TP Hồ Chí Minh: Vẫn đang điều tra Công ty Việt Á

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là câu trả lời của Thượng tá Lê Mạnh Hà, Chánh Văn phòng Công an TP Hồ Chí Minh tại buổi họp báo về tình hình Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Có kết luận điều tra sẽ cung cấp cho báo chí

Tại buổi họp báo do Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều 17/1, một số phóng viên đã đặt câu hỏi: Ngoài Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện quận Bình Tân và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, còn có đơn vị nào mua kit xét nghiệm Covid-19 từ Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á)? Tiến độ điều tra những bệnh viện có mua kit xét nghiệm Covid-19 từ Công ty Việt Á? Gần Tết Nguyên đán, nạn tín dụng đen nở rộ, công an đã xử lý bao nhiêu vụ? Nhiều người không vay mượn nhưng bị các nhóm đòi nợ thuê bêu rếu trên mạng xã hội phải làm gì bảo vệ quyền lợi mình?

Buổi họp báo tại Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh vào chiều 17/1.
Buổi họp báo tại Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh vào chiều 17/1.

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Chánh Văn phòng Công an TP Hồ Chí Minh cho biết liên quan đến vụ kit xét nghiệm Covid-19 mà các bệnh viện mua từ Công ty Việt Á, đến nay cơ quan công an vẫn đang tiến hành điều tra, khi nào có kết luận sẽ công bố cho báo chí. Quan điểm của cơ quan điều tra là vi phạm đến đâu xử lý đến đó.

Về tình trạng tín dụng đen nở rộ vào dịp Tết Nguyên đán, theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, đây là tình trạng chung. Vì cứ đến Tết, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp. Đặc biệt là đòi nợ thuê vào dịp Tết đối với những người vay nợ của tín dụng đen. Những người nợ thường bị khủng bố tinh thần, người thân quen của người vay tiền cũng bị khủng bố, bị làm mất uy tín.

Để ngăn chặn tình trạng tín dụng đen, Công an TP Hồ Chí Minh đã tập trung lực lượng xử lý nhiều trường hợp. Từ ngày 1/12/2020 đến nay, công an đã xử lý 347 trường hợp ném chất bẩn, đe dọa con nợ và người thân con nợ. Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh xử lý 120 vụ, khởi tố 45 vụ án với 65 bị can liên quan, phạt hành chính 3 vụ 4 đối tượng. Hiện đang xác minh điều tra 49 vụ, thời gian tới, Công an thành phố triển khai nhiều giải pháp, như: Tham mưu cho địa phương hỗ trợ cho người nghèo vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội; Mở đợt cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm từ ngày 15/12/2021 - 14/2/2022; Ban hành văn bản chỉ đạo công an các đơn vị, các quận/huyện và TP Thủ Đức, Phòng Cảnh sát hình sự…, tổ chức trấn áp tội phạm có tổ chức, nhất là tội phạm liên quan tín dụng đen.

Học sinh lớp 1 đến 6 không học trực tiếp thì học online

Tại buổi họp báo, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh  cho biết việc tổ chức cho học sinh từ lớp 6 trở xuống đi học trực tiếp sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, từ ngày 4/1 Sở đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, các Phòng GD&ĐT.

Đối với những phụ huynh không đồng thuận cho con mình đi học trực tiếp vì sợ lây Covid-19, thì học sinh tiếp tục học online theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Vấn đề này không mới, vì hiện nay vẫn có một bộ phận học sinh từ lớp 7 trở lên đang học online. Riêng trẻ mầm non, nếu các vị phu huynh không đồng tình đưa con mình đến nhà trẻ thì tự chăm sóc các bé tại nhà.

Về câu hỏi vì sao đến nay UBND quận 11, vẫn phải cập nhật hồ sơ chi trả hỗ trợ đợt 3 cho người khó khăn bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 97 của HĐND TP Hồ Chí Minh?

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết đến nay tỷ lệ chi trả tại quận 11 là 92,49% (164.658 người), có 162.290 người đã nhận với số tiền hơn 120 tỷ đồng. Việc cập nhật lại danh sách là những người chưa nhận được hỗ trợ do bị cách ly để điều trị Covid-19.

 

“Với tình huống người không liên quan đến việc vay tiền, nhưng bị đe dọa, quấy rối, người dân có thể yêu cầu công ty tài chính cần đòi đúng đối tượng. Người dân cũng có thể gửi đơn tố cáo các đối tượng đe dọa, lăng mạ mình đến Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông hoặc Cơ quan công an để xử lý” - Thượng tá Lê Mạnh Hà, khẳng định.