TP Hồ Chí Minh: Tháng 3/2022 xe buýt trợ giá hoạt động trở lại 100%

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là thông tin được ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh cung cấp tại buổi họp báo chiều 17/2.

Đã phục hồi 86/90 tuyến xe buýt

Theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, hiện nay thành phố đã chính thức phục hồi 86/90 tuyến xe buýt trên địa bàn. Do tình hình dịch Covid-19 vẫn còn nên tâm lý hành khách vẫn e dè khi tham gia xe buýt dẫn đến sản lượng hành khách so với cùng kỳ các năm trước giảm mạnh. Tuy nhiên, các tháng gần đây (tháng 12/2021, tháng 1 và 2/2022) hành khách có chiều hướng tăng trở lại.

Cụ thể, tháng 12/2021 có 46.291 hành khách đi trên 7.052 chuyến xe (6,6 khách/chuyến); Tháng 1/2022 có 72.659 hành khách với 7.696 chuyến (9,4 khách/chuyến) và tháng 2/2022 có 63/060 hành khách đi trên 5.386 chuyến (11,7 khách/chuyến).

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT trả lời nhiều vấn đề giao thông của TP Hồ Chí Minh.
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT trả lời nhiều vấn đề giao thông của TP Hồ Chí Minh.

Dự kiến các tuyến xe buýt có trợ giá: Bến xe Chợ Lớn – Bến xe Tân Phú (số 16), tuyến Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia (số 50), tuyến Bến Thành - Đại học Quốc tế (số 52), tuyến Bến Thành – Đại học Tôn Đức Thắng – Cầu Long Kiểng (số 86) sẽ hoạt động lại vào đầu tháng 3/2022. Như vậy, kể từ tháng 3/2022, hệ thống tuyến xe buýt có trợ giá hoạt động lại là 90/90 tuyến.

Cũng theo ông An, đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, hiện các đơn vị vận tải hoạt động trở lại đều tự đánh giá đạt theo các tiêu chí của quyết định số 3586/QĐ-BCĐ ngày 15/10/2021 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động GTVT an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Các lái xe, nhân viên phục vụ trên xe đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine; Tài xế và nhân viên phục vụ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tuân thủ quy tắc 5K trước - trong - sau khi thực hiện nhiệm vụ trên xe buýt; Hành khách khai báo y tế của hành khách thông qua phần mềm hoặc khai báo bằng giấy.

Về phương hướng, theo ông Bùi Hòa An, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch phục vụ học sinh, sinh viên đi lại trong thời gian đến trường học trực tiếp; Trước dịch thời gian hoạt động từ 5 giờ sáng - 19 giờ tối, tới đây sẽ có nhiều tuyến tăng thời gian hoạt động lên tới giờ tối để người dân đi lại.

Số chuyến của mỗi tuyến hoạt động tối đa là 260 chuyến/ngày, đối với các tuyến trục chính và các tuyến phục vụ học sinh, sinh viên là chủ yếu sẽ được điều chỉnh.

Tiếp tục điều chỉnh dự án Phát triển giao thông xanh

Về các dự án phát triển giao thông công cộng đã phải tạm dừng như dự án Phát triển giao thông xanh. Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết từ ngày 19/11/2021, Sở đã có công văn rà soát lại. Trong đó đề nghị tạm hoãn thực hiện dự án trong giai đoạn hiện nay.

Ngày 25/12/2021, Sở GTVT có công văn số 13800/SGTVT-VTĐB về thực hiện thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình tại cuộc họp về rà soát dự án Phát triển giao thông xanh. Trong đó, Sở GTVT đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (DAĐTXDCCTGT) rà soát, đánh giá để báo cáo cho UBND Thành phố các phương án tiếp tục thực hiện dự án nhằm đảm bảo hiệu quả trong tình hình hiện tại.

Ngày 25/12/2021, Ban Quản lý DAĐTXDCCTGT đã có văn bản 5467/BQLDAGT-GTX về phương án tiếp tục triển khai dự án Phát triển giao thông xanh. Trong đó, đề xuất thực hiện theo hương án: rà soát, điều chỉnh để tiếp tục triển khai dự án: Điều chỉnh hình thức đầu tư 42 phương tiện trong dự án bằng nguồn vốn xã hội hóa, một số hạng mục, cấu phần dự án - cầu đi bộ; Hệ thống soát vé dưới đất - Sẽ chưa thực hiện ngay trong giai đoạn này mà sẽ phân kỳ đầu tư, tiếp tục triển khai trong giai đoạn tiếp theo, sau khi dự án đã đạt được những điều kiện về nối kết, đồng bộ hạ tầng và sản lượng hành khách đạt đến quy mô phù hợp.

Trên cơ sở đó, ngày 5/1/2022, Ban Cán sự Đảng UBND TP đã có tờ trình số 05-TTr/BCSĐ trình Ban Thường vụ Thành ủy về phương án đề xuất của Ban Quản lý DAĐTXDCCTGT tại văn bản 5467 nêu trên, và được Ban Thường vụ Thành ủy chấp thuận tiếp tục thực hiện dự án trên cơ sở có điều chỉnh một số hạng mục nhằm phù hợp với giai đoạn hiện nay.

“Hiện nay, Ban Quản lý DAĐTXDCCTGT đang tổ chức phối hợp với Sở GTVT để chuẩn bị cho cuộc họp giữa UBND TP Hồ Chí Minh và Ngân hàng Thế giới về phương án thực hiện dự án trong thời gian tiếp theo nhằm đảm bảo hiệu quả, đúng quy định hiện hành. Dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 23/2 tới đây”, ông Bùi Hòa An, cho biết.

 

Công tác dự báo không chính xác

Về tình trạng hành khách xuống Sân bay Tân Sơn Nhất khó đón taxi và trách nhiệm của Sở GTVT như thế nào trong vấn đề này? Ông Bùi Hòa An, nói: “Về trách nhiệm từ khu vực trong sân bay (từ cổng thu phí trở vô thuộc sân bay và đơn vị giám sát là Cảng vụ Hàng không Việt Nam: Bố trí xe, thời gian dừng, chỗ đậu xe). Sở GTVT và Công an quận Tân Bình, Thanh tra giao thông chỉ đảm bảo chống kẹt xe phía bên ngoài và khu vực xung quanh theo quy định của UBND TP Hồ Chí Minh”.

Cũng theo ông An, thời gian qua do dự đoán không chính xác về lượng khách tăng đột biến qua đường hàng không (ngoài mức dự báo rất cao), trong khi các hãng xe taxi mới hoạt động khoảng 50% công suất. Do đợt dịch Covid-19 vừa qua nhiều tài xế về quê chưa quay lại thành phố hoặc tìm việc khác nên lượng tài xế chưa đủ. Bên cạnh đó, mặt bằng đỗ xe trong sân bay chưa đáp ứng được chỗ số lượng xe có nhu cầu đỗ. Hiện Sở GTVT đã họp với các ngành tham mưu cho UBND TP đầu tư những bãi đỗ xe lớn nhằm đảm bảo nhu cầu của người dân. Dự báo thời gian tới sẽ giảm 10% lượng hành khách so với thời gian trước và trong Tết Nguyên đán. Để đảm bảo việc vận chuyển, hành khách nên đi xe buýt, nhưng nhiều người ngại xe buýt vì hàng hóa đem theo khá cồng kềnh, vận chuyển mất thời gian, xe đi lâu.