Tỏa sáng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo”

NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỷ niệm 10 năm cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” (2007 – 2017), Sở GD&ĐT Hà Nội và Công đoàn giáo dục Hà Nội đã có sáng kiến tổ chức xét tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo”.

Viết tiếp trang sử truyền thống
Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” từ nay sẽ là giải thưởng hàng năm vinh danh các Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo. Giải thưởng đã viết tiếp trang vàng truyền thống giáo giới Thủ đô: từ những năm 1993, ngành GD&ĐT Hà Nội đã có cuộc vận động “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”.
 Thầy cô giáo trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình - Hà Nội) hát mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: Thu Anh.
Cuộc vận động đã tỏa sáng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo Hà Nội. Bộ GD&ĐT và Công Đoàn giáo dục Việt Nam đã nhân rộng thành cuộc vận động “Dân chủ - kỷ cương. Tình thương – trách nhiệm” cho giáo giới cả nước. Tiếp đó là cuộc vận động “Cô giáo người mẹ hiền” và cuộc thi “Cô giáo tài năng duyên dáng”. Và giờ đây giáo dục Hà Nội lại có giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” tiếp tục vinh danh những nhà giáo tâm huyết với nghề, thành công trong sự nghiệp trồng người nhờ sự nỗ lực lao động sư phạm sáng tạo của mình.
Nhà giáo Hà Nội vừa viết tiếp trang sử truyền thống giáo giới Thủ đô vừa khẳng định thêm trong điều kiện nền kinh tế thị trường, giáo dục Việt Nam còn nhiều hạn chế, trong đó có đội ngũ nhà giáo, một bộ phận vẫn chưa thấy hết được nhu cầu đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều người vẫn thờ ơ chạy theo cách làm dễ dãi, đường mòn, bám sách giáo khoa, thuyết giảng, áp đặt học sinh, chạy theo kiến thức, không chú tâm rèn năng lực phẩm chất cho học sinh.
Do đó đổi mới sáng tạo hôm nay đối với mỗi thầy cô giáo phải là nhu cầu cấp bách ở tất cả các ngành học, cấp học. Nhà giáo không đổi mới, sáng tạo, không theo kịp tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật của thời đại công nghệ 4.0, không đáp ứng nhu cầu phát triển trí tuệ, cảm xúc của người học. Đặc biệt tự học, tự khám phá để chiếm lĩnh kiến thức phải thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế cuộc sống.
Thêm nhiều gương sáng
Sáng tạo hiện nay là nhu cầu của cuộc sống, của thời đại công nghệ 4.0. Đúng như nhà triết học Ấn Độ: Osho (1931 –1990) đã nói “Yêu thích sáng tạo có nghĩa là yêu cuộc sống, bạn chỉ có thể sáng tạo khi bạn có đủ tình yêu cuộc sống và mong muốn làm tăng thêm vẻ đẹp của nó”. Như vậy quá trình sáng tạo, trong công việc của nhà giáo là quá trình nhà giáo chúng ta đã làm phong phú, đã làm nẩy nở thêm những phẩm chất tốt đẹp và tạo ra những năng lực cần có để đáp ứng với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và sự phát triển của xã hội, của học trò.
Tấm gương tâm huyết sáng tạo của hơn 100 thầy, cô giáo và cán bộ quản lý các nhà trường vào chung kết và đặc biệt 50 nhà giáo nhận giải thưởng của năm 2017 này là những bằng chứng sự sáng tạo lớn lao trên mỗi cương vị công tác của mỗi nhà giáo Hà Nội hôm nay. Đó là những cô giáo mầm non đã bằng tài năng của mình tạo nên cảnh quan nghệ thuật, những sân chơi bổ ích cho trẻ như cô Nguyễn Thị Dung - trường Mầm non Cầu Giấy. Hoặc cô Bùi Thị Thủy - giáo viên trường Mầm non Xuân La, Tây Hồ đã có sáng kiến “Nghệ thuật hóa các hoạt động giáo dục”, xây dựng nhiều hoạt cảnh, sáng tác nhiều bài hát để trẻ tự tin trải nghiệm. Cô Nguyễn Thị Điệp - trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực, Ba Đình, đã có sáng kiến, vận dụng công nghệ thông tin để biên soạn phần mềm “cùng học tin học” cho học sinh tiểu học và cô cũng được giải xuất sắc về bài giảng Elearning. Thầy Trần Xuân Hiệp - giáo viên toán trường THPT Tiến Thịnh đã thành công trong việc cải tiến thiết bị dạy học sáng chế “Thiết bị chiếu phiếu học tập” bằng camera vừa dễ làm, đỡ tốn kém.
Về lĩnh vực giáo dục học sinh hòa nhập, cô Nguyễn Thị Minh Thu - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Hà Đông đã cùng giáo viên của trường giúp được 12 học sinh có khó khăn hoàn nhập thành công. Cô Nguyễn Thị Chín - giáo viên môn giáo dục công dân trường THPT Trần Hưng Đại, Hà Đông có sáng kiến “Chống vô cảm” cho học sinh bằng chính các chương trình tình nguyện.
Đặc biệt, giáo viên Hà Nội đã biết gắn việc giảng dạy với việc giải quyết những vấn đề của chính địa phương, làng xã đang đặt ra: cô Phan Thị Thùy Vân - giáo viên trường THCS Thanh Thủy, Thanh Oai đã phục dựng những trò chơi dân gian của làng nghề Thanh Thủy, vừa mang lại sân chơi lành mạnh cho học sinh, vừa lôi cuốn thanh niên trong xã tránh khỏi tệ nạn xã hội. Thầy Phạm Gia Hữu - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân đã có sáng kiến sử dụng bể bơi thông minh để giải quyết việc phổ cập bơi lội cho học sinh tiểu học, hay đưa học sinh lớp 8 được học công nghệ thông tin về từng phường để giúp đỡ người dân trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên toàn quận.
Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo các nhà trường cũng là những nhà giáo tâm huyết sáng tạo trong xây dựng đội ngũ, cải tiến công tác quản lý của mỗi nhà trường như cô Nguyễn Thị Nhiếp - trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, cô Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm; cô Lê Kim Anh - Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy, quận Cầu Giấy…
Về độ tuổi, có cô giáo sắp nghỉ hưu nhưng vẫn nhiệt tình cống hiến như cô Phùng Thị Bích Liên (sinh năm 1963), hiệu trưởng trường mầm non Chu Minh, Ba Vì, một vùng khó khăn của Hà Nội, nhưng bằng con đường xã hội hóa, cô đã huy động được sức dân làm thay đổi hẳn bộ mặt nhà trường. Và cô giáo trẻ nhất giải thưởng lần này là cô Phạm Hồng Anh (sinh năm 1991) - giáo viên toán trường THPT Hà Nội Amsterdam đã giành giải đặc biệt trong hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” toàn quốc 2017. Với vai trò giáo viên chủ nhiệm, cô đã thành công trong chuyên đề dạy “Đổi mới các tiết dạy sinh hoạt lớp” (giải nhì toàn quốc) và cô đã bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi đạt giải quốc gia.
Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” đã mang đến cho nhà giáo Hà Nội chúng ta một vị thế, củng cố thêm lòng yêu nghề và tự hào về nghề của chúng ta. Hãy nghe tâm sự của một nhà khoa học nghiên cứu về vật lý và kỹ thuật hàng không, lại từng kinh qua một nhiệm kỳ Tổng thống Ấn Độ (2002 – 2007) – Đó là A.P.J Abdul Kalam nói về nghề dạy học “Nhà giáo là một nghề rất cao quý hình thành nhân cách, năng lực và tương lai của mỗi cá nhân. Nếu mọi người nhớ tôi là một giáo viên giỏi, đó sẽ là vinh dự lớn nhất đối với tôi”. Đóng góp cho tổ quốc Ấn Độ như vây nhưng ông chỉ muốn người ta nhớ mình là một giáo viên thôi. Ai vinh dự nhận được giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” hôm nay, chúng ta cũng có quyền tự hào như vậy.
Nhân dịp 20/11 ngày Nhà giáo Việt Nam, xin chúc các nhà giáo Hà Nội của chúng ta mãi mãi tỏa sáng cùng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo”.