TP Hồ Chí Minh: Dịch sởi có nguy cơ tăng cao trong dịp đầu năm 2019

Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm 2019 đến nay, tại TP Hồ Chí Minh, số lượng người mắc bệnh sởi nhập viện điều trị có chiều hướng tăng cao.

Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch sởi là do người dân không tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi kể cả người lớn và trẻ em.
Từ đầu năm 2019 đến nay số lượng bệnh nhân mắc sởi nhập viện tại TP Hồ Chí Minh tăng cao.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, hiện nay trung bình mỗi tuần có hơn 100 ca phải nhập viên liên quan đến bệnh sởi. Tất cả 24/24 quận, huyện đều phát hiện ca bệnh sởi, các địa phương có nhiều ca bệnh là: Thủ Đức, quận 8, quận 12 và quận Bình Tân.
Ghi nhận tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, số ca nhập viện vì mắc sởi đang ngày càng gia tăng,tính từ đầu năm đến nay đã hơn 100 ca nhập viện, chưa tính số bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú.
Những bệnh nhân mắc bệnh sởi nguy hiểm và có nguy cơ biến chứng cao là đối tượng phụ nữ mang thai. Thai phụ khi mắc sởi có nguy cơ sinh non, trong tháng 12 vừa qua đã có đến 3 thai phụ mắc bệnh sởi biến chứng viêm phổi, chuyển dạ, có dấu sinh phải chuyển qua các bệnh viện phụ sản và sinh non.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, trong những tháng cuối năm 2018 và những tuần đầu năm 2019, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chiến dịch truyền thông, tăng cường tiêm phòng sởi, rubella cho khoảng 300.000 trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hiện nay là thời điểm người dân tăng cường đi lại nhiều, những người chưa tiêm chủng mắc bệnh sởi sẽ dễ lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, việc tiêm bổ sung vắc xin là điều cần phải làm.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh trong những qua số trẻ em nhập viện do bệnh sởi nhập viện tăng cao. Trước tình hình này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, bệnh sởi lây qua đường hô hấp. Bệnh có nhiều biến chứng nặng nếu chưa được tiêm chủng ngừa. Những trẻ không được tiêm phòng ngừa bệnh sởi hoặc lịch sử tiêm chủng không rõ ràng rất dễ mắc.
Việc tiêm chủng rất quan trọng, vì khả năng lây lan trong không khí cao, dễ lây cho trẻ nhỏ dưới 9 tháng - lứa tuổi chưa được tiêm chủng bệnh sởi, nguy cơ gây nhiều biến chứng nguy hiểm: “Có những biến chứng có thể làm cho trẻ nhập viện, như viêm phổi, viêm tai, tiêm ra máu, tiêu ra máu, hoặc những đứa sốt cao quá co giật. Phụ huynh phải nhớ là nó sẽ làm cho em bé suy dinh dưỡng, mà có nhiều người nhà lại kiêng cho bé ăn nữa thì càng suy dinh dưỡng”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.
Khuyến cáo của trung tâm y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh: Vaccine sởi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh sởi và rất an toàn. Do đó, Trung tâm Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân cần đưa con em mình đến cơ sở y tế để tư vấn tiêm vaccine sởi, phòng bệnh cho trẻ theo lịch tiêm chủng quốc gia đã được Bộ Y tế ban hành.
Đồng thời, để tăng cường miễn dịch cộng đồng khống chế không để bệnh sởi quay trở lại phụ huynh cần đưa con em mình trong độ tuổi của chiến dịch tiêm chủng (1 - 5 tuổi), đến tiêm bổ sung mũi vắc xin tại trạm y tế địa phương. Chiến dịch còn kéo dài đến hết tháng 1/2019.
Bệnh sởi dễ lây không cho trẻ em đến gần tiếp xúc với người nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, và đảm bảo các biện pháp vệ sinh tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Khi phát hiện trẻ hoặc người lớn có dấu hiệu bị sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, khám điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng cuộc khởi. Tuy nhiên, không cần thiết đưa trẻ hoặc người bệnh đến các bệnh viện trung tâm thành phố để hạn chế tình trạng quá tải không cần thiết và làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.