TP Hồ Chí Minh: Hơn 80.000 thí sinh bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10

TIỂU THÚY - HUY CHƯƠNG - TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (2/6), tại TP Hồ Chí Minh có hơn 80.000 học sinh bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020.

Theo ghi nhận, từ khoảng 5h sáng, tại Trường THCS Lương Thế Vinh (quận 3) học sinh và phụ huynh đã đến khá đông, đến khoảng 6h, khuôn viên phía ngoài trường đã chật kín.
Thí sinh thi vào lớp 10 tại trương THCS Âu Lạc quận Tân Bình. Ảnh Huy Chương
Em Trần Thị Quỳnh Giao cho biết, bản thân khá thoải mái với môn thi đầu tiên. “Em dậy từ 4h sáng, tuy nhiên vì em đã học bài rất kĩ nên không cần phải ôn lại nữa. Đúng ra là em có thể đến trễ hơn, nhưng do ba em đi làm sớm nên tiện em đi cùng ba em luôn. Với môn văn em khá tự tin, không phải lo lắng nhiều”, Giao nói.
Tại hội đồng thi Trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3), em Trọng Hải cho biết em thi vào Trường THPT Nguyễn Thị Diệu. “Môn văn không phải là sở trường của em. Tuy nhiên, em đã học rất chăm chỉ, hy vọng may mắn sẽ đến với em”, Trọng Hải cho biết.
Tại hội đồng thi Trường THCS Bình Tây (quận 6), từ rất sớm nhiều phụ huynh đã đưa con đi thi, sau khi các em vào phòng thi nhiều phụ huynh vì lo lắng vẫn tiếp tục chờ đợi bên ngoài. Cô Nguyễn Thị Diệu (nhà ở quận 6) cho biết: “Tụi nhỏ đi thi mà mình còn hồi hộp hơn, cả đêm qua tôi không ngủ được, chỉ mong con thi tốt để vào được trường công lập”, cô nói.
Được biết, sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ văn sáng nay (2/6), chiều cùng ngày, thí sinh thi môn Ngoại ngữ.
Phụ huynh ngồi chờ con thi vào lớp 10 tại điểm thi tại quận Tân Bình. Ảnh Huy Chương
Theo Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, năm nay TP có 95.334 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS nhưng chỉ có 80.327 thí sinh dự thi (74.180 thí sinh dự thi vào lớp 10 thường, 6.147 thí sinh dự thi vào lớp 10 chuyên).
Như vậy, đã có hơn 10.000 học sinh lớp 9 không tham gia "cuộc đua" vào lớp 10 công lập. Nếu so sánh với tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập năm nay là 67.299 thì "cuộc đua" này sẽ đánh rớt 13.028 thí sinh.
Cũng theo Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, các thí sinh sẽ thi tại 135 điểm thi với hơn 10.000 giám thị coi thi.
Tại kỳ thi năm 2019, Sở GD-ĐT TP sẽ áp dụng cách tính thi tuyển là tổng điểm 3 bài thi đã tính theo hệ số và điểm ưu tiên nếu có. Thí sinh trúng tuyển phải đảm bảo điều kiện dự đủ 3 bài thi và không có bài thi nào 0 điểm.
Phụ huynh vây kín điểm thi Trường THCS Bình Tây (quận 6). Ảnh: Tân Tiến
Liên quan đến cấu trúc đề thi của các môn, theo thông tin từ Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh giữ ổn định hình thức thi tuyển sinh vào lớp 10 với 3 môn thi là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Cấu trúc đề thi không có gì thay đổi, tuy nhiên nội dung đề thi được xây dựng theo hướng đổi mới, gồm những câu hỏi nhằm kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức đã học của thí sinh vào thực tiễn, không có những câu hỏi kiểm tra việc học thuộc lòng.
Năm nay, đề thi môn Toán có số câu hỏi về thực tiễn cũng như năm trước, câu hỏi hình học vẫn là câu dùng để phân loại thí sinh. Để làm bài tốt, học sinh cần nắm vững kiến thức, thực hiện đúng hướng dẫn của thầy cô. Đồng thời, khi về nhà học sinh phải rèn luyện khả năng tự học, tham gia đầy đủ các hoạt động giáo dục để có thêm nhiều sự trải nghiệm thực tế, từ đó giải quyết tốt các bài thi.
Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn không thay đổi, gồm ba phần: Đọc hiểu (3 điểm), Nghị luận xã hội (3 điểm), Nghị luận văn học (4 điểm). Đối với phần đọc hiểu, các văn bản được chọn thuộc nhật dụng, nghị luận xã hội, thường thức đời sống, khoa học... Các câu hỏi được tổ chức theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Đối với nghị luận xã hội, cần vận dụng phối hợp thao tác lập luận vào bài làm, chú trọng các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận, quan trọng là rút ra bài học về nhận thức và hành động cho chính bản thân mình.
Ở đề thi môn tiếng Anh, mặc dù cấu trúc được giữ nguyên như năm ngoái nhưng nội dung định hướng gắn với thực tiễn nhiều hơn, dựa trên những chủ đề, chủ điểm có trong sách giáo khoa.

Lúc 7h00, tại Hội đồng thi THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh, trong lúc Hội đồng thi đang phổ biến nội quy thì có một học sinh nam do căng thẳng, không chịu nổi áp lực thi cử đã bị ngất xỉu và được chuyển đến bệnh viện bằng xe cứu thương (em này là học sinh nam lớp 9-2 của trường THCS Lê Văn Tám).

Liên quan đến vấn đề này, một phụ huynh bức xúc: “Việc tổ chức giờ giấc thi cử rất thiếu khoa học, từ 6h45 thí sinh phải tập trung, đến 7h40 mới cho thí sinh vào phòng thi. Như vậy, thí sinh phải ngồi gần 1 tiếng đồng hồ dưới sân trường để nghe hội đồng thi phổ biến, dặn dò về nội quy phòng thi dưới thời tiết nóng nực, oi bức, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lí của thí sinh trong khi những việc này hội đồng thi có thể thực hiện trước đó. Không biết trường hợp em học sinh bị ngất xỉu này sẽ được giải quyết thế nào theo quy định hiện hành của sở GDĐT TP Hồ Chí Minh”.