Tọa đàm, tư vấn pháp luật trực tuyến “Để hiểu rõ hơn những quy định mới của Luật Cư trú 2020”

Kinh Tế Đô Thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/12, tại Hà Nội, báo Kinh tế&Đô thị đã tổ chức buổi giao lưu tọa đàm trực tuyến “Để hiểu rõ hơn những quy định mới của Luật cư trú 2020”.

Từ ngày 01/7, Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực thi hành với một số điểm mới, bổ sung nhiều quy định để người dân thuận lợi hơn trong việc đăng ký thường trú, tạm trú, ưu tiên việc quản lý cư trú thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó, Luật Cư trú 2020 quy định việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú. So với các luật trước đây, Luật Cư trú 2020 có nhiều quy định mới.

Trong đó, nổi bật nhất là quy định về việc thay đổi phương thức quản lý cư trú từ truyền thống sang quản lý bằng số hóa, thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về cư trú và số định danh cá nhân, không cấp mới Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Từ ngày 01/7/2021, cũng không còn phân biệt điều kiện được đăng ký thường trú giữa thành phố trực thuộc trung ương hay các tỉnh khác so với quy định trước đây. Từ đó, người dân dễ dàng nhập khẩu tại TP Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh hơn trước đây rất nhiều.

Để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng hơn, hiểu rõ hơn về những quy định mới trong Luật cư trú 2020 và các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này, hôm nay, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm – tư vấn pháp luật trực tuyến với độc giả báo Kinh tế & Đô thị tại địa chỉ https://kinhtedothi.vn với chủ đề: “Để hiểu rõ hơn về những quy định mới của Luật Cư trú 2020”

Tham dự buổi tọa đàm – tư vấn pháp luật trực tuyến hôm nay có:

Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội

Luật sư Nguyễn Quốc Việt

Luật gia Phạm Thu Hương

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế&Đô thị Nguyễn Anh Đức trân trọng gửi lời cảm ơn đến các vị khách mời và Hội Luật gia TP Hà Nội trong suốt những năm qua đã đồng hành, hỗ trợ báo Kinh tế&Đô thị trong công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật.

Đồng thời mong muốn, Hội Luật gia TP Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để mở rộng thêm phạm vi tuyên truyền các văn bản luật, nhất là văn bản luật mới gắn liền với đời sống dân sinh, quyền dân sự để bạn đọc có cơ hội tiếp cận, hiểu sâu hơn về các thông tin văn bản, quy định của TP và Trung ương. Rất mong buổi giao lưu trực tuyến hôm nay, các vị khách sẽ giải đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về những quy định mới trong Luật Cư trú 2020 của bạn đọc cả nước và Hà Nội, đặc biệt là những quy định liên quan đến quyền dân sự của người dân về quyền cư trú.

KHÁCH MỜI THAM DỰ
  • Tọa đàm, tư vấn pháp luật trực tuyến “Để hiểu rõ hơn những quy định mới của Luật Cư trú 2020” - Ảnh 1

    Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội

    Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến

  • Tọa đàm, tư vấn pháp luật trực tuyến “Để hiểu rõ hơn những quy định mới của Luật Cư trú 2020” - Ảnh 2

    Luật gia

    Bà Phạm Thu Hương

  • Tọa đàm, tư vấn pháp luật trực tuyến “Để hiểu rõ hơn những quy định mới của Luật Cư trú 2020” - Ảnh 3

    Luật sư

    Ông Nguyễn Quốc Việt

Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Đặng Như Mai (quận Long Biên) hỏi:
Ông/bà có thể cho biết những nội dung cơ bản và một số điểm mới của Luật Cư trú năm 2020?
Tọa đàm, tư vấn pháp luật trực tuyến “Để hiểu rõ hơn những quy định mới của Luật Cư trú 2020” - Ảnh 4
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:
Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cư trú năm 2020 với 93,15% đại biểu tán thành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Theo đó, Luật Cư trú năm 2020 cơ bản kế thừa quy định của Luật hiện hành, đồng thời sửa đổi, bãi bỏ và làm rõ hơn các quy định trước đây nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân; góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú mà trọng tâm là xây dựng, quản lý cư trú qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Luật Cư trú năm 2020 gồm 07 chương 38 điều, quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.
Sau đây tôi xin điểm 8 nội dung mới nổi bật của Luật Cư trú năm 2020:
1/ Chính thức bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vào cuối năm 2022
Theo đó, kể từ ngày 01/07/2021, Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.
Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
2/ Bỏ điều kiện riêng khi nhập khẩu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh
Một trong những quy định khác là Luật cư trú 2020 đã xóa điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương. Theo quy định này thì công dân nhập khẩu vào các thành phố trực thuộc trung ương cũng giống như nhập khẩu vào các tỉnh khác, không hề phân biệt và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Theo quy định tại Điều 20 Luật cư trú 2020 về điều kiện đăng ký thường trú thì:
- Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.
- Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:
+ Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
+ Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;
+ Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.
Quy định này nhằm tạo bình đẳng cho tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Đây là cũng là tin vui cho những người đang sinh sống và làm việc lâu năm mong muốn có hộ khẩu tại 02 thành phố lớn của cả nước đó là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
3/ Diện tích nhà thuê ít nhất 8m2/người được đăng ký thường trú
Theo quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 20 Luật cư trú 2020 thì:
"3. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
....
b) Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08 m2 sàn/người."
Quy định diện tích nhà ở tối thiểu 08m2 sàn mỗi người nhằm bảo đảm điều kiện sống cho người dân và phù hợp với điều kiện của đa số tỉnh, thành. Hiện hành không có quy định về diện tích tối thiếu được đăng ký thường trú.
Đồng thời, người này phải được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó.
Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
- Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.
4/ Giảm thời gian giải quyết đăng ký thường trú
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 22 Luật cư trú 2020 về thủ tục đăng ký thường trú:
"3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do."
Hiện hành, thời gian đăng ký thường trú 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Người có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú. (Khoản 3 Điều 21 Luật Cư trú 2006)
Việc bãi bỏ sổ hộ khẩu đã giảm thời gian đăng ký thường trú cho người dân từ 15 ngày xuống còn 07 ngày.
5/ Quản lý công dân bằng thông tin trên Cơ sở dữ liệu về dân cư
Tại Khoản 3 Điều 2 Luật cư trú 2020 quy định: Cơ sở dữ liệu về cư trú là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về cư trú của công dân, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin, được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật.
Tại Khoản 4 Điều 3 Luật cư trú 2020 quy định: Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú.
Như vậy, từ ngày 01/7/2020 thông tin cư trú phải được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
6. Thêm hành vi bị nghiêm cấm về cư trú
Theo quy định tại Điều 7 Luật Cư trú 2020 thêm các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú gồm:
- Không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đăng ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác; không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định của pháp luật (hiện hành không có quy định này).
- Làm giả giấy tờ, tài liệu, dữ liệu về cư trú; sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú; cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú; khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, tài liệu để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; thuê, cho thuê, mua, bán, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại giấy tờ, tài liệu về cư trú.
(Hiện hành Khoản 1 Điều 1 Luật Cư trú sửa đổi 2013 quy định cấm thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác có liên quan đến cư trú; sử dụng giấy tờ giả về cư trú; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú; giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú).
- Truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú (hiện hành không có quy định này).
7. 05 địa điểm không được đăng ký thường trú mới từ 1/7/2020
1. Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.
2. Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.
3. Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.
4. Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
5. Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
8. Thêm 6 trường hợp bị xóa đăng ký thường trú từ 01/7/2020
Tại Khoản 1 Điều 24 Luật cư trú 2020 thì Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký thường trú:
- Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;
- Ra nước ngoài để định cư.
Bạn đọc Vũ Văn Hải (Quận Cầu Giấy) hỏi:

Theo quy định của Luật Cư trú, trường hợp thế nào sẽ bị xóa đăng ký tạm trú?

Tọa đàm, tư vấn pháp luật trực tuyến “Để hiểu rõ hơn những quy định mới của Luật Cư trú 2020” - Ảnh 6
Bà Phạm Thu Hương trả lời:

Theo quy định tại Điều 29 Luật Cư trú năm 2020 thì người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xoá đăng ký tạm trú:

1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký tạm trú:

Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký thường trú:

a) Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;

b) Ra nước ngoài để định cư;

c) Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú quy định;

d) Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

 Luật gia Phạm Thu Hương trả lời câu hỏi của độc giả.

đ) Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

e) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này;

g) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản này;

h) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;

i) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

Theo Thông tư 55/2021/TT-BCA, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

 

 

 

Bạn đọc Nguyễn Nhật Anh (Quận Đống Đa) hỏi:

Sổ hộ khẩu của gia đình tôi đang sử dụng bị rách, nát. Tôi muốn đổi sổ hộ khẩu mới có được không?

Tọa đàm, tư vấn pháp luật trực tuyến “Để hiểu rõ hơn những quy định mới của Luật Cư trú 2020” - Ảnh 8
Ông Nguyễn Quốc Việt trả lời:

Theo quy định tại Điều38 Luật Cư trú 2020: Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.

Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Từ viện dẫn quy định pháp luật nêu trên, từ ngày 01/7/2021 người dân đi làm thủ tục thường trú sẽ không còn được cấp sổ hộ khẩu, làm thủ tục đăng ký tạm trú cũng không được cấp sổ tạm trú. Đồng thời khi các cuốn sổ này bị mất, bị hư hỏng, rách nát cũng không còn được cấp lại. Mọi thông tin cư trú của người dân sẽ được cập nhật và lưu tại cơ sở dữ liệu về cư trú, thay vì một cuốn sổ bằng giấy. Từ 01/7/2021 việc quản lý dân cư sẽ được quản lý bằng dữ liệu điện tử, đến ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú “giấy” sẽ không còn được sử dụng nữa.

 Luật sư Nguyễn Quốc Việt trả lời câu hỏi của bạn đọc.
Bạn đọc Nguyễn Minh Châu (Quận Hai Bà Trưng) hỏi:

Tôi sắp bán nhà nơi gia đình tôi đăng ký thường trú. Chúng tôi vẫn muốn để hộ khẩu ở nhà cũ để tiện cho việc học tập của các con. Liệu khi đã bán nhà và chuyển đến nơi ở mới, chúng tôi có thể bị xóa đăng ký thường trú ở nơi ở cũ không?

Tọa đàm, tư vấn pháp luật trực tuyến “Để hiểu rõ hơn những quy định mới của Luật Cư trú 2020” - Ảnh 10
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:

Theo Điều 24 Luật Cư trú năm 2020 quy định về việc xóa đăng ký thường trú :

1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký thường trú:

a) Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;

b) Ra nước ngoài để định cư;

c) Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú quy định tại Điều 35 của Luật này;

d) Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

đ) Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

e) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này;

g) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản này;

h) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;

i) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của Pháp Luật nêu trên, để không bị xóa đăng ký thường trú, bạn phải được chủ nhà mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.

 

Bạn đọc Vũ Thu Thủy (Quận Hoàng Mai) hỏi:

Tới đây, tôi có công việc phải đi khỏi nơi thường trú một thời gian dài. Vậy, đi khỏi nơi thường trú bao lâu thì phải khai báo tạm vắng?

Tọa đàm, tư vấn pháp luật trực tuyến “Để hiểu rõ hơn những quy định mới của Luật Cư trú 2020” - Ảnh 11
Bà Phạm Thu Hương trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú năm 2020 về việc khai báo tạm vắng thì công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng trong các trường hợp sau đây:

a) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;

b) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

c) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 03 tháng liên tục trở lên đối với người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.

Từ viện dẫn quy định pháp luật nêu trên (bạn không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a,b và c khoản này), nếu bạn đi khỏi nơi cư trú từ 12 tháng liên tục trở lên bạn phải khai báo tạm vắng tại cơ quan đăng ký cư trú, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.

 

Bạn đọc Nguyễn Nhật Anh (Quận Đống Đa) hỏi:

Gia đình tôi có người thân ở quê, về Hà Nội khám bệnh đến ở nhà tôi khoảng 3 ngày. Gia đình tôi có phải thực hiện thông báo lưu trú đến cơ quan đăng ký cư trú không? Nếu có thì thực hiện thông báo bằng hình thức nào?

Tọa đàm, tư vấn pháp luật trực tuyến “Để hiểu rõ hơn những quy định mới của Luật Cư trú 2020” - Ảnh 12
Ông Nguyễn Quốc Việt trả lời:

Căn cứ Điều 30 Luật Cư trú 2020 quy định về việc thông báo lưu trú như sau:

1. Khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú; trường hợp người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc, lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.

2. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp, bằng điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

3. Nội dung thông báo về lưu trú bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người lưu trú; lý do lưu trú; thời gian lưu trú; địa chỉ lưu trú.

4. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ của ngày bắt đầu lưu trú; trường hợp người đến lưu trú sau 23 giờ thì việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 08 giờ ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.

5. Việc thông báo lưu trú được ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú.

Theo quy định của pháp luật nêu trên, gia đình bạn phải có trách nhiệm thông báo lưu trú đến cơ quan đăng ký cư trú. Nội dung thông báo về lưu trú bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người than gia đình; lý do lưu trú; thời gian lưu trú; địa chỉ lưu trú.

Việc thông báo lưu trú được thực hiện theo các hình thức quy định tại khoản 1 điều 15 thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của bộ Công An. Cụ thể như sau:

- Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc địa điểm tiếp nhận thông báo lưu trú do cơ quan đăng ký lưu trú quy định.

- Thông qua số điện thoại hoặc hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm iết

- Thông qua trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú hoặc qua cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

- Thông qua ứng dụng trên thiết bị điện tử.

Bạn đọc Võ Huyền Anh (Quận Đống Đa) hỏi:

Đối với các hành vi vi phạm pháp luật về cư trú thì bị xử lý như thế nào?

Tọa đàm, tư vấn pháp luật trực tuyến “Để hiểu rõ hơn những quy định mới của Luật Cư trú 2020” - Ảnh 13
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:
Theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì các hành vi vi phạm pháp luật về cư trú sẽ bị xử lý như sau:
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;
b) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
  Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời câu hỏi của độc giả.
c) Không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tẩy, xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú;
b) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú;
c) Thuê, cho thuê sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;
d) Sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;
đ) Cơ sở kinh doanh lưu trú không thực hiện việc thông báo lưu trú với cơ quan công an theo quy định khi có người đến lưu trú;
e) Tổ chức kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú.
3. Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Khai man, giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được đăng ký thường trú, tạm trú, cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;
b) Làm giả sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú;
c) Sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giả;
d) Cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó;
đ) Cá nhân, chủ hộ gia đình cho người khác nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở của mình nhưng không bảo đảm diện tích tối thiểu trên đầu người theo quy định;
e) Ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động không thuộc doanh nghiệp của mình để nhập hộ khẩu;
g) Sử dụng hợp đồng lao động trái với quy định của pháp luật để nhập hộ khẩu;
h) Không khai báo tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà để ở.
 
Bạn đọc Đỗ Thanh An (Quận Hoàng Mai) hỏi:

Khi nào sổ hộ khẩu sẽ bị thu hồi, và khi nào hộ khẩu sẽ bị khai tử, thưa ông/bà?

Tọa đàm, tư vấn pháp luật trực tuyến “Để hiểu rõ hơn những quy định mới của Luật Cư trú 2020” - Ảnh 15
Bà Phạm Thu Hương trả lời:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020: Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Trong đó, các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được quy định tại Điều 26 Luật Cư trú 2020 gồm:

- Thay đổi chủ hộ;

- Thay đổi thông tin về hộ tịch so với thông tin đã được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;

- Thay đổi địa chỉ nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú do có sự điều chỉnh về địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính, tên đường, phố, tổ dân phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cách đánh số nhà.

Như vậy, trong 3 trường hợp nêu trên, sổ hộ khẩu sẽ bị thu hồi.

Cũng theo quy định của Luật Cư trú 2020, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022. Đặc biệt, nếu thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.

Như vậy, từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú “giấy” sẽ không còn được sử dụng nữa mà thay thế bằng hình thức quản lý dữ liệu điện tử.

 

Bạn đọc Lê Thị Thùy An (Quận Tây Hồ) hỏi:

Tôi được cơ quan cử đi tập huấn ở TP Hải Phòng 3 tuần. Tôi ở đó có phải đăng ký tạm trú không? Với nơi ở tôi có phải khai báo tạm vắng không?

Tọa đàm, tư vấn pháp luật trực tuyến “Để hiểu rõ hơn những quy định mới của Luật Cư trú 2020” - Ảnh 16
Ông Nguyễn Quốc Việt trả lời:

Tại khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định các trường hợp phải đăng ký tạm trú như sau:

Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

Từ viện dẫn quy định pháp luật nêu trên, bạn không thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký tạm trú. Trong trường hợp này cơ quan tổ chức nơi tập huấn phải có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú (là nơi bạn đến tập huấn (theo quy định tại Điều 30 Luật Cư trú 2020).

Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú về khai báo tạm vắng, thì công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng trong các trường hợp sau đây:

a) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;

b) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

c) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 03 tháng liên tục trở lên đối với người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.

Như vậy, căn cứ vào điều luật đã viện dẫn thì bạn cũng không phải khai báo tạm vắng tại nơi cư trú.

 

 

Bạn đọc Hoàng Ngọc Anh (quận Nam Từ Liêm) hỏi:

Gia đình tôi có 8 thành viên gồm bố mẹ tôi (bố là chủ hộ), vợ chồng anh trai và con của anh chị, vợ chồng tôi và con của chúng tôi. Vì nhân khẩu đông và sử dụng chung một sổ hộ khẩu nên rất bất tiện cho anh em tôi khi có việc cần giải quyết liên quan đến sổ hộ khẩu. 2 cặp vợ chồng anh em chúng tôi dự định sẽ tách riêng thành 2 hộ nhưng vẫn ở chung cùng một chỗ ở với bố mẹ có được không? Thủ tục tách hộ trong trường hợp này như thế nào?

Tọa đàm, tư vấn pháp luật trực tuyến “Để hiểu rõ hơn những quy định mới của Luật Cư trú 2020” - Ảnh 17
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:

Khoản 1, Điều 25 Luật Cư trú 2020 quy định thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

“a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trường hợp có nhiều thành viên cùng đăng ký tách hộ để lập thành một hộ gia đình mới thì trong số các thành viên đó có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, trừ trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó;

c) Nơi thường trú của hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này.”

Điều 23 Luật này quy định địa điểm không được đăng ký thường trú mới như sau:

“1. Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.

2. Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.

3. Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

5. Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Như vậy, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên thì 2 cặp vợ chồng anh em bạn sẽ được tách hộ.

Để được tách hộ, các bạn cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại khoản 2, Điều 25 của Luật này, cụ thể như sau:

“2. Hồ sơ tách hộ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho tách hộ của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.

Trường hợp tách hộ sau ly hôn quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì hồ sơ tách hộ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc ly hôn và việc tiếp tục được sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.”

Về thủ tục đăng ký tách hộ được quy định tại khoản 3, Điều Điều 25 của Luật này, cụ thể như sau:

“a) Người đăng ký tách hộ nộp hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan đăng ký cư trú;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về hộ gia đình liên quan đến việc tách hộ vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin; trường hợp từ chối giải quyết tách hộ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

Bạn đọc Nguyễn Minh An (Quận Đống Đa) hỏi:

Theo quy định của Luật Cư trú, trường hợp thế nào sẽ bị xóa đăng ký thường trú?

Tọa đàm, tư vấn pháp luật trực tuyến “Để hiểu rõ hơn những quy định mới của Luật Cư trú 2020” - Ảnh 18
Bà Phạm Thu Hương trả lời:

Theo quy định tại Điều 24 Luật Cư trú năm 2020 thì người thuộc một trong các trường hợp sau đay thì bị xoá đăng ký thường trú:

a) Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;

b) Ra nước ngoài để định cư;

c) Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú quy định tại Điều 35 của Luật này;

d) Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

đ) Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

e) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này;

g) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản này;

h) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;

i) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan đã đăng ký thường trú có thẩm quyền xóa đăng ký thường trú và phải ghi rõ lý do, thời điểm xóa đăng ký thường trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú được thực hiện dưới hình thức trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

Cơ quan đăng ký cư trú có quyền từ chối giải quyết đăng ký cư trú, xác nhận thông tin về cư trú và không hoàn trả lại lệ phí (trường hợp đã nộp lệ phí) nếu phát hiện giấy tờ, tài liệu công dân đã cung cấp bị tẩy xóa, sửa chữa, làm giả.

Bạn đọc Đặng Thị Thơm (quận Bắc Từ Liêm) hỏi:

Các trường hợp nào không được đăng ký thường trú mới?

Tọa đàm, tư vấn pháp luật trực tuyến “Để hiểu rõ hơn những quy định mới của Luật Cư trú 2020” - Ảnh 19
Ông Nguyễn Quốc Việt trả lời:

Căn cứ Điều 23 Luật Cư trú năm 2020 quy định địa điểm không được đăng ký thường trú mới, bao gồm:

- Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của Pháp Luật;

- Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựngtheo quy định của Pháp Luật.

- Chỗ ở dã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật

- Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của Pháp luật.

- Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Công dân không được đăng ký thường trú mới tại chỗ ở quy định tại các điểm nêu trên trừ trường hợp vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha mẹ; cha, mẹ về ở với con.