Trái ngọt xuất khẩu hàng hóa từ CPTPP

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 5 năm thực thi, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mang lại kết quả tích cực cho xuất khẩu Việt Nam. Tận dụng ưu đãi thuế, xây dựng thương hiệu là con đường của các doanh nghiệp Việt Nam để gia tăng thị phần tại thị trường này.

Tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 104,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2021.

Chế biến tôm xuất khẩu sang các nước khối CPTPP. Ảnh minh họa
Chế biến tôm xuất khẩu sang các nước khối CPTPP. Ảnh minh họa

Kim ngạch nhập khẩu từ các nước CPTPP đạt 50,9 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2021. Xét về thị trường, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 8/10 thành viên CPTPP đều tăng trưởng tích cực, có thị trường tăng tới 163% như Brunay.

Tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/0) CPTPP của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực và tăng đáng kể so với năm 2021. Cụ thể, thủy sản tăng 41,7%, giày dép tăng 51,7%, dệt may tăng 185,2%, cà phê tăng 140,1%, rau quả tăng 62,3%, hạt điều tăng 39,4%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,5%, máy móc và thiết bị tăng 152,3%... Thặng dư thương mại từ các nước CPTPP trong năm 2022 đạt 2,63 tỷ USD trong khi năm 2021 Việt Nam thâm hụt khoảng 74,5 triệu USD trong trao đổi thương mại với các nước CPTPP.

Chia sẻ về tác động của CPTPP đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng, cùng với các FTA khác, CPTPP đã thật sự là đòn bẩy để thúc đẩy hàng hoá Việt Nam vươn ra thế giới. Đáng chú ý, hơn 2 năm gặp sóng gió vì dịch Covid-19, nguồn lực của doanh nghiệp trong nước gần như suy giảm, tuy nhiên, với các ưu đãi từ CPTPP đã trở thành điểm tựa, vực dậy các hoạt động sản xuất, xuất khẩu và mở cửa thị trường cho doanh nghiệp.

Sản xuất giày xuất khẩu sang châu Mỹ. Ảnh minh họa 
Sản xuất giày xuất khẩu sang châu Mỹ. Ảnh minh họa 

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh, minh chứng rõ nét nhất là sự tăng trưởng của 3 thị trường mà trước đó Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) là Canada, Mexico và Peru. Từ khi thực thi CPTPP, thặng dư thương mại từ trao đổi thương mại với 3 nước Canada, Mexico và Peru trong năm 2022 lên tới 11 tỷ USD, chiếm 94% tổng thặng dư thương mại năm 2022 của Việt Nam và tăng 6,7% so với năm 2021.

Lấy sức ép cạnh tranh làm động lực đổi mới

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam sang thị trường các nước CPTPP tích cực nhưng giá trị mặt hàng còn khiêm tốn, tỷ lệ thị phần chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ hội tận dụng ưu đãi từ hiệp định này chưa thực sự cân bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI (vốn đầu tư nước ngoài).

 

Hiệp định CPTPP gồm 11 nước thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealan, Peru, Singapore và Việt Nam, được ký kết và có hiệu lực trong năm 2018 sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP - Hiệp định tiền thân của CPTPP) vào năm 2017.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa tạo được thương hiệu riêng có khả năng cạnh tranh, thậm chí nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường CPTPP vẫn mang thương hiệu nước ngoài.

Ngoài ra, hàng hóa Việt Nam còn chịu sức ép cạnh tranh với hàng hóa của nhiều quốc gia khác. Dẫn chứng về việc này, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh cho hay, rất nhiều những đối thủ cạnh tranh trực tiếp hàng dệt may, da giày Việt Nam về hưởng ưu đãi phổ cập thuế quan như Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Campuchia, Ai Cập... 

Để vượt khó khăn, hóa giải thách thức, Bộ Công Thương khuyến nghị, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.

Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng của CPTPP.

Nhiều chuyên gia nhận định, đa số doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, vì thế việc khai thác hiệu quả các FTA, trong đó có CPTPP cũng như xây dựng được thương hiệu tại thị trường quốc tế đầy cạnh tranh là bài toán khó.

Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp về mặt chính sách, thông qua cải cách hành chính, chuyển đổi số nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi về các loại thuế. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến sâu rộng hơn nữa các quy định liên quan tới C/O ưu đãi, lợi thế của việc hàng hóa được cấp C/O ưu đãi đến các cá nhân, doanh nghiệp.