Tổ hợp “lạ” trong tuyển sinh: Lo ngại chất lượng đào tạo

Nhi Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều trường (ĐH) phía Nam công bố đề án tuyển sinh (TS) các ngành với những tổ hợp môn không phù hợp để xét tuyển hoặc tổ hợp môn "lạ" chưa từng thấy khiến dư luận bất ngờ. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc “xé rào” trong TS này sẽ gây ra những hệ quả về chất lượng đào tạo, nhân lực.

Những tổ hợp gây “sốc”
Theo Quy chế tuyển sinh ĐH và cao đẳng, năm nay, các trường được tự xác định chỉ tiêu TS, trừ ngành đào tạo giáo viên. Vì được tự chủ, nhiều trường đã bổ sung phương thức, tổ hợp môn xét tuyển mới để thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn ngành nghề. Thế nhưng, lại xuất hiện những nghịch lý, đó là khối các ngành kế toán, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, kỹ thuật... được xét tuyển bằng tổ hợp môn khoa học xã hội, hay các ngành thuộc lĩnh vực xã hội lại tuyển sinh bằng tổ hợp môn khoa học tự nhiên. Một số trường tuyển ngành kiến trúc bằng các tổ hợp không có môn năng khiếu hay công nghệ sinh học nhưng không có môn Sinh.
 Sinh viên thực hành tại Trung tâm nghiên cứu Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Cụ thể, trường ĐH Công nghệ Đồng Nai "gây sốc" khi dùng tổ hợp Văn - Sử - Địa, Văn - Sử - Giáo dục công dân xét tuyển các ngành công nghệ như kỹ thuật ô tô, điện - điện tử, chế tạo máy, kỹ thuật xây dựng, công nghệ thông tin. Trường ĐH Hùng Vương TP Hồ Chí Minh, ĐH Thái Bình Dương, ĐH Nam Cần Thơ sử dụng tổ hợp Văn - Sử - Địa và Văn - Sử - Giáo dục công dân để TS các ngành kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng. Trường ĐH Đông Đô dùng tổ hợp Văn - Sử - Địa để TS các ngành như ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung, điều dưỡng. Trường ĐH Bình Dương lại TS ngành văn học bằng tổ hợp Toán - Lý - Hóa!

Mất nhiều hơn được

Những tréo ngoe trong cách TS như trên là bởi nhiều trường có chất lượng đào tạo thấp, đứng trước nguy cơ giải thể nên đã tìm cách “vơ bèo vạt tép” để “lùa” được thí sinh vào học. Nhiều chuyên gia lo ngại, với việc mở rộng xét tuyển quá đà này, rất khó để sinh viên học tốt và hoàn thành được chuẩn đầu ra. Việc lạm dụng TS như vậy nếu không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến uy tín của các trường.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, khi các trường TS đầu vào không gắn với chuyên ngành đào tạo, sinh viên khó có thể học tốt. Như vậy, nhà trường khó có thể đào tạo được nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, nếu tổ hợp môn xét tuyển trái với ngành nghề đào tạo thì sẽ không đánh giá được học sinh ấy có nền tảng để học tốt ngành học hay không. Điều này gây rủi ro rất lớn cho thí sinh.

Còn theo TS Vũ Thu Hương - giảng viên Khoa Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện nhiều trường cố gắng bằng mọi cách để tuyển đủ chỉ tiêu, còn chưa quan tâm đến hậu đào tạo, đó là tương lai, việc làm của sinh viên khi ra trường. Nếu chỉ lo đầu vào, không quan tâm đến đầu ra, sinh viên thất nghiệp nhiều, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nhà trường.

Trước vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) phân tích, nếu trường ĐH tự xác định những tổ hợp môn thi không liên quan thì trường sẽ "mất nhiều hơn được”. Trước hết, dư luận xã hội nghi ngờ và đánh giá thấp những trường đó. Quan trọng hơn là chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường sẽ bị giảm sút khi thấy trường TS bằng cách “vơ bèo vạt tép". Nếu điều đó cứ tiếp diễn thì đó sẽ là quá trình “tự sát” vì trong điều kiện thông tin minh bạch như hiện nay, khó có thể “vàng thau lẫn lộn".

Bộ GD&ĐT sẽ theo dõi sát sao tình hình, nếu thấy những tổ hợp quá bất thường, Bộ sẽ trao đổi, yêu cầu nhà trường giải trình. Nếu các trường không thể cung cấp căn cứ thuyết phục, Bộ sẽ lựa chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực này để kiểm tra, thanh tra về các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định trong TS, đào tạo, về đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp. Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo, nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm, thậm chí dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT)