Tổng thống Putin: EU - Nga nên đối thoại tích cực hơn để cải thiện quan hệ

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Vladimir Putin ngày 27/1 nói rằng, Nga và châu Âu nên thực hiện các chương trình nghị sự tích cực cũng như tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Phát biểu trong phiên họp trực tuyến của Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) hôm 27/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi Nga và Liên minh châu Âu (EU) cần đối thoại nhiều hơn để sớm cải thiện mối quan hệ căng thẳng - nguyên nhân theo ông dẫn đến sụt giảm thương mại song phương.
"Tình hình hiện tại rõ ràng là không bình thường, chúng ta nên quay trở lại một chương trình nghị sự tích cực, đó là lợi ích tốt nhất đối với Nga cũng như với các nước châu Âu", Tổng thống Putin lưu ý.
Người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng, bên cạnh quan hệ căng thẳng, đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch thương mại giữa Nga và EU - một trong những đối tác thương mại và kinh tế quan trọng của Moscow.
Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh, cuộc đối thoại giữa Nga và châu Âu đòi hỏi sự trung thực và thoát khỏi những ám ảnh, cũng như các vấn đề căng thẳng trong quá khứ nhằm tạo dựng quan hệ tích cực trong tương lai.
Tuyên bố trên được Tổng thống Putin đưa ra trong bối cảnh quan hệ của Nga với phương Tây đang chịu thêm áp lực liên quan đến vụ bắt giữ nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny.
Trước đó, hồi đầu tháng 12 năm ngoái, các nhà lãnh đạo EU đã quyết định gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Các biện pháp trừng phạt này sẽ kéo dài đến giữa năm 2021 và nhằm vào toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế Nga như dầu mỏ, quốc phòng và ngân hàng.
Các lệnh trừng phạt này được áp đặt đối với Nga lần đầu tiên sau khi máy bay MH17 của hãng Malaysian Airlines bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine vào tháng 7/2014, khiến 298 người trên khoang thiệt mạng. Kể từ đó, các lệnh trừng phạt được gia hạn đều đặn 6 tháng/lần.
EU khẳng định chỉ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khi nào Thỏa thuận Minsk được thực thi đầy đủ. Đây là thỏa thuận được Nga và Ukraine ký năm 2015 với mục tiêu chấm dứt xung đột và tìm kiếm một giải pháp chính trị cho lực lượng phiến quân ở hai vùng Donetsk và Lugansk ở Ukraine.