Trai hay gái đều đáng quý

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Sở Y tế Hà Nội ban hành Kế hoạch số 485/KH-SYT về việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 1/2/2023 của UBND TP Hà Nội trong lĩnh vực y tế, tập trung thực hiện 4 chỉ tiêu được TP giao và 2 chỉ tiêu phấn đấu của ngành...

Riêng đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, Sở Y tế Hà Nội đặt ra mục tiêu tiếp tục thực hiện và triển khai các đề án, kế hoạch của UBND TP như: Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2025; đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản đến năm 2030…

Một trong những điểm được dư luận quan tâm của kế hoạch này là việc tăng cường thanh tra các cơ sở y tế ngoài công lập về lựa chọn giới tính thai nhi, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, pháp luật về việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Cần nhấn mạnh nội dung này là bởi hiện tại mức chênh lệch về giới tính của trẻ sơ sinh ở Hà Nội vẫn ở mức cao.

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, tính đến hết năm 2022, dân số trung bình đạt khoảng 8,4 triệu người (chiếm khoảng 8,4% dân số cả nước). Toàn TP đã đạt mức sinh thay thế, số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,1 con. Đặc biệt, TP đã bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh. Đây là điều đáng ghi nhận khi biết rằng cách đây 10 năm, tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội là 117 trẻ trai/100 trẻ gái. Qua nhiều năm kiên trì thực hiện các biện pháp cần thiết, năm 2021, tỷ số này giảm xuống còn 113 trẻ trai/100 trẻ gái và năm 2022 ước đạt 112,0 trẻ trai/100 trẻ gái.
Tuy nhiên, tiếp tục thực hiện các biện pháp để kiểm soát hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn là một vấn đề cần được quan tâm đối với Hà Nội.

Tư tưởng trọng nam, khinh nữ, “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người dân. Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học kỹ thuật là điều kiện để nhiều gia đình thực hiện việc lựa chọn giới tính thai nhi dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ về mất cân bằng giới tính khi sinh.

Từ thực tế trên, có thể nói các biện pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế ngoài công lập về lựa chọn giới tính thai nhi, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, pháp luật về việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức là vô cùng cần thiết, cần tiếp tục triển khai một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng đây cũng vẫn chỉ là giải pháp tình thế, hay nói như ngành y, chỉ mới có tác dụng chữa triệu chứng mà chưa giải quyết tận gốc “căn bệnh” này.

Thật ra, đây điều không mới. Ai cũng biết việc lựa chọn giới tính khi sinh xuất phát từ tư tưởng trọng nam, khinh nữ đã tồn tại trong xã hội ta từ rất lâu, dù đã có phần thuyên giảm trong sự phát triển của đời sống hiện đại. Tư tưởng đó đã được thực tế cuộc sống, cụ thể là sự đóng góp và vai trò ngày càng được khẳng định của phụ nữ trong đời sống gia đình cũng như toàn xã hội chứng minh là lỗi thời, lạc hậu song chưa hoàn toàn chấm dứt. Và đó chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, một việc làm vừa bị luật pháp nghiêm cấm, vừa thiếu tính nhân văn. Loại bỏ tận gốc tư tưởng trọng nam, khinh nữ chính là biện pháp căn bản để chấm dứt hành vi này. Và để làm được điều đó, không ai khác ngoài mỗi người, mỗi cặp vợ chồng, gia đình, dòng họ cần hiểu rõ một điều đơn giản: Con nào cũng là con, con trai, con gái đều đáng yêu quý, trân trọng như nhau.