TPP buộc ngân hàng rốt ráo tái cơ cấu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nội dung cam kết trong lĩnh vực ngân hàng (NH) - tài chính, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lưu ý các tổ chức tài chính 12 nước thành viên phải tăng cường minh bạch hóa...

Theo nội dung cam kết trong lĩnh vực ngân hàng (NH) - tài chính, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lưu ý các tổ chức tài chính 12 nước thành viên phải tăng cường minh bạch hóa; bảo hộ đầu tư với cơ chế giải quyết tranh chấp minh bạch, rõ ràng và có hiệu quả; cho phép áp dụng các ngoại lệ và các quy định quản lý thận trọng… Đây là những quy định buộc các NH trong nước phải rốt ráo đổi mới mạnh mẽ trong thời gian tới.

Để hưởng lợi phải giải quyết nhiều thách thức

Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính - NH, có 5 điểm lớn mà hệ thống tài chính, NH của Việt Nam được hưởng lợi từ TPP. Thứ nhất, đó là tăng khả năng huy động vốn quốc tế. Thứ hai, tăng thương mại của Việt Nam và các nước trong khối TPP, qua đó tăng dịch vụ NH đi kèm như cho vay, thu đổi ngoại tệ, thanh toán quốc tế… Thứ ba, các NH có cơ hội tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược trong khối. Thứ tư, tạo điều kiện hệ thống NH tuyển dụng, tìm kiếm nhân sự cấp cao cho mình. Thứ năm là khả năng đổ bộ của những sản phẩm, dịch vụ mới mà những NH trong khối TPP mang vào thị trường Việt Nam, làm tăng khả năng phát triển, đa dạng hóa thị trường tài chính trong nước.
Giao dịch tại một chi nhánh SHB Hà Nội.	  Ảnh:  Thanh Hải
Giao dịch tại một chi nhánh SHB Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Ông Lực đánh giá, cơ hội có nhưng thách thức lớn khi đứng chung sân với nhiều định chế tài chính trên toàn cầu cũng không nhỏ. Đó là việc TPP cho phép các NH, các định chế tài chính nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không cần hiện diện. Nghĩa là NH ở Mỹ có thể cung cấp dịch vụ về thẻ, chuyển tiền… cho người dân Việt Nam mà không cần có chi nhánh NH tại Việt Nam. Việc này sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn giữa các NH trong và ngoài nước. Đây cũng là điểm khác so với cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trước đây, WTO cho phép các NH mở chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại thị trường nước thành viên nhưng chưa cho phép cung cấp dịch vụ NH trực tiếp như TPP.

Một điểm chặt chẽ hơn WTO, TPP yêu cầu các NH T.Ư, NH thương mại phải minh bạch, cung cấp thông tin về chính sách tiền tệ chi tiết và cập nhật hơn… Chính phủ phải ứng xử công bằng với tất cả các nhà đầu tư. Ví dụ, NH T.Ư muốn cấm loại hình dịch vụ của một NH phải đưa ra được lý do và chứng minh có tác động bất ổn đến tài chính, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ của nước đó.

Ngân hàng Việt Nam đang ở đâu?

Rõ ràng, 9 năm qua, cam kết trong lĩnh vực NH khi gia nhập WTO chưa gây ra sức ép cạnh tranh đáng kể cho các NH Việt Nam. Những khó khăn còn tồn đọng trong quá trình tái cấu trúc, xử lý nợ xấu đang ảnh hưởng không nhỏ đến "sức khỏe" của nhiều NH Việt.

Theo đánh giá gần đây của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năng lực tài chính của hệ thống NH Việt Nam (theo mô hình CAMELS) thuộc nhóm yếu trong khu vực. Trong khi nhiều NH trong khu vực đã áp dụng tiêu chuẩn Basel III thì NH Việt Nam mới chỉ áp dụng Basel II. NH lớn nhất của Việt Nam hiện nay có quy mô tổng tài sản cũng mới chỉ 36 tỷ USD, một con số quá khiêm tốn nếu so sánh với vốn điều lệ trung bình của các NH nước ngoài như NH Mitsubishi UFJ có vốn điều lệ lên tới 1.770 tỷ USD. Cũng có những ý kiến cho rằng, giới hạn sở hữu nước ngoài đối với các NH Việt Nam vẫn được duy trì ở mức 30% và Chính phủ vẫn được ưu tiên nhất định với một số tổ chức tài chính Nhà nước, ví dụ như NH Chính sách xã hội, NH Phát triển, NH NN&PTNN và một số NH thương mại có sở hữu Nhà nước chi phối. Nói cách khác, trong thời gian tới, nếu không đồng loạt mở “room” (hoặc NH Nhà nước không cho phép trường hợp nào “đặc cách”) thì không một NH thương mại cổ phần nào, dù nhỏ đến mấy lại có thể bị thâu tóm cả. Hiện tại, Việt Nam cũng chưa có cơ chế rõ ràng để phá sản các NH.

Theo TS Phan Hồng Mai - Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân, mỗi tổ chức tín dụng, NH thương mại tại Việt Nam nên chủ động nghiên cứu, xây dựng kịch bản, kế hoạch hành động với chương trình cụ thể để chuẩn bị cho việc gia nhập TPP. Trong thời gian tới, các NH cần thực hiện có kết quả lộ trình tái cơ cấu hệ thống tài chính, nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả kinh doanh và đảm bảo an toàn của cả hệ thống; thực hiện các giải pháp xử lý phù hợp đối với nhóm NH yếu kém...