Tổng Kiểm tra phòng khám tư nhân: Vi phạm chồng vi phạm

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khám chữa bệnh là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến sức khỏe, sự sống và tính mạng của người dân.

Vậy nhưng, liên tiếp những vụ tử vong tại các phòng khám (PK), bệnh viện (BV) tư nhân trong thời gian gần đây khiến người dân phải đặt nghi vấn về công tác quản lý những cơ sở này. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” là nỗi niềm người dân gửi đến những nhà quản lý và những người “cầm trịch” trong các đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở này.
Đụng đâu sai đó
Vụ việc 2 bệnh nhân tử vong tại BV Trí Đức chưa lắng xuống, dư luận lại xôn xao với vụ việc thai phụ tử vong sau khi khám phụ khoa tại PK Đa khoa 168 Hà Nội (huyện Thanh Trì). Hà Nội đã thành lập 4 đoàn kiểm tra để tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các PK, nhất là các PK có yếu tố nước ngoài. Sau một tuần ra quân đã có 4 PK bị tạm đình chỉ. Đoàn kiểm tra do Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền làm Trưởng đoàn khi kiểm tra đột xuất PK Đa khoa Nhân Ái Hà Nội (số 709, đường Giải Phóng) đã phát hiện PK này có các dịch vụ kỹ thuật nằm ngoài danh mục đăng ký và được phê duyệt như điện tâm đồ, làm xét nghiệm trong giờ hành chính… Tại PK chuyên khoa răng hàm mặt Biotis (B002, tầng 1 tòa nhà The Manor Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm), qua kiểm tra cũng phát hiện những dịch vụ kỹ thuật không được cấp phép. Đặc biệt, hệ thống máy X-quang không nằm trong danh mục được cấp phép nhưng vẫn được đưa vào sử dụng trong khi không có đảm bảo an toàn bức xạ. PK tư nhân 11 Thái Hà cũng đã bị đình chỉ vì không đảm bảo điều kiện về nhân lực trong hoạt động.
 Đoàn kiểm tra Sở Y tế Hà Nội kiểm tra Phòng khám xương, khớp, cơ, thần kinh cột sống Hoa Kỳ ProChiro trên phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Qua kiểm tra phòng khám đạt yêu cầu. Ảnh: Diệu Linh 
PK Đa khoa 168 Hà Nội - nơi gây ra cái chết thương tâm cho thai phụ Trần Thị Thu Tr. từ trước đó cũng đã liên tiếp bị xử phạt về các hành vi mạo danh là PK của Bộ Y tế, vi phạm hành chính về quảng cáo dịch vụ khám bệnh, bán thuốc khi chưa được cấp phép, sử dụng bác sĩ Trung Quốc hành nghề trái phép, sử dụng thuốc và thiết bị y tế nhập lậu. Điều đáng nói, từ năm 2013 - 2016, năm nào PK này cũng bị “dính phốt” nhưng vẫn tiếp tục được hoạt động cho đến khi xảy ra vụ việc tử vong của thai phụ Tr. Thế nhưng, với những lỗi này được phát hiện tại PK Apollo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2013 thì PK Apollo lại chịu “án phạt” đình chỉ hoạt động 12 tháng. Đây là trường hợp “cá biệt” vì hầu hết các PK khi phát hiện sai phạm vẫn được phép hoạt động sau khi… nộp đủ số tiền phạt. Nhiều người đặt nghi vấn, xảy ra những sự việc đáng tiếc vừa qua là do mức xử phạt chưa đủ tính răn đe hay do các cơ sở đã có “người bảo kê”?
Nhân lực quản lý mỏng, yếu
Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết, riêng địa bàn Hà Nội có khoảng 3.000 cơ sở y tế tư nhân, trong đó có trên 56 cơ sở có yếu tố nước ngoài. Vậy nhưng, cán bộ làm công tác thanh tra khám chữa bệnh của Sở Y tế lại chỉ có... 3 người. “Cả năm có đi kiểm tra ròng rã, thường xuyên cũng chỉ kiểm tra được đến 200 cơ sở, nên phần lớn công tác thanh tra, kiểm tra được giao cho phòng y tế các quận, huyện, thị xã” - ông Cường cho biết. Thực tế, tại các quận, huyện, cán bộ phòng y tế cũng chỉ dưới 10 người lại phụ trách khối lượng công việc lớn từ quản lý ATTP, các cơ sở thẩm mĩ, dược, mỹ phẩm nên có phần lơi là các PK tư nhân. Đặc biệt, trình độ nghiệp vụ của các cán bộ y tế tuyến cơ sở còn hạn chế, nhất là trong các lĩnh vực y, dược, y học cổ truyền, nên việc thanh tra, kiểm tra mới chỉ dừng lại ở khâu kiểm tra thủ tục hành chính, giấy tờ. Trong khi đó, các PK tư nhân ngày càng có nhiều “mánh khóe” để qua mặt cơ quan chức năng. Ngoài ra, số lượng PK có yếu tố nước ngoài liên tục thay đổi. Nhiều bác sĩ nước ngoài được cấp phép hành nghề, đã nghỉ việc nhưng không báo với cơ quan quản lý nên việc kiểm tra, giám sát càng khó khăn.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền kiểm tra phòng khám Nhân Ái Hà Nội (709 đường Giải Phóng).  Ảnh: Nguyễn Vân

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đối với cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài, ngành y tế có kế hoạch phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng An ninh - Công an TP Hà Nội để thanh tra, kiểm tra, bảo đảm đưa hoạt động của các cơ sở này vào khuôn khổ. Bên cạnh đó, Sở Y tế sẽ yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn. Tuy nhiên, ông Hiền hy vọng người dân sẽ cùng tham gia giám sát, quản lý hoạt động khám chữa bệnh bằng việc tự kiểm soát xem phí phải trả có đúng với giá niêm yết không, có bị chỉ định làm xét nghiệm không cần thiết hay không; bao bì, nhãn mác thuốc có rõ ràng hay không… và phản hồi với cơ quan quản lý khi phát hiện hành vi sai phạm.
Từ đầu năm 2016 đến ngày 17/3/2017, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội và cơ quan chức năng đã kiểm tra gần 20 cơ sở, trong đó đã phát hiện 14 cơ sở có sai phạm, đã xử lý vi phạm hành chính 12 cơ sở; đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh của 4 cơ sở; tước chứng chỉ hành nghề của 3 bác sĩ... Các lỗi vi phạm hành chính mà các PK, chữa bệnh ngoài công lập có yếu tố nước ngoài bị xử lý, xử phạt gồm: Biển hiệu ghi không đúng so với nội dung ghi trong Giấy phép hoạt động; không niêm yết công khai bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo quy định; không bảo đảm điều kiện nhân lực trong quá trình hoạt động; quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (dịch vụ đặc biệt) mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; cá biệt có cơ sở vi phạm bán thuốc cho người bệnh...

Quận Nam Từ Liêm có khoảng 250 PK tư nhân. Trong khi đó, Phòng Y tế quận chỉ có 6 người, 1 cán bộ chuyên trách về y dược tư nhân nên dù có dồn hết lực lượng, mỗi ngày đi kiểm tra 2, 3 cơ sở thì một năm cũng chỉ kiểm tra một cơ sở được 1 - 2 lần. Chính điều này đã tạo “lỗ hổng” cho các cơ sở vi phạm. Theo tôi, để có thể quản lý tốt nhất thì mỗi cơ sở cần phải được kiểm tra ít nhất 3 tháng một lần, tránh tình trạng cơ sở cố tình khám chữa bệnh vượt giới hạn cho phép. Do vậy, cần tăng cường nhân lực cho phòng y tế quận, huyện, thị xã. Tăng cường tập huấn kỹ năng thanh tra, kiểm tra cho cán bộ y tế cơ sở. Cần có sự phối hợp giữa trạm y tế xã, phường trong việc phát hiện sai phạm của các cơ sở để có thể kịp thời xử lý.
Trưởng Phòng Y tế quận Nam Từ Liêm
Nguyễn Anh Tuấn

Đã có lần tôi đi khám tại BV Phụ Sản T.Ư và bị một nhóm cò mồi ở cổng BV giới thiệu một PK sản ở đường Giải Phóng để được bác sĩ Trưởng khoa Sản của BV khám và không phải chờ đợi. Đến đó, tôi được một cô y tá tiếp đón và đưa sang nhà bên cạnh rồi đóng cửa lại. Tại thời điểm đó cũng có một vài bệnh nhân đến và cứ thêm một bệnh nhân là vị bác sĩ trong phòng lại gọi điện và ra hiệu đã nhận được khách. PK này máy móc rất đơn sơ, các dịch vụ khám đều đắt gấp đôi gấp ba ở BV nhưng vì đã vào rồi nên tôi đành chấp nhận. Không lâu sau đó, tôi đọc được tin PK này bị kiểm tra và bị đình chỉ vì hoạt động trái phép. Từ việc này, tôi nghĩ chính người bệnh tuyệt đối không được tin vào lời mời giới thiệu PK của những người xe ôm hay bán nước ở cổng BV. Khi đến PK nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ, cần rời khỏi và báo lại cho cơ quan chức năng. Chỉ nên khám và chữa bệnh tại PK có uy tín.
Chị Lê Thu Hàphường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội