Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn về nguồn chi ứng phó biến đổi khí hậu

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trần Văn Minh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh) về 2 vấn đề: Nguồn chi cho ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý điều hành ngân sách nhà nước.

Nguồn chi cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017, trong đó vốn ODA thực hiện theo cơ chế tài chính trong nước là 15.000 tỷ đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Chương trình. Tính đến nay, nguồn vốn ODA và vay ưu đãi đã huy động được cho Chương trình trong giai đoạn 2016-2020 là khoảng 8.600 tỷ đồng.

Về phân bổ vốn, đến nay, kế hoạch trung hạn 2016-2020 đã phân bổ cho các địa phương thực hiện các dự án chuyển tiếp là 4.478,21 tỷ đồng (bằng 30% tổng mức vốn của Chương trình), trong đó: Năm 2016 là 1.000 tỷ đồng, năm 2017 là 1.160,388 tỷ đồng, năm 2018 là 1.405,643 tỷ đồng. Đối với dự án khởi công mới, số vốn dự kiến phân bổ cho 75 dự án khởi công mới là 10.521,797 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục ưu tiên đầu tư.

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Về các nguồn ODA khác cho lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường, văn bản trả lời nêu rõ: Việc đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong huy động và sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ, thông qua các chương trình, dự án ở cả cấp trung ương và địa phương. Việc chi cho các chương trình, dự án thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, các Bộ, địa phương là chủ dự án. Giai đoạn 2010-2017, tổng số dự án/chương trình thuộc lĩnh vực môi trường và có các mục tiêu liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ là 89 chương trình/dự án, trị giá khoảng 7,468 tỷ USD (chiếm khoảng 15% tổng số vốn vay ODA và vay ưu đãi đã ký kết giai đoạn 2010-2017). Trong đó, tổng vốn huy động theo phương thức hỗ trợ ngân sách là 1.288 triệu USD (tương đương khoảng 27.000 tỷ đồng).

Trong giai đoạn này, nguồn vốn ODA huy động được từ Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (Chương trình SP-RCC) đã bố trí cho: (i) Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu là 1.300 tỷ đồng (chiếm 4,8%); (ii) Chương trình SP-RCC đã bố trí cho 28 dự án về biến đổi khí hậu và 41 dự án trồng rừng số tiền là 4.100 tỷ đồng (chiếm 15,2%). Vì vậy, số vốn ODA huy động được bố trí trực tiếp cho 2 Chương trình về biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý là 20%. Còn lại 21.600 tỷ đồng (80%) được cân đối chung để bố trí cho các chương trình, dự án khác về lâm nghiệp, thủy lợi, đê điều, hồ chứa nước, vận tải công nghệ mới giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, chăn nuôi giảm các-bon…

Từng bước khắc phục tồn tại trong quản lý điều hành ngân sách nhà nước

Mặc dù chế độ, chính sách quản lý tài chính - ngân sách nhà nước được quy định đầy đủ, chặt chẽ, nhưng trên thực tế, tại một số cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách ở trung ương và địa phương vẫn xảy ra tình trạng chi NSNN không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, gây thất thoát, lãng phí NSNN; tình trạng phân bổ ngân sách chậm dẫn đến chậm giải ngân, số chi chuyển nguồn ngân sách sang năm sau còn lớn ảnh hưởng hiệu quả sử dụng NSNN.

Để từng bước khắc phục, hàng năm, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước.

Trong quá trình triển khai cụ thể, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiêm túc chỉ đạo việc triển khai Nghị quyết của Chính phủ. Trong năm 2016, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, tổ chức điều hành dự toán đúng quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm; tăng cường kiểm soát chi NSNN qua Hệ thống Kho bạc Nhà nước; tăng cường thanh tra và xử lý sau thanh tra, kiểm toán.

Để tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật NSNN năm 2015, có hiệu lực từ năm ngân sách 2017, trong đó có quy định 12 nhóm hành vi cấm vi phạm trong lĩnh vực NSNN. Đồng thời, để hạn chế tối đa việc chuyển nguồn, luật NSNN năm 2015 đã quy định cụ thể 7 nội dung được tự động chuyển nguồn sang năm sau, còn lại không được phép chuyển nguồn. Nhờ vậy, quy định về quản lý tài chính - ngân sách chặt chẽ, thực hiện nghiêm minh, tránh thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng nguồn lực ngân sách, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế của việc chuyển nguồn sang năm sau lớn, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính - ngân sách.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần