao tốc Pháp Vân xảy ra UTGT nhưng là do chịu ảnh hưởng từ các địa bàn ngoài khu vực Thủ đô.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhận định, do triển khai hiệu quả một số giải pháp nên tình trạng UTGT dịp Tết vừa qua đã được cải thiện rõ rệt. Ví dụ như việc phân bổ lịch nghỉ Tết sớm đối với học sinh, sinh viên; có phương án tổ chức và ứng trực giao thông tốt; mở rộng hạ tầng nhiều đoạn tuyến quan trọng trên Vành đai 2 và 3; QL32... đã có tác dụng rất tích cực. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng TP như CSGT, Thanh tra GTVT... đã căng hết sức đảm bảo tốt trật tự, ATGT cho Thủ đô.

Đặc biệt, tình hình giao thông Tết đã được lãnh đạo TP, Sở GTVT, Công an TP và các địa phương quan tâm, đôn đốc sát sao. Những ngày cận Tết, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã trực tiếp kiểm tra công tác đảm bảo giao thông cũng như phục vụ Nhân dân đi lại tại các bến xe lớn. Tiếp đó, ngay những ngày đầu năm mới, dự Lễ ra quân ATGT năm Kỷ Hợi do Phòng CSGT, Công An TP tổ chức, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao nhiệm vụ rõ ràng, yêu cầu lực lượng chức năng quyết liệt xử lý vi phạm, đảm bảo tốt trật tự, ATGT trên địa bàn Thủ đô ngay từ những thời khắc đầu tiên của Xuân mới.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực đạt được, vẫn còn không ít nỗi lo thường trực đối với giao thông Hà Nội, đặc biệt là dịp lễ, Tết. Trong đó đáng nói nhất là việc thiếu chế tài, công cụ quản lý khiến xe khách "trá hình" ngày càng len lỏi sâu vào ngóc ngách, đường phố của Hà Nội, gây cản trở giao thông. Đây cũng là nguyên do khiến các bến xe của Hà Nội ngày càng trở nên thưa vắng.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Đánh giá về công tác đảm bảo trật tự ATGT trong 9 ngày tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, nhìn chung tình hình trật tự ATGT trên toàn quốc được duy trì ổn định; bình quân tai nạn giao thông/ngày giảm cả 3 tiêu chí so với kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 2018. Đặc biệt, cả kỳ nghỉ Tết không xảy ra TNGT đường thủy; UTGT kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính đã được hạn chế đáng kể. “Năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết. Việc cải tiến phương thức bán vé tạo thuận tiện cho hành khách, giảm áp lực cho hành khách khi mua vé. Tình hình an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định” – ông Khuất Việt Hùng nhận định.

Để đạt được kết quả trên là nhờ có sự chỉ đạo sớm, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng như bộ, ngành, các địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT - TTXH dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đặc biệt với những giải pháp tổng thể, quyết liệt mang tầm nhìn chiến lược đảm bảo trật tự ATGT đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước kỳ nghỉ Tết. Tiêu biểu như Công điện 1793/CĐ-TTg ngày 13/12/2018 về bảo đảm trật tự, ATGT trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân 2019 của Thủ tướng Chính phủ; Văn bản số 29/UBATGTQG ngày 22/01/2019 gửi Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban ATGT tỉnh, TP trực thuộc T.Ư về việc triển khai những nhiệm vụ cấp bách bảo đảm trật tự ATGT dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 của Ủy ban ATGT Quốc gia...

Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ Công an, công an các địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, sớm xây dựng kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Lễ hội Xuân 2019; bố trí ứng trực 100% quân số, phương tiện và có phương án tuần tra kiểm soát trong dịp Tết. Đặc biệt là thực hiện hiệu quả đợt cao điểm của lực lượng CSGT tổng kiểm soát xe ô tô từ 8 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô vận tải hàng hóa bảo đảm trật tự ATGT - TTXH dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tập trung vào các vi phạm là nguyên nhân gây TNGT nhất là nồng độ cồn và ma túy, chất kích thích...