Tội phạm kinh doanh đa cấp đưa ra những miếng bả siêu lợi nhuận

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Người ta đưa ra những miếng bả siêu lợi nhuận như vậy thì rất dễ làm người dân địa phương bị mắc lừa”, đại biểu Phạm Trí Thức (đoàn Thanh Hóa) phân tích.

Sáng nay (24/5), Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Điểm đáng chú ý là dự thảo Luật bổ sung “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp”. Tại phiên thảo luận, các đại biểu nêu nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.
“Chưa nên bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp vào Bộ luật hình sự”
Phát biểu thảo luận về vấn đề trên, đại biểu Phạm Trí Thức (đoàn Thanh Hóa) cho rằng cần cân nhắc việc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi kinh doanh trái phép.
Đây cũng là ý kiến của Chính phủ đã nêu khi sửa đổi Bộ luật hình sự năm 1999 việc kinh doanh trái phép nếu không có dấu hiệu khác thì chỉ nên dừng lại ở chế tài hành chính, việc áp dụng chế tài hành chính kịp thời theo đúng quy định của pháp luật cũng đủ sức răn đe, phòng ngừa.
Đại biểu Phạm Trí Thức (đoàn Thanh Hóa)
Theo đại biểu Phạm Trí Thức, quy định chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép mà không phải tất cả các hình thức kinh doanh trái phép như dự thảo luật là không bảo đảm sự công bằng trong chính sách hình sự.
Trường hợp kinh doanh đa cấp trái phép có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của người khác đã được Bộ luật hình sự năm 2015 điều chỉnh xử lý như Điều 174 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Điều 175 tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và bằng những chế tài nghiêm khắc hơn rất nhiều.
Trong thời gian qua, loại tội này ngay từ đầu đã mang dấu hiệu lừa đảo, dùng các thủ đoạn gian dối như những trường hợp dù không phải sĩ quan quân đội cao cấp nhưng lại mặc trang phục sĩ quan quân đội cao cấp, đi xe biển xanh rồi về các địa phương trống giong cờ mở phối hợp với một số cán bộ cơ sở địa phương mở các cuộc gặp mặt, quảng cáo rất rầm rộ làm cho người dân tin tưởng.
“Đối với người dân nghèo mà người ta đưa ra những miếng bả siêu lợi nhuận như vậy thì rất dễ làm người dân địa phương bị mắc lừa. Đây không phải là việc kinh doanh trái phép mà ngay từ đầu đã mang dấu hiệu lừa đảo”, đại biểu Thức phân tích và đề nghị nên cân nhắc rất kỹ và phải tính toán lại khi quy định điều luật này.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) cũng đề nghị cân nhắc chưa nên bổ sung tội mới này vào Bộ luật hình sự. Bởi đây là tội mới chưa được báo cáo đánh giá đầy đủ những lý do và sự cần thiết và tác động của việc bổ sung tội phạm này vào Bộ luật hình sự.
Luật hình sự đã bỏ tội danh về kinh doanh trái phép trong Bộ luật hình sự năm 1999 vì không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Nay có thêm một tội kinh doanh đa cấp trái phép là không phù hợp.
Theo đại biểu, với thiết kế trong dự thảo (điều 217a), chưa chắc đã xử lý hình sự được các vụ việc tương tự xảy ra trong thực tiễn vừa qua vì các DN này đều đã được cấp phép đăng ký kinh doanh rất đầy đủ.
Hơn nữa, việc thiết kế khung hình phạt của tội phạm này cao nhất mới có 5 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với tội lừa đảo để chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 và tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản tại Điều 290 có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc chung thân.
“Như vậy, không cẩn thận thì việc bổ sung tội mới sẽ là nơi để trốn không phải xử lý hình sự về tội lừa đảo hoặc tội phạm về sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông và phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản”, đại biểu Xuyền nêu.
Cần thiết kế quy định xử lý nghiêm người cầm đầu
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (đoàn Hòa Bình) cho rằng, trong thời gian qua, trong hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường diễn ra ở hầu hết các tỉnh trong cả nước với những thủ đoạn tinh vi, đánh vào tâm lý hám lợi của một số người dân.
Lợi dụng những kẽ hở của người dân, một số đối tượng đã biến tướng phương thức bán hàng này để trục lợi mà hành vi phổ biến là tội phạm lợi dụng hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như kinh doanh tiền ảo, thực phẩm chức năng, khóa học làm giàu, chăm sóc sức khỏe, bất động sản và đầu tư tài chính...
Để phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn hậu quả của việc vi phạm các quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp gây ra thì dự thảo luật cần bổ sung quy định loại tội phạm vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp là cần thiết và phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay.
Tuy nhiên, trong kinh doanh phương thức đa cấp, người tổ chức là người đứng đầu, người đứng ra thiết lập mạng lưới điều hành, tổ chức hoạt động kinh doanh. Tất cả những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp đều phải ký hợp đồng với người tổ chức và doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp đều chuyển về cho người tổ chức. Do vậy, cần thiết kế các quy định xử lý nghiêm đối với người cầm đầu tổ chức.
Ngoài ra, có rất nhiều người tham gia mạng lưới theo nhiều tầng lớp khác nhau, thông thường những người này chỉ hưởng hoa hồng từ người tổ chức chi trả. Nếu xử lý những người này, phạm vi sẽ rất rộng và phức tạp.
Đai biểu đề nghị: “Vì vậy, tôi đề nghị dự thảo luật chỉ quy định xử lý người tham gia nếu đủ cấu thành tội đồng phạm với người tổ chức, còn các đối tượng tham gia mạng lưới thì nên xem xét để có hướng xử lý phù hợp”.