TP Hồ Chí Minh mới giải ngân được 35% vốn đầu tư công

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngoài việc mới giải ngân vốn đầu tư công được 35%, trên địa bàn có gần 25.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Đây là thông tin được Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại Hội nghị tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh.

Chiều 30/10, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chủ trì Hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 2 tháng cuối năm 2023.

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, năm 2023 chỉ còn 2 tháng, do đó phải bàn bạc để chạy nước rút. Hội nghị này sẽ thảo luận góp ý cho chủ đề của năm 2024, góp ý xem xét về trách nhiệm trong cải cách hành chính (CCHC) của từng cấp. Chủ đề năm 2024 sẽ tập trung bàn về Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Hội nghị tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cuối năm 2023. Ảnh: Trung tâm báo chí TP.
Hội nghị tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cuối năm 2023. Ảnh: Trung tâm báo chí TP.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai đã có báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội của TP. Đáng chú ý, trong 10 tháng có gần 25.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động vì nhiều lý do, đến thời điểm ngày 19/10, TP chỉ mới giải ngân được 35,3% vốn đầu tư công.

Cục trưởng Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh Nguyễn Khắc Hoàng phân tích, kinh tế TP vẫn chịu tác động kép từ bên ngoài, qua số liệu kinh tế tháng 10 cho thấy TP vẫn có những điểm sáng, như: sản xuất công nghiệp tăng 3,7% chưa tăng bằng mức năm 2019. Chỉ số tiêu thụ hàng hóa tăng 10,5%, chỉ số lao động giảm 2,5%, tiêu dùng nội địa, lưu trú và ăn uống chưa đạt bằng năm 2019.

Giải ngân vốn đầu tư công tuy thấp nhưng so 10 tháng năm 2022 thì đạt 36,4% (tăng hơn 7%). Mới đây, tại Hội nghị Thành ủy đã đưa ra nhiều giải pháp, theo đó nếu đạt được 80% thì 2 tháng cuối năm 2023 phải đạt từ 22 - 30%/tháng.

Lạm phát dưới 4% (tháng 8 - 9 chỉ số có xu hướng tăng lên thì lo ngại), còn nay chỉ tăng 3,31% (thấp hơn tháng 9), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ổn định sẽ giúp tăng trưởng kinh tế. TP có 53.688 doanh nghiệp tham gia vào thị trường nhưng có gần 28.000 doanh nghiệp rút ra khỏi thị trường.

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, bên cạnh những gam sáng thì xuất khẩu trong 10 tháng giảm 3%, nhưng so nhiều tỉnh/thành thì TP sáng hơn, còn nhập khẩu tăng cho thấy tín hiệu tín dụng đã tốt.

Còn theo báo cáo của Sở KH&ĐT, ước tính tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn TP 10 tháng năm 2023 giảm 8,1% so với cùng kỳ, trong đó 3 thành phần trong tổng thu ngân sách đều giảm so với cùng kỳ: thu nội địa giảm 5,2%, thu từ dầu thô giảm 16,4%, thu từ xuất nhập khẩu giảm 13,1%. Ngược lại, ước tính chi ngân sách địa phương tăng 37,3% so với cùng kỳ, trong đó chi đầu tư tăng 31,7% và chi thường xuyên tăng 9,4%. Tổng thu cân đối NSNN 10 tháng năm 2023 ước thực hiện 372.708 tỷ đồng, đạt 79,4% dự toán và giảm 8,1% so với cùng kỳ.

Về hoạt động huy động vốn và tín dụng, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP ước tính đến 31/10/2023 đạt 3.387 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng ước tính đến 31/10/2023 đạt 3.375 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ.

Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và vận tải đều tăng rất cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2023 ước đạt 108.120 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước, tăng 15% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2023 ước đạt 978.681 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu vận tải hàng hóa, hành khách, bốc xếp và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 10 ước đạt 30.040 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 36,1% so với cùng kỳ; lũy kế 10 tháng năm 2023 ước đạt 258.451 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ.

Trong lĩnh vực y tế, trong tháng 10/2023 có 1.787 ca mắc sốt xuất huyết, có 4 ca tử vong; bệnh tay chân miệng 5.708 ca mắc, không có ca tử vong; số lượt khám chữa bệnh ngoại trú ước đạt 3.531.456 lượt (tăng 7,0% so với cùng kỳ), số lượt điều trị nội trú ước đạt 239.517 lượt (tăng 11%).

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhận định kinh tế tiếp tục ổn định, có tăng trưởng, cải thiện là điều đáng mừng. Các chỉ số về sản xuất công nghiệp, doanh thu thương mại, du lịch, kể cả đầu tư nước ngoài, thành lập mới doanh nghiệp có sự cải thiện so các tháng trước, kể cả xuất nhập khẩu cũng được cải thiện.

“Tuy nhiên, kinh tế phục hồi chậm, nếu lũy kế thì giảm 13,4%; FDI giảm 32,3%, tăng trưởng tín dụng thấp, cho thấy sức khỏe nền kinh tế cần chăm sóc. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp, do đó chúng ta phải tập trung trong 2 tháng cuối năm 2023. Thu NSNN đạt trên 79%, dự báo sẽ rất khó khăn. Tôi đề nghị lãnh đạo từng sở ngành, địa phương rà soát lại kết quả 10 tháng qua để xem còn tồn tại gì nhằm quyết liệt thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu 2023”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương trong tháng 11/2023 phải tập trung, hoàn tất các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy TP giao. Giám đốc Sở Nội vụ cần tham mưu cho Thường trực UBND TP để trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội. Sở ngành, địa phương cần triển khai các Nghị quyết của HĐND TP cụ thể hóa Nghị quyết 98 đã được thông qua; tập trung giải ngân đầu tư công, phải cố gắng giải ngân đạt 95%. Qua thống kê có 479 dự án đã giải ngân trên 95%, nhưng vốn của các dự án này ít, trên 1.100 tỷ đồng; có trên 30 dự án đã giải ngân 100%. Do đó về chỉ tiêu phải phấn đấu đạt 95%, những dự án khó đến mấy cũng phải quyết tâm giải ngân không dưới 80%.

“Đến chiều nay, vẫn còn 19 đơn vị vẫn chưa gửi bản cam kết về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đơn vị nào chưa gửi cam kết thì Văn phòng UBND TP lập danh sách, xác định rõ nguyên nhân. Không phê bình nữa, mà xem xét xử lý theo quy định. Các đơn vị có dự án, nếu dự báo giải ngân dưới 80% thì cần tập trung để có giải pháp tháo gỡ. Đối với CCHC, cải thiện các chỉ số, có cải thiện nhưng chưa nhiều. Vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không nêu rõ quan điểm, chính kiến. Do đó khi hỏi và trả lời câu hỏi phải thật rõ ràng, phải đảm bảo tiến độ phối hợp giữa các sở ngành, địa phương, hàng tháng chúng ta sẽ tổng hợp và công bố các cơ quan chậm trễ trong CCHC. Ngoài ra, cần tập trung giải quyết các tồn đọng của doanh nghiệp, các dự án bất động sản (60 dự án liên quan thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận); tập trung các giải pháp an sinh xã hội đến cuối năm; triển khai thực hiện Nghị quyết 98 trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế…, nhằm chào mừng 50 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh.