TỔNG THUẬT: Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về 2 nhóm vấn đề: Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này sẽ được tiến hành trong 2,5 ngày, từ 4-6/6 với 4 nhóm vấn đề.

5 đại biểu đặt câu hỏi mỗi lượt

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Quốc hội dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Các Bộ trưởng sẽ không trình bày báo cáo mà chỉ phát biểu 5 phút trước khi trả lời chất vấn. Sẽ có 5 đại biểu chất vấn mỗi lần, mỗi đại biểu chỉ hỏi một phút, người trả lời có tối đa 3 phút để trả lời. 

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu nêu câu hỏi rõ ý, hạn chế đi sâu vào vụ việc cụ thể. Đại biểu có thể tranh luận lại nếu thấy không thỏa đáng nhưng chỉ có tối đa 2 phút. Bà Ngân cũng lưu ý tranh luận chỉ diễn ra giữa người hỏi và người trả lời. Đại biểu không chất vấn không được tranh luận.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động chất vấn vừa qua đã giúp nâng cao hoạt động giám sát của Quốc hội, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành, đóng góp vào sự phát triển chung. Với tinh thần trách nhiệm, sự tích cực chủ động của các thành viên Chính phủ, cùng sự chuẩn bị của cơ quan hữu quan, phiên chất vấn sẽ đạt chất lượng như cử tri mong đợi. Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ có Nghị quyết để giám sát việc thực hiện những cam kết khi chất vấn.

“Ma túy đang là tội phạm của các loại tội phạm"

Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã có báo cáo gửi Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn.

 Bộ trưởng Tô Lâm.

Báo cáo trước chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm điểm lại một số vấn đề nổi bật của ngành, điển hình là tình hình tội phạm ma túy. “Ma túy đang là tội phạm của các loại tội phạm khác”, ông Lâm nói.

Tội phạm tín dụng đen dù được trấn áp vẫn len lỏi đến các vùng quê gây bức xúc, lo lắng cho nhân dân.

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, tội phạm xuyên quốc gia có chiều hướng gia tăng, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới.

Vấn đề sử dụng rượu bia mà chất kích thích khi tham gia giao thông cũng đang gây ra nhiều hệ lụy.

Bộ trưởng Công an cho hay: “Chủ trương của Bộ Công an là làm giảm tội phạm, xóa bỏ các nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm. Bộ Công an có một số kết quả bước đầu nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rõ ràng vẫn còn không ít tồn tại khó khăn và thách thức đang đặt ra”.

Lượng ma túy tổng hợp thu được tăng kỷ lục

Với nhóm vấn đề thứ nhất về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, Bộ Công an đã trấn áp số đối tượng nguy hiểm cầm đầu các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy tại bản Tà Dê (xã Loóng Luông, Vân Hồ, Sơn La), tiêu diệt 2 đối tượng cầm đầu ma túy vùng Tây Bắc là Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận; thu giữ 49 khẩu súng các loại, 17 lựu đạn, 7.000 viên đạn và nhiều vật chứng liên quan.

 Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, lượng ma túy tổng hợp thu được tăng kỷ lục.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2019, lực lượng công an đã phát hiện 10.246 vụ, 11.731 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 301,31kg heroin, 3.272,20 kg và 437.334 viên ma túy tổng hợp, 259,61 kg cần sa.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: “Dù số vụ bắt giữ giảm 12,66% so với cùng kỳ 2018, lượng ma túy tổng hợp thu được tăng kỷ lục, đây là số lượng ma túy thu được lớn nhất từ trước đến nay”

Bên cạnh đó, lực lượng công an còn phát hiện, xử lý nhiều tụ điểm sử dụng trái phép các chất ma túy trong các quán bar, vũ trường, karaoke. Bộ nhận định đãxuất hiện nhiều loại ma túy mới, nhiều đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp gây ảo giác không kiểm soát được nhận thức, hành vi, gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Với nhóm vấn đề thứ hai về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người, tội phạm liên quan tới hoạt động “tín dụng đen”, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia - mua bán bào thai, xâm hại phụ nữ, trẻ em, Bộ Công an cho biết đã tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh.

Tội phạm giết người vẫn diễn biến phức tạp

Đối với các vụ án giết người xảy ra, đã tập trung lực lượng điều tra làm rõ (đạt tỷ lệ trên 95%), về cơ bản các vụ án nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm đều được nhanh chóng điều tra khám phá, phối hợp với các ngành xử lý nghiêm minh đối tượng phạm tội trước pháp luật. Tuy nhiên tình hình tội phạm giết người vẫn diễn biến phức tạp. 

 Bộ trưởng Tô Lâm.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Năm 2018, 1.074 vụ giết người (giảm 0,19%) đã xảy ra. Riêng 5 tháng đầu năm 2019 đã có 447 vụ giết người (tăng 3,47%). Đáng lưu ý, xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo (giết nhiều người, giết người vứt xác, chặt xác, đốt xác, giết phụ nữ và trẻ em...).

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đưa ra phân tích, khoảng 15-17% là các vụ người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau; 60-70% các vụ giết người là do mâu thuẫn bột phát, nhất thời, đối tượng phạm tội lần đầu; xuất hiện ngày càng nhiều vụ giết người do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp ("ngáo đá") gây ra.

Tư lệnh ngành Công an dẫn chứng các vụ điển hình như: Vụ giết, hiếp nữ sinh giao gà do các đối tượng nghiện ma túy gây ra ngày 4/2/2019 tại Điện Biên; vụ Nguyễn Võ Ngọc Bảo “ngáo đá” giết, cướp tài sản của mẹ đẻ và em trai ruột xảy ra ngày 5/1 tại Ninh Thuận; vụ Trịnh Viết Ba (hành nghề thầy cúng) dùng dao giết 2 người, làm bị thương 2 người tại Nam Định ngày 4/3; vụ Nguyễn Hoàng Nam “ngáo đá” chém chết bố, mẹ, bà nội tại TP.HCM và một người khác tại Long An xảy ra ngày 11/3; vụ Trần Trọng Luận do thù tức cá nhân dùng dao giết chết 3 người tại Bình Dương…

49 đại biểu đăng ký chất vấn

Đầu giờ sáng có 49 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. 
 Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp)

Mở đầu chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) tỏ ra lo lắng với các băng nhóm tội phạm hoạt động lộng hành nhất là về ma túy, tín dụng đen gây bức xúc trong dư luận. Bà nhắc đến vụ án nhóm phụ nữ giết người phi tang xác ở Bình Dương và một số vụ án giết người man rợ do các đối tượng sử dụng ma túy gây ra.

“Trách nhiệm của cơ quan chức năng trong công tác quản lý như thế nào? Đây là vấn đế yếu về nghiệp vụ hay đạo đức công vụ? Giải pháp sắp tới của ngành như thế nào”, bà Hoa đặt câu hỏi.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) đánh gia cao sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong đấu tranh phòng chống tội phạm tín dụng đen. Tuy nhiên, ông lo ngại trong diễn biến phức tạp của loại tội phạm này.

 ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận)

Mới 5 tháng đầu năm 2019, chúng ta đã triệt phá 933 băng nhóm loại tội phạm này, giảm không nhiều so với 2018. Trong 2.500 vụ liên quan đến tín dụng đen trong năm 2018, chỉ có 34 vụ là xử theo tội cho vay nặng lãi chỉ chiếm 2%. ĐB chất vấn: "Đâu là giải pháp xử lý dứt điểm loại tội phạm này?".

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) cho biết theo báo cáo của Bộ Công an, lượng ma túy bị bắt giữ tăng kỷ lục, lớn nhất từ trước đến nay. Nữ đại biểu đặt câu hỏi về chất lượng phòng chống, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và tố giác tội phạm được đảm bảo thế nào.

 Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận)

Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, việc chấp hành nộp phạt, xử phạt chưa được chấp hành nghiêm dẫn đến nhờn pháp luật. Bà Hương đề nghị Bộ trưởng nêu ý kiến của mình về vấn đề này và giải pháp của Bộ trong thời gian tới.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (đoàn Cà Mau) tiếp tục đặt câu hỏi về năng lực của ngành công an khi để lọt nhiều đối tượng vận chuyển số lượng ma túy khủng vào Việt Nam gây mất an ninh, an toàn xã hội. “Cử tri rất quan tâm bức xúc vận chuyển mua bán ma túy, không còn tính bằng gam, hay kilogam mà được tính bằng tấn. Công tác phòng chống còn nhiều hạn chế, hiệu quả còn thấp. Hiện, ma túy đã len lỏi đến tất cả các tỉnh thành phố đến tận vùng nông thôn gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội”, nữ đại biểu nói.

 Đại biểu Trương Thị Yến Linh (đoàn Cà Mau)

ĐB đoàn Ca Mau đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ và những giải pháp căn cơ gì trong phòng ngừa loại tội phạm này.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cho biết, ông đã phân tích báo cáo từ 3 ngành điều tra, kiểm sát, tòa án, nhận thấy các vụ án về ma túy gia tăng cả về số vụ, số bị cáo và số lượng ma túy. Các báo cáo cũng chỉ ra Việt Nam đang trở thành địa bàn lý tưởng cho loại tội phạm này trung chuyển ma túy.

 Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng)

Đại biểu đặt 3 câu hỏi: Phải chăng chúng ta chưa đánh ma túy mạnh như các nước trong khu vực nên tội phạm mới chọn Việt Nam để trung chuyển ma túy? Có lỗ hổng yếu kém trong công tác kiểm tra, kiểm soát dẫn đến lượng ma túy lớn xâm nhập vào nội địa? Ngành công an có giải pháp mạnh mẽ nào trong thời gian tới để xử lý vấn đề này?

Bộ Công an dự báo được tình hình tội phạm ma túy

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời theo từng nhóm vấn đề về tội phạm ma túy, giết người, tín dụng đen.

 Bộ trưởng Tô Lâm.

Về công tác phòng chống ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Bộ nhận thấy đây là vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn. Tư lệnh ngành Công an khẳng định Đảng và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực cho công tác này. Quốc hội cũng thông qua luật với hình phạt hết sức nghiêm khắc cho hành vi liên quan đến ma túy. Chính phủ cũng có kế hoạch triển khai và có sự phối hợp chặt chẽ. Các ngành đã ban hành nhiều chương trình phối hợp, đặc biệt là hợp tác quốc tế trong phòng chống ma túy, có sự quyết liệt của cả hệ thống vào công tác phòng chống ma túy.

Cho biết kết quả đã được nêu trong báo cáo, đại tướng Tô Lâm trấn an chúng ta có thể an tâm vì Bộ Công an có thể dự báo tình hình này.

Bộ trưởng cho biết thêm, tội phạm ma túy là tội phạm quốc tế, không quốc gia nào không có sự hợp tác mà giải quyết được tội phạm này. Hơn nữa, chúng ta rất gần Tam giác Vàng - thủ phủ ma túy lớn, cộng với tình hình ma túy diễn biến phức tạp, nhiều nước hợp pháp hóa ma túy.

Bộ Công an từ tháng 10/2018 được Thủ tướng cho phép tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng về phòng chống ma túy. Các nước ASEAN cũng đã có sự phối hợp và phát hiện đường dây, tổ chức ma túy với số lượng lớn.

Bộ trưởng Công an khẳng định: “Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn ma túy, không để Việt Nam thành điểm trung chuyển ma túy của thế giới”

Bộ trưởng Tô Lâm cũng nêu vài khó khăn, thách thức như số người nghiện trong nước, nhu cầu ma túy trong nước ngày càng tăng lên, tội phạm này sẽ có diễn biến phức tạp. Về mặt pháp luật, hiện không xử lý hình sự người sử dụng ma túy, Bộ Công an đang nghiên cứu sửa đổi.

Tư lệnh ngành Công an cũng nêu bất cập hiện ở quản lý cửa khẩu thủ tục hàng hóa thông quan của ta rất thông thoáng, vì chính sách mở cửa nên chúng ta cũng bị lợi dụng trong khi điều kiện kiểm soát ở cửa khẩu còn khó khăn.

Không cho tín dụng đen có đất hoạt động

Liên quan đến vấn đề tín dụng đen, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng bản chất của tín dụng đen là quan hệ về dân sự, về kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề này lại có một giới hạn nhất định mà nếu vượt qua giới hạn đó sẽ trở thành vấn đề về hình sự. Bộ trưởng đưa ra 3 giải pháp nhằm hạn chế loại băng nhóm tội phạm này.

 Bộ trưởng Tô Lâm.

Thứ nhất, Bộ Công an cần tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen như hiện nay.

Thứ hai, về mặt pháp luật, Bộ trưởng khẳng định những đối tượng đang lợi dụng kẽ hở của luật pháp để gây khó khăn cho việc xử lý loại tội phạm này. Bộ trưởng Tô Lâm đề xuất khẩn trương có hướng dẫn để giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm tín dụng đen.

Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị phía ngân hàng tiếp tục đa dạng hóa các hình thức cho vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn ngân hàng, vốn lành mạnh, không cho tín dụng đen có đất hoạt động.

Không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy

Sau khi Bộ trưởng Tô Lâm đã trả lời về tội phạm ma túy, nhiều đại biểu vẫn tiếp tục đặt câu hỏi. Trước lo ngại Việt Nam có thành địa bàn trung chuyển ma túy không, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định tình hình buôn bán ma túy có sự chuyển hướng.

 Bộ trưởng Tô Lâm.

“Chúng ta đã kịp thời nắm bắt này nên phát hiện, bắt giữ nhiều vụ lớn, số lượng ma túy chưa từng có, nhưng nguy cơ vẫn đang hiện hữu, cần đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa”, Bộ trưởng Công an nói.

Vừa qua, công an đã bắt giữ, xử lý hàng tấn ma túy nhưng nguồn cung ma túy từ nước ngoài chưa được ngăn chặn. Nếu ngăn chặn ma túy từ nước ngoài vào, giá cao lên thì tội phạm sẽ càng manh động.

Bộ trưởng cho biết, diễn biến tội phạm trong nước sẽ phức tạp hơn, các đối tượng nghiện cần tiền mà giá ma túy cao thì cướp của, giết người, trộm cắp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Bên cạnh đó, áp lực ma túy từ nước ngoài rất lớn, Việt Nam cách Tam giác Vàng 500 km, việc vận chuyển dễ dàng cộng với chính sách mở cửa của ta trong tất cả các mặt nên tội phạm dễ lợi dụng. Một "cái khó" nữa là đường biển, đường biên giới của chúng ta rất dài nên kiểm soát rất khó khăn.

Bộ trưởng Tô Lâm cho hay: Để ngăn chặn, Bộ Công an đề xuất xây dựng kế hoạch tổng thể ngăn chặn ma túy qua các biên giới, hiện chúng ta phối hợp với Lào mở đợt cao điểm trấn công tội phạm ma túy phía giáp Lào. Bộ cũng có kế hoạch mời các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế bàn về kế hoạch phòng chống ma túy. “Hội nghị Bộ trưởng về phòng chống ma túy sẽ được tổ chức ở Việt Nam vào tháng 7 này”, Bộ trưởng Công an cho biết.

Theo Tư lệnh ngành Công an, chúng ta cũng cần tăng cường tuyên truyền sự vận động, ủng hộ của nhân dân. "Với các biện pháp đồng bộ, Việt Nam sẽ không trở thành địa bàn trung chuyển của thế giới", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Tháo gỡ khó khăn trong xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, Bộ trưởng Tô Lâm nói, ngành công an đã phối hợp Toà, Viện kiểm sát thống nhất quy trình, cách thức xử lý hướng dẫn tố giác tin báo, khởi tố tội xâm phạm tình dục với người dưới 16 tuổi. Qua đó đã tháo gỡ khó khăn trong giải quyết vụ việc liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em ở các địa phương, đẩy mạnh trấn áp loại tội phạm này.

 Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn)

Về việc số vụ tội phạm xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện, xử lý gia tăng thời gian qua, ông Lâm nói nhờ sự tích cực vào cuộc của các cơ quan chức năng đã tạo lòng tin cho người dân, số lượng người dân tố cáo loại tội phạm này nhiều hơn. 

"Tướng công an vi phạm hình sự đều đã bị xử lý"

Đại biểu Lê Thanh Vân - Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách chất vấn Bộ trưởng Công an: "Vì sao số lượng tướng lĩnh vi phạm đến mức phải xử lý vừa qua rất nhiều, ai là người chịu trách nhiệm về quá trình đề bạt, bổ nhiệm?".

 Đại biểu Lê Thanh Vân - Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách.

Nội dung này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Công an Tô Lâm không trả lời vì theo bà, "hiện các tướng công an vi phạm đều đã bị xử lý, không có vùng trống nào cho các tướng công an vi phạm". Còn trách nhiệm đề bạt, bổ nhiệm, theo bà Ngân, để bổ nhiệm tướng phải được thực hiện theo quy trình mà Quốc hội đã quy định.

"Khi người ta tốt thì bổ nhiệm, có vi phạm phải xử lý, đây là điều rất bình thường. Bất kỳ ai vi phạm pháp luật cũng bị xử lý", Chủ tịch Quốc hội nói.

Tiếp tục điều tra các phụ huynh đưa tiền để nâng điểm thi cho con

Chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Ninh) quan tâm tới tiến độ xử lý, điều tra vụ án gian lận điểm thi, gian lận thi cử THPT năm 2018 "hiện tới đâu và làm sao không bỏ lọt tội phạm?". Ông Cường cũng đặt câu hỏi về quá trình điều tra, làm rõ hành vi "đưa tiền cho bị can của các phụ huynh".

 Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Ninh).

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, liên quan đến gian lận thi cử ở các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hoà Bình, lực lượng chức năng đã điều tra 3 vụ, 16 bị can. Kết quả điều tra đủ căn cứ kết luận hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhiệm vụ được giao, can thiệp sửa chữa nâng điểm cho thí sinh. Qua điều tra cũng xác định 214 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi, trong đó Hoà Bình 66 thí sinh, Hà Giang 107 và Sơn La là 44.

Theo Bộ trưởng Công an, trước mắt để đảm bảo điều tra đúng thời hạn, cơ quan điều tra đề nghị truy tố các bị can đã xác định rõ hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhiệm vụ được giao; còn việc các phụ huynh đưa, nhận tiền đang được tiếp tục điều tra, củng cố chứng cứ.

Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ công bố sau khi có kết luận điều tra. 

Chênh lệch lớn về số liệu tử vong do tai nạn giao thông

Chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) chất vấn về sự chênh lệch số liệu tử vong do tai nạn giao thông giữa Bộ Công an và Bộ Y tế. Cụ thể, thống kê của Bộ Công an chỉ bằng 1/2 so với thống kê của Bộ Y tế, bằng 1/3 của Tổ chức Y tế thế giới.

 Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp).

Bộ trưởng Công an Tô Lâm giải thích, số liệu người chết do tại nạn giao thông của ngành công an chủ yếu là thống kê ở hiện trường, nơi xảy ra vụ tai nạn, còn thống kê của Bộ Y tế có cả người bị thương nặng khi tai nạn giao thông, lúc vào viện mới tử vong, điều này đã dẫn đến sự chênh lệch.

Đại biểu Phạm Văn Hoà giơ biển tranh luận vì cho rằng trả lời của Bộ trưởng Công an không thuyết phục.

"Số người chết tại hiện trường và ở bệnh viện đều do tai nạn giao thông nên không thể có cách thống kê khác nhau. Số liệu Bộ Công an cung cấp chỉ 8.900 người chết vì tai nạn giao thông trong khi thống kê của Bộ Y tế là 15.000", ĐB Hoà nêu.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, sự chênh lệch số liệu do cách thống kê, do vậy đề nghị các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến đại biểu để khắc phục.

Kỷ luật cán bộ Viện Kiểm sát Chương Mỹ trong vụ "hiếp dâm bé gái 9 tuổi"

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp đề cập tới vụ án hiếp dâm bé gái 9 tuổi xảy ra tháng 2/2019 tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Lúc đầu cơ quan điều tra huyện ra quyết định khởi tố tội dâm ô với bị can dù dấu hiệu tội hiếp dâm rõ ràng. Sau đó nhờ dư luận vào cuộc, cơ quan thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, bắt tạm giam.

 Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp 

"Xảy ra tình trạng này là do sợ bị oan sai, Viện kiểm soát quá thận trọng hay còn yếu về nghiệp vụ?", đại biểu Phương Hoa nêu và cũng chuyển câu hỏi này tới Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí thông tin trả lời đại biểu về vụ hiếp dâm bé gái 9 tuổi bị hiếp dâm tại Chương Mỹ, Hà Nội.

Sau khi sự việc xảy ra, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho biết cơ quan điều tra đã đề nghị Viện Kiểm sát huyện Chương Mỹ phê chuẩn để khởi tố tội dâm ô và phía Viện Kiểm sát đã đồng ý.

Ngay lập tức, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về vụ việc. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tối cao đã yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân tối caoHà Nội kiểm tra lại sự việc, đồng thời chỉ đạo VKS huyện Chương Mỹ phê chuẩn quyết định khởi tố theo hướng phải là tội Hiếp dâm trẻ em.

Về trách nhiệm của cán bộ liên quan trong việc xác định và phê chuẩn không đúng tội danh, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tối cao cho biết đã chỉ đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Hà Nội kỷ luật Phó viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Chương Mỹ và kiểm sát viên thụ lý vụ án.

Về công tác điều tra, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho hay, vụ án ban đầu thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra của địa phương, nhưng sau đó cơ quan điều tra Bộ Công an đã trực tiếp thụ lý. “Bộ trưởng Công an có thẩm quyền phân công thụ lý để đảm bảo tính công bằng và hợp lý”, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải thích.

Xử lý các cán bộ công an vi phạm "không có vùng cấm, bất kể cấp nào"

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về việc hoành hành của các băng nhóm, trong đó có sự bảo kê, bao che của một số cán bộ công an thoái hoá biến chất, Bộ trưởng Công an cho hay, tội phạm đang không từ thủ đoạn nào để tấn công, vô hiệu hoá lực lượng công an, từ làm quen, dụ dỗ mua chuộc, không được thì tấn công đe doạ, bôi nhọ, vu khống, không chỉ chiến sĩ công an mà còn gia đình, người thân của họ.

 Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

Bộ trưởng Tô Lâm nhận định: "Quá trình đó, có chiến sĩ không chịu được đã mất phẩm chất, có quan hệ, thậm chí làm ngơ cho tội phạm, bảo kê, hợp tác với tội phạm".

Cuãng theo Tư lệnh ngành Công an: Chủ trương của Đảng, Nhà nước là kiên quyết loại bỏ những cán bộ như vậy, nhưng cũng phải bảo vệ cán bộ bị vu khống xuyên tạc.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Vừa qua, các cán bộ công an vi phạm đã bị xử lý nghiêm, từ hành chính đến hình sự, "không có vùng cấm, bất kể cấp nào”. Chúng tôi kiên quyết chống bảo kê để khôi phục lòng tin đối với ngành công an.

Trước câu hỏi của đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) về việc khôi phục tội sử dụng trái phép chất ma túy trong Bộ luật Hình sự, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định sẽ nghiên cứu tổng kết, xử lý.

 Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam)

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, cần quản lý, tránh gia tăng số người nghiện ma túy vì từ nghiện ma túy có thể dẫn đến các loại hình tội phạm khác. Ngoài ra, làm giảm nhu cầu tiêu thụ chất ma túy là hướng đi tích cực để ngăn chặn nạn buôn lậu, mua bán trái phép chất kích thích.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng thông tin Bộ Công an rất quan tâm đến vấn đề trật tự trị an tại cơ sở. Mục tiêu cao phải là xử lý vấn đề tội phạm từ sớm, công tác phòng chống ngăn chặn không để hình sự xảy ra chứ không phải xảy ra rồi lực lượng công an mới đến.

Liên quan đến vấn đề tai nạn giao thông và các loại tội phạm gây bất an trong cuộc sống của người dân, Bộ Công an khẳng định đang tập trung lực lượng tiến hành các giải pháp để hạn chế thực trạng trên. Ngoài ra, Bộ cũng sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện một cách có hiệu quả nhất. 

Nêu quan điểm về việc điều 199 Bộ Luật hình sự đã bỏ quy định về xử lý hình sự người sử dụng ma tuý, Bộ trưởng Tô Lâm nói Bộ Công an sẽ đề nghị sửa đổi luật, khôi phục quy định này nhằm phòng chống ma tuý hiệu quả hơn.

"Tội phạm muốn tiêu thụ ma tuý thì phải tăng người nghiện, vì vậy, công an phải bằng mọi cách giảm số người nghiện và hình sự hoá việc sử dụng ma tuý là điều cần thiết", ông nói.

Theo Bộ trưởng Công an, lực lượng chức năng "không để vụ án xảy ra mới đến xử lý, mà công tác phòng chống, ngăn chặn, xây dựng xã hội kỷ cương an toàn, cho người dân có môi trường an lành mới là mục tiêu của ngành công an; phải xử lý, ngăn chặn tội phạm nảy sinh từ cơ sở".

Mỗi bánh bánh ma túy ảnh hưởng tới 10 gia đình

Tiếp tục giải trình về đấu tranh phòng, chống tội ma tuý, Bộ trưởng Tô Lâm nhìn nhận, đây là loại "tội phạm của các loại tội phạm". Từ tội phạm ma tuý sẽ nảy sinh các loại tội phạm khác như giết người, cướp của. Mỗi bánh heroin lọt vào Việt Nam thì 10 gia đình có người đi tù, vi phạm pháp luật. Đây là loại tội phạm hết sức nguy hiểm.

 Mỗi bánh bánh ma túy ảnh hưởng tới 10 gia đình.

Theo Bộ trưởng, hiện 50% số phạm nhân trong các trại giam có liên quan tới ma tuý. Vì thế, đấu tranh trong lĩnh vực này rất quan trọng để giảm tội phạm trong nước.

Giải pháp tới đây, Bộ trưởng Công an cho biết sẽ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tội phạm ma tuý; đề nghị khôi phục lại Điều 199 Bộ luật Hình sự về tội sử dụng ma tuý.

Cùng đó, cơ quan chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền ở cộng đồng, khu dân cư về tội phạm ma tuý.

Ngành công an cũng sẽ mở rộng phối hợp quốc tế, tăng cường triệt phá các đường dây vận chuyển ma tuý. "Kiên quyết không để hình thành các đường dây buôn bán ma tuý trong nước", Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.

Không kiểm tra nồng độ cồn thì sẽ gây ra hệ lụy lớn?

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đang kiến nghị với Quốc hội để hình thành, xây dựng luật để đảm bảo trật tự an toàn giao thông với nhiều chế tài. Tuy nhiên, Bộ Công an lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Bộ trưởng đưa ra ví dụ những biện pháp để đo nồng độ cồn có thể sẽ không được thực hiện nữa sau khi lấy ý kiến Quốc hội ngày hôm qua.

Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nói việc Bộ trưởng trả lời vì không đưa vào Luật phòng chống tác hại rượu bia quy định liên quan tới hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông là bỏ, không kiểm tra nồng độ cồn thì sẽ gây ra hệ lụy lớn.

 Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng).

Vấn đề này không đưa vào Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia không có nghĩa là bỏ trống mà nó đã đưa vào Luật Giao thông đường bộ và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tức là vẫn xử lý vi phạm hành chính về hành vi này.

Cùng với đó, nữ đại biểu đoàn Đà Nẵng muốn xác định trách nhiệm của Bộ trưởng Công an khi để tội phạm hoành hành đến mức gây bất an cho xã hội, đến mức dừng đèn đỏ cũng có thể bị xe tông chết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giải thích thêm việc ngày hôm qua Quốc hội có xin ý kiến về vấn đề xử phạt với lái xe sử dụng rượu bia. Bà khẳng định không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông bởi luật hiện hành đã có quy định.

Tuy nhiên, do quá bức xúc trước tình trạng sử dụng rượu bia lái xe gây tai nạn giao thông, trong thảo luận có nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng chế tài, không cần đo độ cồn mà cứ uống rượu bia là không được lái xe, lái xe là vi phạm. Phương án khác là giữ nguyên như hiện nay nhưng sau khi đại biểu cho ý kiến thì không phương án nào quá 50%.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc thông tin lại như vậy để mọi người không hiểu lầm rằng pháp luật không có xử phạt tài xế uống rượu, bia.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Tăng thêm hay giữ như hiện nay đều không được biểu quyết nên ta sẽ thực hiện xử phạt theo luật hiện hành”.

Khởi tố hơn 800 tội phạm sử dụng công nghệ cao

Theo Bộ trưởng Công an, từ năm 2018 đến hết quý I/2019, cơ quan chức năng đã khởi tố gần 500 vụ, hơn 800 bị can về tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đây là tội phạm xuyên biên giới có tính nặc danh cao nên rất khó phát hiện, đấu tranh.

Nhiều tổ chức, cá nhân chưa ý thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, chủ quan với cảnh báo an ninh, an toàn mạng. Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực này còn nhiều sơ hở.

"Trình độ, năng lực cán bộ đối phó với loại tội phạm này cũng như mức đầu tư còn hạn chế", Bộ trưởng Công an cho hay.

"Số lượng lớn ma tuý bị thẩm lậu vào Việt Nam"

Trả lời chất vấn về hiện tượng "số lượng lớn ma tuý bị thẩm lậu vào Việt Nam", Bộ trưởng Công an thông tin, gần đây nhiều vụ ma tuý lớn có yếu tố nước ngoài, do người nước ngoài cầm đầu và điều hành đã bị lực lượng công an triệt phá. 

Trước đây sản xuất ma tuý tập trung ở vùng Tam Giác Vàng, song gần đây tội phạm có ý định chuyển việc sản xuất, áp dụng công nghệ để tinh chế ở Việt Nam rồi tuồn ra nước ngoài. Lực lượng công an đã phát hiện và ngăn chặn ý đồ này.  

Các đối tượng có tiền, quyền bỏ trốn, có lộ lọt thông tin và bảo kê?

Chấu vấn Bộ trưởng Công an, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (đoàn Tiền Giang) cho biết có hiện tượng khi khởi tố vụ án thì một số đối tượng có tiền, có vị trí bỏ trốn. “Tại sao lại có tình trạng này? Có lộ lọt thông tin và bảo kê cho đối tượng không? Giải pháp là gì”?, đại biểu chất vấn.

 Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (đoàn Tiền Giang) 

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) nói vừa qua có biểu hiện một số công an liên minh với người có tiền, có quyền chi phối lợp ích nhóm. Ông chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng trong đấu tranh, ngăn chặn và xử lý tình trạng này.

 Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá)

Trả lời về việc khởi tố nhưng để lọt các đối tượng bỏ trốn, tư lệnh ngành công an cho biết: “Các giải pháp về mặt tố tụng hình sự Bộ vẫn đang nghiên cứu để có những biện pháp phù hợp, đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân mà không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhấn mạnh sẽ tăng cường các hoạt động nghiệp vụ của ngành công an để quản lý, theo dõi đối tượng ngay từ đầu.

 Toàn cảnh phiên chất vấn.

Nhóm vấn đề 1 về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tập trung vào: Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan tới hoạt động tín dụng đen, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia, xâm hại phụ nữ, trẻ em; công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định, sử dụng ma túy hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về các vấn đề có liên quan có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Quốc phòng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

Nhóm vấn đề thứ hai về lĩnh vực xây dựng tập trung vào: Quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel); về công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô các thành phố lớn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chịu trách nhiệm trả lời chính.

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về các vấn đề có liên quan có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Nhóm vấn đề thứ ba về lĩnh vực giao thông - vận tải, tập trung vào: Xử lý những vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới; thực hiện, quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên Quốc lộ, đường bộ cao tốc; trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể chịu trách nhiệm trả lời chính.

 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể

Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về các vấn đề có liên quan có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Y tế cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề thứ tư về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, tập trung vào: Quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hoá, quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh; công tác quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, phòng ngừa mê tín dị đoan; việc đầu tư, xây dựng và quản lý các công trình tâm linh; quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh; công tác quản lý và phát triển dịch vụ du lịch.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

 Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện.

Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về các vấn đề có liên quan có: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Công an.

Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Thủ tướng Chính phủ sẽ ủy quyền cho một Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời, giải trình thêm các vấn đề do đại biểu Quốc hội chất vấn liên quan đến điều hành chung của Chính phủ.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, tính đến ngày 23/5 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 190 vấn đề từ đề xuất của 48 Đoàn đại biểu Quốc hội; 28 vấn đề từ 16 phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội và 96 vấn đề nổi lên qua ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, từ Báo cáo của Ban Dân nguyện.

Trên cơ sở này, Đoàn Thư ký Kỳ họp và Văn phòng Quốc hội đã tổng hợp 10 nhóm vấn đề được đề xuất nhiều nhất để xin ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan; tiếp đó, “gút” lại còn 5 nhóm vấn đề gửi xin ý kiến Đại biểu Quốc hội.

Bốn nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn lần này đã được chọn trên cơ sở phiếu ý kiến của Đại biểu Quốc hội theo tỷ lệ từ cao xuống thấp. Nhóm vấn đề không được Đại biểu Quốc hội lựa chọn chất vấn là về lĩnh vực thanh tra.