Trách nhiệm pháp lý khi không chấp hành kiểm tra y tế tại chốt kiểm dịch

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều tỉnh, thành phố đã lập các chốt kiểm soát ra, vào địa phương để phòng, chống dịch Covid-19. Đa số người dân tuân thủ yêu cầu của cơ quan chức năng.

Tuy vậy, cũng có trường hợp không chấp hành việc kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế. Thậm chí, cá biệt có một vài người còn chửi bới, lăng mạ, dùng tay chân, dao gậy chống người thi hành công vụ. Vậy pháp luật quy định xử lý các hành vi vi phạm nêu trên như thế nào?

Nguyễn Văn Thuận, huyện Hoài Đức, Hà Nội

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) trả lời:

Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam. Trong đó, tên dịch bệnh: Covid-19 (dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra); Thời gian xảy ra dịch: từ ngày 23/1/2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô cấp do chủng mới của virus Corona gây ra); Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: toàn quốc; Nguyên nhân: Do chủng mới của virus Corona gây ra; Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch: Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu; Đường lây: Lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

Điều 53 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 quy định việc kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A như sau:

“1. Các biện pháp kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A bao gồm:

a) Hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện; trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế;

b) Cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch;

c) Thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người vào vùng có dịch quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;

d) Các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

2. Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch thành lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông ra, vào vùng có dịch để thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này”.

Do dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) đã được công bố, với tính chất, mức độ nguy hiểm được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm A, Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch của các tỉnh, thành phố có thẩm quyền thành lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông ra, vào địa phương để thực hiện các biện pháp kiểm soát, bao gồm kiểm tra, giám sát và xử lý y tế.

Điều đó đồng nghĩa, người nào không chấp hành việc kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế là vi phạm điều cấm của pháp luật. Bởi vì, theo khoản 7 Điều 8 của Luật này, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là “không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Theo điểm a khoản 5 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, hành vi “không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A” bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, nếu người không chấp hành việc đo thân nhiệt, khai báo y tế đồng thời còn chửi bới, lăng mạ, dùng tay chân, dao gậy chống người thi hành công vụ, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra còn có thể bị xử lý như sau:

Xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Đó là:

“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;

b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;

c) Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ;

b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;

c) Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này”.

Căn cứ quy định nêu trên, chửi bới, lăng mạ người thi hành công vụ, người vi phạm hành chính bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Nếu bị xử lý hình sự, theo điểm 1.9 công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/03/2020 về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, “người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330”.

Cụ thể, Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về Tội chống người thi hành công vụ như sau:

“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm”.

Việc cơ quan có thẩm quyền thành lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông ra, vào địa phương, thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát và xử lý y tế để phòng chống dịch bệnh lay lan ra cộng đồng, bảo vệ chính người được kiểm tra y tế. Trường hợp có dấu hiệu của bệnh, ví dụ sốt, ho, đau họng..., người đó sẽ được phân loại, khám kỹ hơn, có thể lấy mẫu xét nghiệm. Nếu kết quả xác định dương tính với virus SARS-COV-2, bệnh nhân sẽ được điều trị và nhà nước chi trả mọi chi phí liên quan. Cho nên, mọi người có nghĩa vụ và quyền lợi khi tuân thủ các quy định nêu trên.