TP Hồ Chí Minh: 70% số vụ tai nạn xuất phát từ ý thức người tham gia giao thông

YÊN NỘI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 11 tháng trong năm 2019, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra 645 vụ tai nạn giao thông, làm chết 594 người và bị thương 144 người. So với cùng kỳ năm ngoái giảm 98 vụ (-13%), giảm 87 người chết (-13%) và giảm 57 người bị thương (-28%).rn

Đó là những con số về tình hình tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08 - Công an thành phố) đưa ra tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu đánh giá dự án sáng kiến an toàn giao thông đường bộ toàn cầu giai đoạn năm 2015 – 2019 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 14/11.
Theo Phòng PC08 thành phố, tuy tai nạn giao thông được kéo giảm cả 3 mặt nhưng vẫn còn tiềm ẩn rất lớn. Qua phân tích 645 vụ tai nạn giao thông xảy ra nhận thấy, 70% số vụ xuất phát từ ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông, nổi cộm ở nguyên nhân là lưu thông không đúng phần đường; vi phạm tốc độ; nồng độ cồn; tránh vượt sai quy định; lưu thông vào đường cấm, ngược chiều. Đặc biệt, các vụ tai nạn giao thông xảy ra nạn nhân có đội mũ bảo hiểm nhưng do không cài quai đúng quy cách, không làm chủ tốc độ gây đa chấn thương dẫn đến tử vong.
 70% số vụ tai nạn tại TP Hồ Chí Minh xuất phát từ ý thức người tham gia giao thông. Ảnh: Huy Chương
Theo Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu (GRSP), thời gian tới, GRSP sẽ phối hợp với Phòng PC08 thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện thí điểm triển khai kéo giảm tai nạn giao thông tại một số quận, huyện có tình hình giao thông phức tạp, tai nạn giao thông cao, vi phạm tốc độ, nồng độ cồn cao và nhân rộng ra toàn thành phố. Bên cạnh đó, trang bị cho lực lượng Cảnh sát giao thông 24 quận, huyện, mỗi đơn vị 2 máy đo nồng độ cồn để công tác kiểm tra, kiểm soát nồng độ cồn hiệu quả hơn…
Theo khuyến nghị từ sáng kiến an toàn giao thông đường bộ toàn cầu do quỹ Bloomberg tài trợ, để tăng cường hiệu quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông cần tăng cường kiểm soát vấn đề uống rượu bia và lái xe; tăng cường truyền thông đại chúng chủ đề đội mũ bảo hiểm đúng cách, cài dây an toàn đặc biệt cho nhóm người ngồi sau, trẻ em và phụ nữ; vận động chính sách yêu cầu bắt buộc sử dụng ghế ngồi xe ô tô cho trẻ em ngồi ghế sau xe ô tô.